Để công nghệ trở thành lá chắn
![]() |
Bà Nguyễn Thị Anh Thơ - Phó tổng giám đốc Dịch vụ Tư vấn rủi ro, Deloitte Việt Nam |
Những tác động của CMCN 4.0 và đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng đáng kể tốc độ công nghiệp hóa, số hóa của doanh nghiệp trên thị trường. Trong lĩnh vực tài chính, các ngân hàng cũng không nằm ngoài xu thế, nhanh chóng phát triển và đem tới thị trường những sản phẩm, dịch vụ với công nghệ tiên tiến, đảm bảo trải nghiệm thân thiện cho người dùng cùng tính bảo mật cao. Nhưng song song với tốc độ cải thiện của dịch vụ tài chính là nhiều nguy cơ tiềm ẩn về hành vi phạm tội công nghệ cao. Tại Việt Nam nói riêng, tội phạm sử dụng công nghệ cao tấn công vào lĩnh vực ngân hàng đang có xu hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Trước những thách thức đó, các chuyên gia của Deloitte Việt Nam cho biết, không thể bỏ qua việc ứng dụng tiềm năng của công nghệ trong phòng chống tội phạm tài chính. Chính những tính năng tạo nên ưu điểm của sản phẩm, dịch vụ sẽ trở thành lá chắn phòng thủ cho ngân hàng và hệ thống. Trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML), xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), công nghệ bảo vệ quyền riêng tư (PET), tự động hóa quy trình bằng robot (RPA) hay điện toán đám mây đều là những công cụ hữu hiệu giúp định danh khách hàng (KYC), đánh giá rủi to tài chính, từ đó giảm thiểu nguy cơ rửa tiền, tài trợ khủng bố hay các vấn đề đòi hỏi nhiều “lý luận phức tạp” hơn.
Thực tế, các công nghệ này đã được áp dụng tại các quốc gia có nền tài chính phát triển và đem lại nhiều hiệu ứng tích cực. Tại Singapore, United Oversea Bank đã áp dụng phương pháp tiếp cận Triple-A - trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa (Automation) và phân tích dữ liệu (Analytics) - để có thể phát hiện các hành vi phạm tội nhanh hơn, chuẩn xác hơn, thông minh hơn. Sau hơn một năm áp dụng, kết quả ghi nhận giảm 50% số cảnh báo sai cho giám sát giao dịch, giảm 70% số cảnh báo sai cho sàng lọc khách hàng, đồng thời thu hẹp phạm vi điều tra và phân tích những giao dịch, mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền và tài trợ khủng bố (AML/CFT) trong vài ngày. Khía cạnh nhân sự cũng ghi nhận điểm tích cực khi ngân hàng đã tiết kiệm được 30% số giờ làm việc cho đội ngũ quản trị rủi ro.
Bà Nguyễn Thị Anh Thơ, Phó tổng giám đốc Dịch vụ Tư vấn rủi ro, Deloitte Việt Nam cho biết, nhiều ngân hàng đang tập trung xây dựng một Khung tuân thủ phòng chống tội phạm tài chính xuyên suốt vòng đời của khách hàng. Khung tuân thủ này sẽ ứng dụng AI/ML, RPA và NLP vào các quy trình quan trọng để tăng tính hiệu quả trong việc quản lý rủi ro tội phạm tài chính, đảm bảo các biện pháp quản lý rủi ro phù hợp được áp dụng rộng rãi trên toàn bộ sản phẩm/dịch vụ của mình.
