Phát triển bền vững cho tất cả mọi người

Xanh hóa đang trở thành xu hướng của toàn cầu và Việt Nam đang rất tích cực chuyển dịch theo xu hướng này.

Việt Nam là quốc gia nhận vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tính trên tỷ trọng GDP trong khu vực Đông Nam Á; và giá trị các khoản đầu tư vào năng lượng tái tạo cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, tiến trình chuyển đổi năng lượng đặt ra rất nhiều thách thức đối với một nước đang phát triển như Việt Nam.

Dữ liệu của công ty tư vấn trong ngành năng lượng Wood Mackenzie cho thấy, trong giai đoạn 2018-2020 Việt Nam có tốc độ đầu tư điện mặt trời xếp vào diện nhanh nhất thế giới. Công suất lắp điện mặt trời từ mức 105 MW (năm 2018) tăng vọt lên 16.600 MW (2020) vượt xa mục tiêu của Chính phủ đặt ra.

Sự tăng trưởng này phần lớn do các nhà đầu tư đã tăng tốc độ triển khai dự án để tận dụng các ưu đãi của Chính phủ theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. "Nhà nhà đi làm điện mặt trời", nhiều doanh nghiệp đã thuê đất để lắp đặt tấm pin tạo thành những trang trại điện năng lượng mặt trời khắp cả nước, đặc biệt là các tỉnh phía Nam như Ninh Thuận, Bình Thuận.

phat trien ben vung cho tat ca moi nguoi

Trong khi đó Dữ liệu của công cụ theo dõi Cơ sở Hạ tầng Mekong cho thấy khoảng 60% dự án năng lượng tái tạo được phát triển hoàn toàn từ các công ty trong nước, 27% còn lại được phát triển bởi một công ty nội hợp tác với đối tác quốc tế, 12% (khoảng 10 dự án) được phát triển mà không có đối tác Việt Nam.

Thị trường vốn cho các dự án điện năng lượng mặt trời giai đoạn 2018-2020 cũng được nhiều ngân hàng đầu tư vốn trung dài hạn với lãi suất hấp dẫn, khoảng 8-10%/năm, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp phát hành cũng ở mức trên 10%/năm.

Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ Ngân hàng doanh nghiệp, HSBC Việt Nam Stephanie Betant cho rằng, các khoản vay cho năng lượng tái tạo khởi đầu cho mối quan hệ doanh nghiệp xanh với ngân hàng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào tiếp cận được thị trường vốn nước ngoài.

Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra nước ngoài chủ yếu để phát triển bất động sản. Trong khi, Quy hoạch Điện 8 chưa phân định sản lượng điện mặt trời và điện gió chính xác là bao nhiêu. Nhưng rõ ràng sản lượng này sẽ tăng lên, nên các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi cơ hội để tăng tài trợ cho năng lượng tái tạo.

Theo một nghiên cứu HSBC công bố mới đây, Việt Nam là điểm đến đầu tư tốt nhất trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở ASEAN do nguồn tài nguyên sẵn có; đặc biệt là các tỉnh phía Nam một năm có hơn 300 ngày nắng và các khu vực duyên hải thường xuyên có sức gió phù hợp phát triển năng lượng tái tạo nên rất hấp dẫn các nhà đầu tư.

Chuyên gia của HSBC cho rằng, nguồn vốn doanh nghiệp đầu tư cho điện năng lượng tái tạo hiện nay lệ thuộc nhiều vào ngân hàng mà vốn huy động của ngân hàng phần lớn là ngắn hạn nên không thể cung cấp nhiều vốn cho các dự án trung dài hạn. Từ đó đặt ra vấn đề vai trò của nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài rất quan trọng đối với các dự án năng lượng tái tạo.

Xanh hóa đang trở thành xu hướng của toàn cầu và Việt Nam đang rất tích cực chuyển dịch theo xu hướng này. Đặc biệt, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26), Việt Nam tuyên bố cắt giảm phát thải về 0 vào năm 2025.

Tiến trình chuyển đổi năng lượng đặt ra rất nhiều thách thức đối với một nước đang phát triển như Việt Nam. Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục trao đổi và hợp tác với các nước và các đối tác quốc tế khác, trên cơ sở công bằng, công lý, bình đẳng, cùng có lợi, để vừa đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, vừa giảm phát thải nhà kính, đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN-EU diễn ra tuần qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, thời gian qua Việt Nam đã có nhiều bước tiến tích cực nhằm hiện thực hóa cam kết này. Ngày 14/12, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU, Việt Nam cùng các nước G7 và các đối tác quốc tế khác thông qua tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác Chuyển dịch năng lượng bình đẳng (JETP). Trước mắt, JETP sẽ huy động 15,5 tỷ USD nguồn tài chính từ khối tư nhân và chính phủ trong 3 đến 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh của Việt Nam.

JETP sẽ hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu mới, gồm: Đẩy nhanh thời gian đạt đỉnh phát thải khí nhà kính dự kiến từ năm 2035 lên 2030; giảm tới 30% phát thải hàng năm của ngành điện từ 240 triệu tấn xuống 170 triệu tấn và đẩy nhanh đỉnh phát thải sớm thêm 5 năm vào năm 2030; giới hạn công suất điện than của Việt Nam ở mức 30,2 GW từ mức kế hoạch dự kiến là 37 GW; đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo để nguồn năng lượng này chiếm ít nhất 47% tổng sản lượng điện vào năm 2030, tăng từ mức kế hoạch 36% hiện tại. Khoảng 500 triệu tấn khí thải sẽ được cắt giảm vào năm 2035 nếu các mục tiêu này được hoàn thành.

Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN-EU bên lề Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN-EU với chủ đề: "Tăng cường thương mại ASEAN-EU: Phát triển bền vững cho tất cả mọi người", Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra nhiều thông điệp quan trọng.

Thủ tướng kêu gọi tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa các nước. Các nền kinh tế sau khi bị bào mòn bởi dịch bệnh COVID-19 lại tiếp tục đối mặt nhiều vấn đề như lạm phát, đứt gãy chuỗi cung ứng, an ninh năng lượng, lương thực… và biến đổi khí hậu.

Thủ tướng cho rằng, biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương; đồng thời biến đổi khí hậu tác động tới mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân, doanh nghiệp và người dân, doanh nghiệp phải tích cực tham gia các chính sách này. Doanh nghiệp phải có nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh, quản lý xanh, nhân lực xanh. Nhà nước phải thiết lập thể chế phù hợp, hướng tới phát triển kinh tế xanh, bền vững. Các nước phát triển phải giúp đỡ các nước đang phát triển về tài chính, nhân lực, công nghệ, quản trị và thể chế, bảo đảm công bằng, công lý với các nước nghèo, các nước đang phát triển nhưng phải gánh vác trách nhiệm như các nước phát triển trong ứng phó biến đổi khí hậu...

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/phat-trien-ben-vung-cho-tat-ca-moi-nguoi-134661.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.