Kiểm soát chặt thị trường hàng hóa
13:43 | 20/02/2023
Hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Hàng lậu, hàng giả gây hại cho thị trường
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an), thời gian này, hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại tập trung chủ yếu vào các mặt hàng tiêu dùng như thuốc lá, lương thực, thực phẩm, rượu bia, bánh kẹo, đường, sữa, mỹ phẩm, hàng điện máy, điện tử, đồ gia dụng, thời trang, đồ chơi trẻ em... Bên cạnh đó, nhu cầu mua các mặt hàng bảo vệ sức khỏe như thực phẩm chức năng, thuốc tân dược, thiết bị y tế cũng có sự gia tăng đột biến… và là cơ hội cho các hành vi buôn bán phi pháp, thu lợi bất chính.
Để lừa dối người tiêu dùng và lẩn tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng, các đối tượng sản xuất buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và xâm phạm sở hữu trí tuệ thường triệt để lợi dụng nền tảng công nghệ số để bán hàng trên các trang thương mại điện tử, các mạng xã hội để tiếp cận nhanh nhất đến người tiêu dùng; đồng thời dễ dàng xóa dấu vết phạm tội, trốn tránh sự truy xét của các cơ quan chức năng.
![]() |
Các cơ quan chức năng đang tăng cường kiểm soát, xử lý hành vi buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại |
Gần đây nhất, đoàn liên ngành thành phố Hà Nội đã kiểm tra một cơ sở kinh doanh nước hoa trên địa bàn và tạm giữ hơn 1.000 lọ nước hoa có dán tem, nhãn của nhiều thương hiệu nổi tiếng có dấu hiệu bị giả mạo. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận cơ sở có 5 nhân viên đang thống kê người đặt mua hàng trên mạng, đóng gói sản phẩm để chuyển phát nhanh. Trước đó, Ðội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 (Cục QLTT thành phố Hà Nội) phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh khác tại quận Cầu Giấy và tạm giữ gần 30.000 bộ quần áo, giày, găng tay có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng. Các cơ sở kinh doanh này sử dụng mạng xã hội để đăng tải hình ảnh, nhận đặt hàng, bán các sản phẩm nêu trên.
Cũng mới đây, Cục QLTT tỉnh Ninh Bình đã phát hiện nhiều hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, nhập lậu và không rõ nguồn gốc xuất xứ tại Trạm dừng nghỉ Xuân Khiêm thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Xuân Khiêm trị giá gần 214 triệu đồng. Thời điểm kiểm tra, cơ sở đang bày bán 109 chiếc khăn quàng cổ giả mạo các nhãn hiệu Chanel, Louis Vuitton, Burberry, Dior; 383 chiếc khăn quàng cổ các loại, 505 chiếc đồ chơi trẻ em các loại là hàng hóa nhập lậu và 11 bình rượu các loại, 254 chiếc túi xách da là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Có thể thấy, hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại đã ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Ông Hoàng Hữu Lộc, Phó Phòng bán hàng, Công ty CP Pin ắc quy miền Nam (Pinaco), cho biết, ắc quy nhập lậu đang là vấn đề khiến doanh nghiệp này rất khó cạnh tranh. Mỗi bình ắc quy nhập khẩu gian lận thuế tác động giá giảm được từ 25% đến 36%. Với độ "vênh" lớn như vậy thì giá các bình ắc quy nhập bán ra rất thấp.
Tăng cường kiểm tra, giám sát
Trước thực trạng đó, công tác kiểm tra, giám sát đang được các lực lượng chức năng triển khai liên tục.
Theo ông Tạ Đình Dũng, Phó Cục trưởng phụ trách Cục QLTT tỉnh Thái Nguyên, đơn vị đã chỉ đạo các đội trực thuộc xây dựng phương án cụ thể trong việc giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trên thị trường hàng hóa… Tính đến nay, đơn vị đã phát hiện và xử lý 51 vụ vi phạm hành chính về hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm thương mại điện tử, tiêu chuẩn đo lường chất lượng và nhãn hàng hóa. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính trên 245 triệu đồng. Ngoài ra, lực lượng QLTT tỉnh đã ngăn chặn kịp thời tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu, không để xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung và những hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.
Tương tự, tại Hòa Bình, Cục QLTT tỉnh đã kiểm tra 56 vụ, xử lý vi phạm 40 vụ; số tiền xử phạt vi phạm hành chính và trị giá hàng hoá tịch thu hơn gần 219 triệu đồng; tổ chức tiêu hủy tài sản là tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu do vi phạm hành chính với số lượng 1562 đơn vị sản phẩm, giá trị tài sản là hơn 92 triệu đồng. Do có sự kiểm soát chặt chẽ của lực lượng QLTT và các cơ quan chức năng, trên địa bàn không có hiện tượng đầu cơ găm hàng, tăng giá quá mức, tung tin thất thiệt gây tăng giá đột biến, bất ổn thị trường, ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Trong tháng 2 này, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn; thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo kế hoạch đã được phê duyệt và ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tiếp tục thực hiện Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025.
Bộ Công an cũng khuyến cáo mỗi người dân cần nâng cao ý thức trong việc mua bán, tiêu dùng hàng hóa theo đúng các quy định của pháp luật, tránh việc vô tình hay cố ý tiếp tay cho tội phạm buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm sở hữu trí tuệ. Trong khi mua, bán hàng hóa nếu phát hiện thấy có những dấu hiệu bất thường hay nghi ngờ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hay xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc, người tiêu dùng cần chủ động thông tin, tố giác các hành vi có dấu hiệu vi phạm đến các cơ quan chức năng để kịp thời xác minh, xử lý theo đúng các quy định của pháp luật.
Ái Nhiên