TP. Hồ Chí Minh: Phát triển huyện thành quận còn nhiều thách thức
13:42 | 10/03/2023
Việc chuyển đổi các huyện ngoại thành lên quận hoặc thành phố thuộc TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030 là một trong những chương trình đột phá của TP. Hồ Chí Minh theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ thành phố. Tuy nhiên, đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030 đang bị chậm trễ.
“Nếu không khẩn trương hoàn thành để đưa vào quy hoạch chung của TP. Hồ Chí Minh thì những nghiên cứu vừa qua sẽ coi như bỏ”, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh bức xúc.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Theo TS. Dư Phước Tân - nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, đối chiếu các tiêu chí phân loại đô thị của 5 huyện cho thấy, đến năm 2030, hầu hết 5 huyện ngoại thành đều không đạt tiêu chí đô thị loại 1 (lên quận). Đối chiếu với 59 tiêu chí phân loại đô thị là thành phố trực thuộc tỉnh thì huyện Củ Chi còn thiếu 13 tiêu chí, Hóc Môn thiếu 8 tiêu chí, Bình Chánh thiếu 2 tiêu chí, Nhà Bè thiếu 7 tiêu chí còn Cần Giờ thiếu 21 tiêu chí.
Một trong những nguyên do là vướng tiêu chí số đơn vị hành chính và 100% xã phải có khả năng chuyển thành phường (không còn xã nông thôn). Trong khi đó, tiêu chí chuyển đổi thành phố thuộc thành phố có cho phép huyện giữ lại một số xã nông thôn (35% trong tổng số xã). Như vậy, việc phấn đấu theo mô hình thành phố thuộc thành phố sẽ khả thi và thuận lợi hơn đối với 5 huyện, so với mô hình lên quận.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng kiến nghị TP. Hồ Chí Minh nên tính toán đến khả năng sáp nhập các huyện liền kề có tiêu chí chưa đạt, để bổ trợ hoàn thiện lẫn nhau, đồng thời phải phù hợp với định hướng phát triển chung của thành phố. Tuy nhiên, cần căn cứ theo các tiêu chí, tùy theo thực tiễn địa phương về quy mô diện tích, dân số, sự phức tạp của địa bàn...
Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố là để phát triển huyện thành đô thị vệ tinh hiện đại, sinh thái, xanh và số. Các đô thị này cần phải có định hướng phát triển vượt trội. Mô hình đô thị mà các huyện đang hướng tới xây dựng phải phát triển toàn diện ở tất cả khía cạnh. Về phát triển kinh tế, phải xác định công nghiệp, dịch vụ là chủ yếu, còn nông nghiệp cố gắng duy trì ổn định. Những đô thị này phải có điểm khác rõ nét so với đô thị ở trung tâm.
Theo ông Hoan, ở thời điểm hiện tại, chưa nên bàn chuyện huyện nào lên quận, huyện nào lên thành phố mà nên hướng đến mục tiêu đạt tiêu chí đô thị loại II. Ngoài ra, trong quy hoạch cần đề xuất cơ chế chính sách để huy động nguồn lực tư nhân, nguồn lực xã hội hóa để phát triển. Đặc biệt, cần thận trọng khi thông tin về định hướng phát triển các huyện để tránh các rủi ro về đầu cơ đất.
Ông Hoan cũng lưu ý, chiến lược phát triển đô thị của từng huyện phải có sự khác biệt rõ ràng, phù hợp đặc điểm địa phương. Trong đó, Cần Giờ phát triển theo hướng đô thị sinh thái nghỉ dưỡng; Hóc Môn chủ yếu đô thị sinh thái gắn với dịch vụ (y tế, văn hóa, giải trí, logistics); Nhà Bè thì theo hướng đô thị sông nước, đô thị cảng. Đối với huyện Hóc Môn và Bình Chánh, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cần phát triển theo hướng khu đô thị phức hợp, khu vực tạo ra sản phẩm hỗ trợ cho những khiếm khuyết của đô thị trung tâm, như công viên chuyên đề, xử lý rác thải bằng công nghệ đốt rác phát điện…
Minh Lâm