Là đơn vị đưa hàng xuất ngoại nhiều, nhưng quay lại thị trường trong nước thì vấp phải khó khăn, ông Cù Văn Thành, Tổng giám đốc Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới (Bến Tre) cho biết, hiện nay nhiều mặt hàng của công ty có mặt tại hầu hết hệ thống siêu thị, chợ truyền thống nhưng vẫn còn không ít khó khăn.
“Chúng tôi đã là một thương hiệu ít nhiều tiếng tăm mà còn gặp khó khăn như vậy thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ còn gặp nhiều trở ngại hơn. Sản phẩm đã đưa lên được kệ siêu thị, nhưng nhiều khi bị xếp vào những vị trí khó thấy, không bắt mắt”, ông Thành chia sẻ.
Liên quan tới vấn đề này, ông Lê Thành Trung, quản lý thương mại chuỗi giá trị nông sản Central Retail Việt Nam cho biết, nhiều doanh nghiệp Việt có sản phẩm tốt, sản phẩm rất đặc trưng nhưng chưa đáp ứng được tiêu chí của các siêu thị thì cũng không thể lên kệ.
![]() |
Sản phẩm tốt, đặc trưng nhưng chưa đáp ứng được tiêu chí thì cũng không thể lên kệ siêu thị. |
Cùng quan điểm, đại diện Tổng công ty thương mại Sài Gòn TNHH MTV (SATRA) cho biết, công ty là 1 trong 17 doanh nghiệp nhà nước hàng đầu tại TP.HCM luôn mong muốn kết nối với các doanh nghiệp, HTX sản xuất - thương mại - dịch vụ tại các địa phương nhằm tìm kiếm cơ hội làm ăn, tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân, xã viên, nhất là các đơn vị có các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP hoặc đặc sản vùng, miền tại các địa phương với giá tốt nhất trên nguyên tắc các bên đối tác cùng có lợi. Tuy nhiên, yêu cầu quan trọng là chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh…
Thực tế, các siêu thị cũng phải đảm bảo các nguyên tắc kinh doanh của mình. Đại diện một chuỗi siêu thị tại TP.HCM cho rằng, hiện chất lượng hàng hóa nông sản còn chưa đồng đều, sản xuất chưa theo một quy chuẩn nên rất khó lên kệ. Có những sản phẩm đã lên kệ siêu thị được một thời gian nhưng do chất lượng sản phẩm ngày càng đi xuống nên buộc phải gỡ bỏ.
Để kết nối đưa sản phẩm của doanh nghiệp lên kệ siêu thị hiệu quả hơn trong thời gian tới, Sở Công thương một số tỉnh phía Nam cho biết sẽ lập danh sách cụ thể các doanh nghiệp, HTX, các chủ thể sản xuất của địa phương, cung cấp cho các nhà phân phối, hệ thống các siêu thị bán lẻ hàng đầu trong nỗ lực kết nối cung - cầu gắn với xúc tiến thương mại cho sản phẩm chủ lực. Từ đó, góp phần tháo gỡ vướng mắc, đưa nông sản hàng hóa cũng như sản phẩm đặc trưng vùng, miền của các địa phương chiếm lĩnh thị trường trong nước, đến với người tiêu dùng một cách rộng rãi.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. HCM cho biết, các hệ thống phân phối đang tích cực tìm kiếm nguồn hàng có chất lượng, giá tốt, mẫu mã phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng để cung ứng ra thị trường nhằm cải thiện hiệu quả kinh doanh. Các nhà sản xuất cũng đang tìm cách tiếp cận các hệ thống phân phối để tiêu thụ hàng hóa của mình. Nếu để doanh nghiệp tự thân vận động sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, TP.HCM và các tỉnh, thành tích cực tổ chức hội nghị kết nối cung cầu để giúp các bên gặp nhau, vừa tiết kiệm thời gian, công sức tìm kiếm, giảm rất nhiều chi phí vừa giúp doanh nghiệp có mạch kết nối thuận lợi và hoạt động kinh doanh thuận lợi hơn.
“Các địa phương cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu; chuyên biệt hóa các sản phẩm đặc thù của địa phương. Song song với đó, nắm bắt xu hướng tiêu dùng, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước để chia sẻ, cùng các địa phương định hướng, khuyến nghị sản xuất phù hợp, sản xuất theo nhu cầu thị trường; góp phần nâng cao giá trị các chuỗi cung ứng. Và quan trọng nhất là đưa được hàng hóa vào siêu thị tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp và nông dân”, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ly-do-khien-nhieu-hang-noi-kho-len-ke-sieu-thi-137227.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.