TP.Hồ Chí Minh tiếp tục mở rộng thanh toán một chạm trên xe buýt
15:38 | 01/03/2023
Sở Giao thông - Vận tải TP.Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp với công ty công nghệ thanh toán điện tử Visa trong việc mở rộng dự án thí điểm thanh toán chạm cho các tuyến xe buýt.
![]() | Triển khai tuyến đường thanh toán không dùng tiền mặt |
![]() | Thói quen người tiêu dùng đã thay đổi |
Đại diện Visa cho biết, trong quá trình phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại, việc áp dụng công nghệ thanh toán mở không tiếp xúc EMV cho phép người dùng “chạm” thẻ thanh toán, ví di động và các thiết bị đeo thông minh khác để thanh toán chi phí di chuyển trên các phương tiện công cộng, mua vé điện tử; trả phí sạc xe điện, phí cầu đường và đỗ xe ô tô… Các giải pháp di chuyển thông minh sẽ cải thiện chất lượng giao thông công cộng cũng như dịch vụ vận chuyển, đồng thời tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành cho các bên. Điều này cũng sẽ góp phần giảm những tác động xấu lên môi trường, gia tăng tiện ích và cải thiện chất lượng sống cho người dân.
Trong giai đoạn hợp tác đầu tiên, Sở Giao thông - Vận tải TP.Hồ Chí Minh và Visa đã triển khai hình thức thanh toán không tiếp xúc trên 50 xe buýt. Theo bản ghi nhớ hợp tác mới, 100% tuyến xe buýt TP.Hồ Chí Minh sẽ sử dụng vé điện tử vào năm 2025, đạt mức 1.000 xe buýt. Phương thức thanh toán này cũng có thể được áp dụng vào tuyến metro số 1 sẽ hoạt động vào năm 2024.
![]() |
Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Võ Khánh Hưng cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có 126 tuyến xe buýt. Trong đó, 90 tuyến có trợ giá và 36 tuyến không trợ giá; mạng lưới xe buýt đã tiếp cận đến tất cả các đơn vị cấp huyện và 178 xã, phường, thị trấn, đạt 55,3%, đã tiếp cận đến 62 bệnh viện và 236 trường học. Mạng lưới tuyến buýt hình thành các tuyến trục và nhánh phân bổ theo dạng hình quạt với nan quạt là các tuyến trục chính hướng tâm và xuyên tâm từ 2 trung tâm chính là Bến Thành và Chợ Lớn.
Theo Quyết định 3998/QĐ-UBND của UBND TP.Hồ Chí Minh về phê duyệt đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng, kết hợp kiểm soát phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, mục tiêu giao thông công cộng đặt ra đến năm 2025 đáp ứng được 15% nhu cầu đi lại người dân, đến năm 2030 là 25%. Để hiện thực hóa các chỉ tiêu trên, ngành giao thông TP.Hồ Chí Minh đã xây dựng 3 nhóm giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện đến năm 2030 với các nhóm giải pháp tăng cường vận tải hành khách công cộng, nhóm giải pháp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông và nhóm giải pháp hỗ trợ.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành, đặc biệt là mở rộng triển khai vé điện tử trên các tuyến xe buýt; nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên xe; tiếp tục đầu tư, cải tạo hệ thống hạ tầng phục vụ xe buýt.
Trước đó, TP.Hồ Chí Minh đã triển khai vé điện tử trên 23 tuyến xe buýt; phối hợp với Lãnh sự quán Anh tại TP.Hồ Chí Minh xây dựng khung tiêu chuẩn chung của hệ thống thanh toán tư động dùng trong hoạt động vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố; triển khai ứng dụng “Go!Bus” cung cấp thông tin vận tải hành khách công cộng trên thiết bị di động chạy các hệ điều hành phổ biến Android và iOS. Đến nay, có khoảng 16.000 lượt tải ứng dụng.
Đại diện Sở Giao thông - Vận tải cho biết, TP.Hồ Chí Minh đã triển khai hệ thống quản lý xe buýt (BMS) từ dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, camera nâng cao hiệu quả công tác quản lý điều hành, cải thiện chất lượng dịch vụ; hệ thống kiểm soát và quản lý xác nhận chuyến thông qua công nghệ RFID tại 3 đầu bến xe buýt với 125 xe; hệ thống in vé giấy trực tiếp trên xe, kết nối trực tuyến về Trung tâm Điều hành, đồng bộ trên 24 tuyến xe buýt. Ngành giao thông TP.Hồ Chí Minh cũng thực hiện quản lý và nghiệm thu đối soát sản lượng thông qua GPS, camera đối với các tuyến xe buýt có trợ giá; lắp đặt 233 bảng thông tin điện tử tại các nhà chờ để cung cấp thông tin thời gian thực cho hành khách (thời gian chờ, khoảng cách xe buýt tới trạm).
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Di chuyển thông minh là mục tiêu chiến lược quan trọng trong quá trình chuyển đổi của thành phố. Việc hợp tác thanh toán một chạm sẽ mang đến cho người dân nhiều tiện ích hơn thông qua những đổi mới công nghệ liền mạch và hiện đại”.
Minh Lâm