![]() |
Nếu được tận dụng đúng cách, chính công nghệ sẽ trở thành lá chắn phòng vệ cho ngân hàng trước những mối đe dọa của tội phạm tài chính |
Đòi hỏi phải phòng ngừa chủ động
Khi khách hàng bắt đầu đăng ký, kích hoạt và sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ lần đầu tiên, ngân hàng sẽ thực hiện KYC, thu thập, xác định, đánh giá rủi ro và kiểm tra khối lượng lớn dữ liệu qua mạng mà không cần sử dụng các biểu mẫu thủ công. Khi có giao dịch phát sinh, các mô hình học máy sẽ dự đoán hành vi dựa trên các giao dịch lịch sử và xây dựng biểu đồ mối quan hệ và phân tích mạng lưới để phát hiện các mối liên kết giữa các thực thể hoặc cá nhân đáng ngờ.
Sự phát triển của các nền tảng kỹ thuật số và ngân hàng số cho phép các đối tượng tội phạm khai thác đặc tính ẩn danh và tốc độ thực hiện thanh toán nhanh, từ đó đưa các khoản tiền bất hợp pháp qua biên giới và không thể thu hồi được. Mặc dù vậy, ông Nguyễn Hoàng Thao, Giám đốc Dịch vụ Tư vấn rủi ro, Deloitte Việt Nam đánh giá việc phòng ngừa chủ động ngày càng trở nên khả thi bằng cách sử dụng các kỹ thuật phân tích phát hiện tiên tiến.
Trong nhiều trường hợp, phân tích kịch bản và mô hình hóa mối đe dọa có thể cho phép các tổ chức đánh giá điểm yếu trong các quy trình và hệ thống AML/CFT của họ, từ đó giải quyết trước các vấn đề rủi ro cao. Kết hợp với điều này, công nghệ cũng có thể được sử dụng trong phân tích hành vi để giúp dự đoán hoạt động tội phạm trong tương lai, cho phép các tổ chức tài chính đi trước các nhóm tội phạm một bước.
“Khi đã trưởng thành hơn trong việc áp dụng công nghệ, ngân hàng nên bắt đầu đánh giá và quản lý rủi ro AML/CFT trong toàn bộ vòng đời của khách hàng”, bà Đồng Thị Thu Hương, Giám đốc Dịch vụ Tư vấn rủi ro, Deloitte Việt Nam đề xuất. Xem xét tổng thể từ khởi tạo hồ sơ, đến thu thập và xác minh dữ liệu, quản lý dữ liệu khách hàng, giám sát giao dịch, điều tra và báo cáo, ngân hàng có thể đánh giá nhằm cải thiện ứng dụng công nghệ ở mọi bước của quy trình. Bằng cách này, ngân hàng không chỉ vá lại các lỗ hổng tiềm ẩn đối với hoạt động tội phạm mà còn có thể đảm bảo trải nghiệm khách hàng một cách liền mạch.
Tội phạm tài chính đã không còn là vấn đề của riêng một doanh nghiệp, một quốc gia mà đã trở thành vấn đề chung của toàn cầu. Với công nghệ tiên tiến và tổ chức được xây dựng tinh vi, các nhóm tội phạm đã, đang và sẽ thực hiện các hình thức tội phạm có quy mô và hậu quả nặng nề hơn trong tương lai, ví dụ như rửa tiền và tài trợ khủng bố. Do đó, các ngân hàng, doanh nghiệp, tổ chức trong ngành tài chính cần nâng cao nhận thức và xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược, song hành với các ủy ban, cơ quan quản lý để nâng cao khả năng phát hiện và ngăn ngừa các hành vi này.
Theo bà Nguyễn Thị Anh Thơ, chia sẻ thông tin sẽ giúp toàn ngành nâng cao chuyên môn, tính nhạy bén và tăng cường hiệu quả trong cuộc chiến chống tội phạm tài chính. Vì vậy, các tổ chức cần phối hợp xây dựng một chiến lược toàn diện về chia sẻ dữ liệu và công nghệ trong khi vẫn đảm bảo được các yêu cầu về quản lý rủi ro và quy định liên quan tới quyền riêng tư về dữ liệu.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ap-dung-cong-nghe-vao-phong-chong-toi-pham-tai-chinh-134202.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.