Tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực
15:55 | 10/02/2023
Các chuyên gia cho rằng, TP.Hồ Chí Minh cần hỗ trợ vốn vay để đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ về xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh, năm 2022, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp TP.Hồ Chí Minh đạt 19.035,6 tỷ đồng, tăng 3,78% so với năm trước; giá trị sản xuất bình quân ước đạt 570 triệu đồng/ha, tăng 14,5%.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh cho biết, năm 2023 ngành nông nghiệp TP.Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng GRDP và giá trị sản xuất từ 3 - 4%; giá trị sản xuất từ 640 - 660 triệu đồng/ha; diện tích rau ứng dụng công nghệ cao đạt 460 ha, hoa kiểng ứng dụng công nghệ cao đạt 200 ha. Bên cạnh đó, thành phố phát triển tổng đàn bò sữa công nghệ cao đạt 2.500 con; tổng đàn heo công nghệ cao đạt 81.000 con… Tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm từ 42 - 46% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của thành phố.
![]() |
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành nông nghiệp thành phố, do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, quỹ đất nông nghiệp đang bị thu hẹp rất nhanh. Giai đoạn 2010-2015, mỗi năm TP.Hồ Chí Minh giảm 700ha đất nông nghiệp, giai đoạn 2015-2020 mỗi năm giảm thêm 1.000ha và dự kiến từ nay đến năm 2030, mỗi năm giảm thêm khoảng 1.500ha đất nông nghiệp. Trước bối cảnh này, ngành nông nghiệp TP.Hồ Chí Minh đang chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất giống cây trồng; đồng thời giảm diện tích trồng lúa, trồng mía, làm muối hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị cao.
“Mục tiêu là tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, làm tiền đề để hướng đến một nền nông nghiệp đô thị xanh, sinh thái, tuần hoàn và chia sẻ mang đặc thù của TP.Hồ Chí Minh. Để đạt được mục tiêu đề ra, TP.Hồ Chí Minh sẽ thực hiện mạnh mẽ cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông nghiệp đô thị, tập trung phát triển nhóm 6 sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệpthành phố. Song song đó, thành phố sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái, nâng cao giá trị và lợi thế của sản phẩm nông nghiệp thành phố, góp phần bảo vệ môi trường”, ông Hiệp khẳng định.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra, các chuyên gia cho rằng, thành phố cần hỗ trợ vốn vay để đầu tư, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đồng thời, hỗ trợ về xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu. Song song với đó, thành phố cần ban hành các chính sách phù hợp tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất nông nghiệp xây dựng các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp. Đồng thời, các ngành chức năng liên quan cần tăng cường rà soát, kiểm tra chất lượng hàng hóa nông sản, cũng như chất lượng sản phẩm, vật tư nông nghiệp đầu vào trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Khẳng định tầm quan trọng của kinh tế nông nghiệp trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho rằng, mặc dù chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu nền kinh tế nhưng nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái của thành phố, đặc biệt là trong mục tiêu chung hướng đến nền kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững. Để ngành nông nghiệp TP.Hồ Chí Minh có thể phát triển bứt phá trong thời gian tới, ông Hoan yêu cầu ngành nông nghiệp thành phố cần tập trung và cụ thể hóa các chương trình lớn của thành phố. Các công trình kết quả nghiên cứu khoa học phải gắn liền với thực tiễn và được đưa vào ứng dụng mới phát huy được giá trị… Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần phối hợp với các đơn vị khác đẩy mạnh các hoạt động quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, kết nối người sản xuất với đơn vị phân phối, khách hàng tiêu dùng thực tế, giúp đẩy nhanh tiến độ tiêu thụ sản phẩm mới tạo ra động lực sản xuất. Đặc biệt, cần chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đạt chứng nhận chất lượng, sản phẩm xanh để phát huy tối đa giá trị gia tăng tạo ra các sản phẩm chủ lực cho nông sản của TP.Hồ Chí Minh.
Các sản phẩm OCOP có thể được coi là đặc sản của TP.Hồ Chí Minh. Ngành nông nghiệp cần chú trọng việc xây dựng các “thương hiệu vàng” trong ngành. Cùng với đó, các lễ hội nông nghiệp, chợ phiên nông sản an toàn... cần được tổ chức quy mô, bài bản, thường niên để thu hút khách du lịch", ông Võ Văn Hoan gợi ý định hướng cho ngành nông nghiệp TP.Hồ Chí Minh thời gian tới.
Ngọc Hậu