Điện gió ngoài khơi - cơ hội kép tuyệt vời cho Việt Nam

"Điện gió ngoài khơi là cơ hội kép tuyệt vời cho Việt Nam: Một cơ hội để cung cấp một nguồn năng lượng xanh và có chi phí hiệu quả cho sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của đất nước, đồng thời hỗ trợ Việt Nam đạt được cam kết tại Hội nghị COP26 đối với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050", ông Nicolai Prytz, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, nhận định.
dien gio ngoai khoi co hoi kep tuyet voi cho viet nam Xây dựng nhà máy điện gió tại Lào nhằm xuất khẩu điện sang Việt Nam
dien gio ngoai khoi co hoi kep tuyet voi cho viet nam ADB tài trợ 107 triệu USD để hỗ trợ vận hành trang trại điện gió công suất 88 MW

Ngày 16/3, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương và Đại sứ quán Đan Mạch phối hợp tổ chức hội thảo “Thúc đẩy phát triển ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và các gợi ý chính sách” với mục đích tạo ra một diễn đàn đối thoại, trao đổi giữa các bộ, ban, ngành của Việt Nam với các tổ chức, chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước để chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cơ chế chính sách liên quan cho Việt Nam trong phát triển điện gió ngoài khơi.

dien gio ngoai khoi co hoi kep tuyet voi cho viet nam
Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz phát biểu tại hội thảo.

Trong những thập kỷ gần đây, Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm khoảng 7%, dẫn đến sự gia tăng đáng kể về lượng năng lượng tiêu thụ cũng như lượng khí thải CO2. Điều quan trọng đối với Việt Nam hiện nay là khả năng tách rời mức tiêu thụ năng lượng và tốc độ phát triển kinh tế, đồng thời chuyển đổi cấu trúc ngành năng lượng quốc gia thành một hệ thống năng lượng bền vững hơn thông qua việc đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi như: có đường bờ biển dài, nguồn gió dồi dào và vùng đáy biển tương đối nông phù hợp cho việc dựng hệ thống móng cố định.

Việt Nam cũng có chuỗi cung ứng được thiết lập tốt, có thể sử dụng gần như ngay lập tức hoặc chuyển đổi nhanh chóng để hỗ trợ thực hiện nhiều công đoạn trong quá trình xây dựng hoặc thiết lập hệ thống hạ tầng cần thiết khi phát triển và xây dựng một trang trại gió ngoài khơi. Với khả năng cung cấp một lượng điện sạch khổng lồ với mức giá hấp dẫn, đồng thời tạo ra nhiều việc làm mới và thu hút đầu tư, điện gió ngoài khơi sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong cơ cấu năng lượng tương lai của Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng điện gió ngoài khơi được Việt Nam xác định là lĩnh vực phát triển đột phá trong chuyển dịch năng lượng bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, do phát triển điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới ở Việt Nam, vì vậy việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia đã có kinh nghiệm về lĩnh vực này như Đan Mạch là rất có giá trị.

Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz cho biết: "Điện gió ngoài khơi là cơ hội kép tuyệt vời cho Việt Nam: Một cơ hội để cung cấp một nguồn năng lượng xanh và có chi phí hiệu quả cho sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của đất nước, đồng thời hỗ trợ Việt Nam đạt được cam kết tại Hội nghị COP26 đối với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050".

Là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ và lâu dài việc Việt Nam chuyển đổi sang ngành năng lượng xanh và bền vững, Đan Mạch mong đợi Chính phủ Việt Nam sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng và nhất quán, điều cần thiết cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, bắt đầu bằng việc phê duyệt Quy hoạch Điện VIII (PDP 8) và quyền khảo sát ngoài khơi độc quyền.

Đan Mạch là quốc gia tiên phong và dẫn đầu thế giới về năng lượng gió ngoài khơi kể từ năm 1991, khi quốc gia này vận hành trang trại năng lượng gió ngoài khơi đầu tiên trên thế giới. Ngày nay, Đan Mạch cũng đang đi đầu trong việc cắt giảm chi phí sản xuất để biến điện gió ngoài khơi thành một trong những loại năng lượng tái tạo cạnh tranh nhất. Điều này rất quan trọng và là động lực to lớn, tạo đà cho sự phát triển và mở rộng ngành công nghiệp điện gió của Việt Nam.

Một trong những khuyến nghị chính trong Báo cáo "Lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam" của Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới là Chính phủ Việt Nam nên cho phép triển khai một vài dự án thí điểm trên quy mô lớn, theo giai đoạn, để kích hoạt ngành công nghiệp này.

Hiện là thời điểm chín muồi để Chính phủ có các hành động mạnh mẽ nếu muốn đạt được mục tiêu phát triển 7 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 như đề ra trong dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Ông Henrik Scheinemann, Đồng Giám đốc điều hành của Tập đoàn Copenhagen Offshore Partners (COP), bổ sung: “Điều quan trọng là Việt Nam nên tập trung vào việc khởi động ngành năng lượng tái tạo, một ngành công nghiệp đã được chứng minh là có hiệu quả cao, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các thị trường đã phát triển và có thành tích tốt để chọn cho mình một mô hình điện gió ngoài khơi phù hợp với nhu cầu và kỹ năng của đất nước".

Có thể thấy rõ, Việt Nam có khả năng và sẽ thành lập ngành công nghiệp này. Giờ là lúc thúc đẩy và cho phép thực hiện các dự án thí điểm và ban hành khung pháp lý rõ ràng cũng như tạo điều kiện để các nhà đầu tư và phát triển dự án chia sẻ bài học nhằm xây dựng chuỗi cung ứng địa phương, qua đó giải quyết cơn khát năng lượng xanh ngày càng tăng của Việt Nam.

Năm 2013, Việt Nam và Đan Mạch đã ký kết một hiệp định hợp tác dài hạn với mục đích thúc đẩy quá trình chuyển đổi tại Việt Nam sang nền kinh tế các-bon thấp. Việc thực hiện hiệp định này do chính phủ Đan Mạch tài trợ và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch quản lý.

Cơ quan Năng lượng Đan Mạch hợp tác với Bộ Công Thương Việt Nam thông qua Chương trình hợp tác đối tác năng lượng (DEPP) giữa Việt Nam và Đan Mạch. Chương trình bao gồm các lĩnh vực sử dụng hiệu quả năng lượng trong công nghiệp, tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện và xây dựng mô hình, kịch bản dài hạn cho ngành năng lượng.

Chương trình hiện đang bước vào giai đoạn thứ ba DEPP III (2021-2025). Bên cạnh các lĩnh vực nêu trên, chương trình cũng sẽ bao gồm hợp phần điện gió ngoài khơi và một hợp phần tập trung vào xây dựng các chính sách khuyến khích kinh tế để cải thiện việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp tại Việt Nam.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/dien-gio-ngoai-khoi-co-hoi-kep-tuyet-voi-cho-viet-nam-137203.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.