Cải thiện môi trường kinh doanh: Bồi đắp động lực tăng trưởng
08:55 | 07/02/2023
Việc cải thiện môi trường kinh doanh thông qua điều chỉnh, sửa đổi các văn bản pháp luật là giải pháp trọng tâm, đặc biệt các văn bản liên quan tới vấn đề đất đai, đầu tư xây dựng, kiểm tra chuyên ngành...
![]() | Loại bỏ điều kiện kinh doanh không phù hợp |
![]() | Môi trường kinh doanh tại Việt Nam: Tăng tốc để bứt phá |
![]() | Cải thiện môi trường kinh doanh: Cần quyết liệt vào cuộc |
Trong năm kinh tế biến động khó lường vừa qua, các cơ quan, ban ngành từ trung ương tới địa phương đã triển khai rất nhiều giải pháp và nhiệm vụ cấp bách để phục hồi tăng trưởng, song câu chuyện cải thiện môi trường kinh doanh dường như bị xao nhãng. Cần phải lưu ý lại rằng việc cải thiện môi trường kinh doanh thông qua cải cách thể chế chính sách, cũng là một giải pháp quan trọng để giảm thất thoát, lãng phí không đáng có của nền kinh tế trong quá trình vận hành, từ đó thúc đẩy tăng trưởng hiệu quả hơn. Đây sẽ là động lực quan trọng đối với nền kinh tế để có thêm đà tăng tốc trong năm 2023.
Chính sách hiệu quả, nền kinh tế hưởng lợi
Sau hơn 2 năm sức khoẻ bị bào mòn vì đại dịch Covid-19, nền kinh tế sau đó lại chịu thêm tác động tiêu cực của căng thẳng địa chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, lạm phát gia tăng… Vì vậy, việc tập trung thực hiện chương trình hỗ trợ phục hồi theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội rất quan trọng. Ngay sau khi Nghị quyết 43 được ban hành, Chính phủ đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 nhằm triển khai, cụ thể hoá các quyết sách tại Nghị quyết số 43 nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thể nhanh chóng hồi phục. Tổng kết việc thực hiện hai Nghị quyết quan trọng này đã cho thấy các chính sách giảm thuế, các chính sách hỗ trợ từ ngành Ngân hàng… đã có tác động tích cực tới việc gia tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp, từ đó cải thiện môi trường kinh doanh hậu khủng hoảng.
![]() |
Cải cách chính sách về quản lý thuế là nhóm vấn đề tạo hiệu quả nhanh nhất |
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, trong số các nhóm giải pháp của chương trình phục hồi kinh tế, cho tới nay chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đã được thực thi hiệu quả nhất, đi vào cuộc sống nhanh nhất và phát huy tác dụng tốt nhất. Theo ông Tuấn, chính sách giảm thuế đi vào thực tế nhanh vì không phải qua bộ máy thực hiện mà làm được ngay. Bên cạnh đó, chính sách này cũng giúp các đối tượng thụ hưởng được đảm bảo giữa công bằng, cụ thể là công bằng giữa các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành khác nhau; và giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc giảm 2% thuế VAT còn tạo ra hiệu ứng tăng thu. Bởi lẽ dù giảm thuế suất làm giảm trực tiếp nguồn thu nhưng lại kích thích sản xuất, tiêu dùng, khiến người dân và doanh nghiệp đóng thuế nhiều hơn.
Mặc dù vậy, đánh giá một cách tổng thể, trong quá trình thực hiện gói phục hồi kinh tế vẫn còn một số chính sách chậm được đưa vào thực tế, khiến cộng đồng doanh nghiệp chưa thực sự được hưởng lợi, từ đó làm chậm quá trình cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh trong năm 2022.
TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh – năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) dẫn chứng, các điểm nghẽn có thể tháo gỡ ngay liên quan đến công tác quản lý thuế. Theo bà Thảo, trong bối cảnh hiện nay nếu doanh nghiệp làm sai thì việc truy thu hay xử phạt rất nặng nề và tạo áp lực rất lớn cho doanh nghiệp. Kể cả các nhà đầu tư lớn, tuân thủ tốt thì trong nhiều trường hợp cũng có sai sót trong kê khai, làm ảnh hưởng uy tín thương hiệu của họ. Vì vậy, nên chăng cần có sự hướng dẫn tốt hơn và tạo cơ chế tuân thủ cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó là chính sách hoàn thuế. Đây là giai đoạn công tác hoàn thuế vô cùng khó khăn và vô tình đã “giam” một nguồn tài chính quan trọng của doanh nghiệp. Bà Thảo cho hay, doanh nghiệp phản ánh việc thu thuế thì làm rất nhanh và gấp rút, trong khi hoàn thuế lâu và thủ tục rườm rà. Điều này là cản trở rất lớn đối với doanh nghiệp để tạo ra dòng tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Vấn đề khác khiến doanh nghiệp bất an là tình trạng thanh tra, kiểm tra tràn lan và thường xuyên, tần suất dày và đặc biệt dồn vào các tháng cuối năm. “Dường như nhiều cơ quan đang quên Chỉ thị 20/CT-TTg năm 2017 về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp quy định chỉ được tiến hành một lần mỗi năm, tránh chồng chéo để doanh nghiệp thuận lợi hơn trong thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh”, chuyên gia của CIEM đặt vấn đề.
