Ngày 13/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 18 xem xét Tờ trình về việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Mục đích của việc lấy ý kiến này là phát huy quyền làm chủ, trí tuệ, tâm huyết của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi); tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Luật Đất đai; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Luật Đất đai và tổ chức thi hành Luật. Về thời gian lấy ý kiến nhân dân, Chính phủ dự kiến bắt đầu từ ngày 3/1 đến ngày hết ngày 28/2/2023.
![]() |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, hình thức lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Chính phủ trình - Ảnh: VGP/ĐH |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là cần thiết, bảo đảm phù hợp với yêu cầu tại Kế hoạch số 329; bảo đảm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân trong việc góp ý vào nội dung dự thảo Luật; tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi). “Luật Đất đai là một đạo luật khó, phức tạp, tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội. Do đó, việc lấy ý kiến nhân dân sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023)”, ông Thanh phát biểu, đồng thời đề nghị việc lấy ý kiến nhân dân phải tiết kiệm, hiệu quả, tránh triển khai mang tính hình thức.
Về nội dung lấy ý kiến, đại diện Ủy ban Kinh tế tán thành việc lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ dự thảo Luật và các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm. Đồng thời, đề nghị cân nhắc cung cấp các báo cáo có liên quan như: Báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013, Báo cáo đánh giá tác động chính sách của dự án Luật Đất đai (sửa đổi)… để nhân dân có thêm cơ sở nghiên cứu, cho ý kiến về dự thảo Luật.
Nêu một số nội dung cần cân nhắc với dự thảo nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị cần phân định rõ đối tượng lấy ý kiến gắn với nội dung cần lấy ý kiến, từ đó xác định đối tượng cụ thể để xin ý kiến về nội dung, đối tượng công tác, nghiên cứu. Cách thức lấy ý kiến phải thực chất, hiệu quả; phải nêu được hiện nay có những vấn đề vướng mắc nào, hướng giải quyết, tác động đến người dân ra sao…
Chủ tịch Quốc hội cũng tỏ ý băn khoăn khi dự thảo quy định chủ thể lấy ý kiến là Chính phủ, vậy vai trò của Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội như thế nào… “Chẳng lẽ, Quốc hội và các đoàn đại biểu cứ thụ động ngồi chờ kết quả Chính phủ đưa về, trong khi Chính phủ hay Thủ tướng cũng phải chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp báo cáo… Trình tự thủ tục có vẻ chặt chẽ nhưng thời gian lại ngắn, lại rơi vào dịp Tết Nguyên đán thì cần phải xem xét lại để tránh hình thức, làm cho có”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
Chủ nhiệm Văn Phòng Quốc hội kiêm Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhất trí cao chủ trương lấy ý kiến nhân dân Luật vì tính chất quan trọng. Ông đề nghị kết quả lấy ý kiến gửi về Quốc hội, Chính phủ để xem xét nắm tình hình và thẩm tra luật. Về đối tượng lấy ý kiến, ông Cường cho rằng, bên cạnh ý kiến người dân, ý kiến của doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp cũng rất quan trọng. “Các Hiệp hội doanh nghiệp, nhất là Hiệp hội doanh nghiệp BĐS đã gửi góp ý về cho Quốc hội, trong đó có nhiều ý kiến rất xác đáng vì vậy ông lưu ý cần quan tâm lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật tốt nhất”, ông Cường đề xuất.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Nguyễn Đắc Vinh cho biết, hình thức lấy ý kiến rất quan trọng, trước việc lấy ý kiến cần tổ chức thông tin tuyên truyền thật rõ vì đây là bộ luật rất lớn để nhân dân hiểu tường tận về nội dung dự thảo Luật. Cần mời các chuyên gia am hiểu luật để trình bày cho nhân dân qua các phương tiện thông tin, để nhân dân hiểu sâu hơn về các nội dung lấy ý kiến. Ông Vinh đề xuất trách nhiệm tiếp nhận góp ý qua các kênh: Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp; Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp; và kênh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Tư pháp của Quốc hội và nhiều đại biểu khác thì đề nghị lấy ý kiến theo đối tượng, mỗi đối tượng có vấn đề trọng tâm và có gợi ý. Ví dụ Tòa án, Viện kiếm sát, Thanh tra Chính phủ tập trung vào vấn đề như giải quyết tranh chấp khiếu nại tố cáo… đề nghị tập trung những vấn đề trọng tâm theo từng loại để góp ý sâu sắc hơn.
Kết thúc phiên họp, Ủy ban Thường vụ đã thông qua Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 30/01/2023 đến ngày hết ngày 15/3/2023.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/xin-y-kien-nhan-dan-ve-du-an-luat-dat-dai-sua-doi-can-co-trong-tam-trong-diem-134511.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.