Cần cả giải pháp cấp bách và kế hoạch dài hơi
Các chuyên gia đều chung nhận định, bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2023 có thể sẽ rất khắc nghiệt. Những tín hiệu hiện tại cho thấy các ngành hàng đều đối diện với nhiều khó khăn do lạm phát chưa hạ nhiệt trong khi suy giảm tăng trưởng đã cận kề tại nhiều nền kinh tế, khiến thị trường bị thu hẹp, ít nhất là cho tới hết nửa đầu năm 2023. Vì vậy, doanh nghiệp vẫn cần nhiều hỗ trợ, song song với đó cần tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, để giảm chi phí hoạt động.
Theo một lãnh đạo của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, với bối cảnh năm tới cần kéo dài chính sách giảm thuế VAT 2% vì doanh nghiệp, người dân vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, nguy cơ lạm phát cao.
Bên cạnh đó, một vấn đề khác là đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo đời sống cho người lao động. Theo TS. Nguyễn Minh Thảo, trong quý IV/2022 rất nhiều doanh nghiệp sản xuất có hoạt động xuất khẩu đã phải tạm dừng dây chuyền sản xuất và cắt giảm lao động khá lớn. Ngay cả các doanh nghiệp chế tạo cũng buộc phải cắt giảm lao động có kỹ năng, chuyên môn cao. Điều đó cho thấy áp lực với lao động và xã hội trong các tháng đầu năm 2023 là rất lớn.
Vì vậy chính phủ cũng sẽ tập trung vào các giải pháp kịp thời hỗ trợ lao động khi bị cắt giảm thời gian hay tạm hoãn hợp đồng lao động. Theo báo cáo sơ bộ, có đến nửa triệu lao động bị ảnh hưởng do suy giảm về thị trường, bao gồm cả lao động bị cắt giảm, giảm giờ làm hay tạm dừng hợp đồng. “Môi trường kinh doanh không chỉ hướng tới doanh nghiệp mà còn phải tạo ra cơ hội duy trì cuộc sống hay chuyển đổi việc làm, tạo ra cơ hội việc làm mới cho người lao động trong bối cảnh khó khăn”, bà Thảo giải thích thêm.
Một nhóm giải pháp quan trọng khác mà năm 2021-2022 chưa được đẩy mạnh và thực hiện triệt để là giải pháp liên quan đến cải cách thể chế. Theo đó, trong nhiều lĩnh vực, rào cản từ thủ tục hành chính còn tương đối lớn. Năm 2023 cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn trong các lĩnh vực này. Chuyên gia của CIEM đánh giá, năm 2022 trên một số bảng xếp hạng quốc tế Việt Nam đã có được sự cải thiện về thứ hạng môi trường kinh doanh nhưng rất chậm, cho thấy các nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh có sự chững lại. Đặc biệt là các vấn đề liên quan tới quyền tài sản, thủ tục phá sản… Thực tế đã có thời kỳ nền kinh tế chứng kiến những cải cách mạnh mẽ và mang lại hiệu quả rõ ràng, điển hình là giai đoạn 2016-2019. Nhưng từ năm 2020 đến nay xu hướng không những chậm lại mà thậm chí nhiều rào cản có xu hướng khôi phục và có thể làm triệt tiêu các kết quả cải cách đã thực hiện được trong giai đoạn trước đây. Theo rà soát sơ bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện hiện vẫn rộng hơn rất nhiều so với danh mục hiện hành trong Luật Đầu tư, do điều kiện kinh doanh nằm lẩn khuất trong rất nhiều văn bản dưới Luật.
Việc cải thiện môi trường kinh doanh thông qua điều chỉnh, sửa đổi các văn bản pháp luật là giải pháp trọng tâm, đặc biệt các văn bản liên quan tới vấn đề đất đai, đầu tư xây dựng, kiểm tra chuyên ngành. Trên thực tế, các vướng mắc này đã tồn tại trong cả một quá trình dài, tuy nhiên thời gian trước đây các cán bộ thực thi chính sách đã có sự linh hoạt trong thực hiện thủ tục, còn hiện nay tâm lý lo ngại làm sai là rất phổ biến. Do đó để giải quyết căn cơ thì cần tháo gỡ các vướng mắc ngay từ các văn bản pháp luật.
Ngọc Khanh