Thị trường M&A chờ cơ hội từ thoái vốn nhà nước

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại DNNN, DN có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, nhà nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 19 DN, thoái vốn 141 DN trong giai đoạn 2022-2025. Kế hoạch này hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thương vụ quy mô lớn cho thị trường mua bán - sáp nhập (M&A) vốn đang trầm lắng.
thi truong ma cho co hoi tu thoai von nha nuoc Đón đầu xu hướng mới trên thị trường M&A
thi truong ma cho co hoi tu thoai von nha nuoc Thị trường M&A chỉ chững lại tạm thời
thi truong ma cho co hoi tu thoai von nha nuoc Doanh nghiệp Việt "dẫn dắt" thị trường M&A

Lợi ích cho cả đôi bên

Kế hoạch cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước tại DN từng được kỳ vọng sẽ cung cấp một danh mục đầu tư lớn và đa dạng cho thị trường M&A trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên trên thực tế, tiến trình này lại diễn ra khá chậm chạp. Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2016-2020 có 348 DN có kế hoạch thoái vốn nhà nước, nhưng chỉ có 106 DN thực hiện thoái vốn, với tổng giá trị là 6.493 tỷ đồng; đạt 30% về số lượng và 11% về giá trị so với kế hoạch được phê duyệt. Đặc biệt trong 2 năm gần đây, số lượng DNNN tiến hành cổ phần hoá thành công thấp kỷ lục, chỉ với 5 DN. Lũy kế 10 tháng năm 2022, ghi nhận các tập đoàn, tổng công ty, DNNN thoái vốn tại DN với giá trị là 526,5 tỷ đồng, thu về 3.361,7 tỷ đồng.

Những thương vụ thoái vốn nhà nước thành công đã mang lại nhiều giá trị cho cả bên bán và bên mua. Điển hình là tháng 3 năm nay, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) thoái hết phần vốn nhà nước tại CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC). Đây là thương vụ nhà nước thực hiện thoái hết vốn với giá rất cao. Ước tính Vinachem đã thu về khoảng 1.100 tỷ đồng từ thương vụ này. Các chuyên gia về M&A đánh giá, đây là thương vụ điển hình của một DN sau cổ phần hóa làm ăn hiệu quả dưới cơ chế tư nhân, mang lại lợi ích cho xã hội.

thi truong ma cho co hoi tu thoai von nha nuoc
Nhà đầu tư đang chờ đợi nhà nước tăng tốc thoái vốn tại DN

Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn (Sabeco) là một ví dụ khác về DN sau khi chuyển đổi từ công ty có vốn nhà nước chi phối thành công ty có vốn nước ngoài, đạt hiệu quả kinh doanh trong thời gian ngắn. Theo chia sẻ của ông Bennett Neo, Tổng giám đốc Sabeco, mặc dù có nhiều sự khác biệt trong mô hình hoạt động, song đến nay Sabeco đã bước đầu chuyển đổi thành công. Nếu như giai đoạn một là “đánh nhanh thắng nhanh”, thì hiện nay DN này đang ở giai đoạn hai là tập trung vào các vấn đề về nền tảng, quản trị DN tốt.

"Chúng tôi đánh giá công ty vẫn có tiềm năng tốt mà chưa mở khoá được, vì thế cần xem tài sản nào của công ty tốt, có thể mở khoá. Mất khoảng 3-4 năm cho giai đoạn này", ông Bennett Neo thông tin thêm. Sau giai đoạn mở khoá tiềm năng, Sabeco đặt mục tiêu tiếp tục chuyển đổi và trở thành công ty quốc tế được vận hành đúng chuẩn mực quốc tế.

Những câu chuyện thực tế này cho thấy công tác cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước đã mang lại nhiều lợi ích cho cả bên bán là nhà nước và bên mua là đơn vị quản lý, vận hành DN sau khi thực hiện thành công thương vụ. Từ phía nhà nước, sau khi cổ phần hoá, thoái vốn, DN tiếp tục hoạt động có lãi và đóng thuế đầy đủ, quy mô vốn tăng lên, thị phần được giữ vững và phát triển, không chỉ giữ được vị trí tại thị trường trong nước mà còn mở rộng ra nước ngoài. Từ phía người mua, thành công lớn nhất thể hiện ở hiệu quả kinh tế. Từ thực tế đó, các chuyên gia M&A khẳng định NĐT vẫn rất mong đợi kế hoạch thoái vốn, cổ phần hoá DNNN được thúc đẩy trong giai đoạn tới, sẽ giúp thị trường M&A tăng tốc mạnh hơn.

Tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý

Theo các chuyên gia về M&A, tiến trình cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước trong giai đoạn vừa qua diễn ra khá chậm chạp do vướng mắc về cơ chế, chính sách. Cụ thể, phần lớn DN thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn thường có quy mô lớn, với nhiều ngành nghề kinh doanh và nhiều tài sản vì vậy các bên liên quan gặp khó khăn trong việc xử lý tài sản và xác định giá trị của DN, nhất là giá trị về bất động sản.

Bà Nguyễn Việt Hà, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Bower Group Asia Việt Nam cho rằng, các quy định pháp lý trong quá trình thực hiện các thương vụ M&A liên quan tới DN có vốn nhà nước hiện chưa đầy đủ; hoặc chưa minh bạch. Các vấn đề mà NĐT thường gặp vướng mắc nhất là xác định giá trị DN, xây dựng phương án giá, quy trình chuyển nhượng cổ phần… Các yêu cầu đối với NĐT chưa rõ ràng và thiếu tính khả thi, khiến các DN lúng túng trong quá trình thực hiện.

Cũng theo bà Hà, yêu cầu đối với NĐT như phải có năng lực tài chính, công nghệ, hay giám đốc phải có trình độ chuyên môn phù hợp… đang tạo ra rào cản pháp lý đối với NĐT, đặc biệt là các DN nước ngoài đầu tư thông qua một pháp nhân được thành lập mới chỉ để thực hiện giao dịch mua bán, chuyển nhượng…

Tuy nhiên ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính khẳng định, thời gian qua hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hoá, thoái vốn đã được ban hành đầy đủ, liên tục được rà soát sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo hướng đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch. Đặc biệt các vấn đề liên quan tới đất đai và xác định giá trị DN cũng liên tục được bổ sung, sửa đổi. Song ông Tiến cũng cho biết hiện nay vẫn còn vướng mắc trong một số vấn đề, đơn cử như việc xác định giá trị tài sản không có trên thị trường để xác định giá trị DN.

Ông Tiến dẫn chứng, trong ngành điện khi cổ phần hoá, thoái vốn, phải xác định giá trị tài sản là tổ máy phát điện. Nhưng tài sản này lại không có giao dịch trên thị trường nên rất khó để định giá sát với giá thị trường. Nếu xác định giá thấp sẽ gây thất thoát tài sản nhà nước; xác định giá cao thì NĐT không mặn mà. Vì vậy, phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan tới thẩm định giá, tăng quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm cho tổ chức thẩm định giá để họ không phải lo sợ, không chịu áp lực trong quá trình xác định giá trị DN.

Cũng theo các chuyên gia về M&A, nút thắt khác là hiện nay còn nhiều ngành nghề kinh doanh chưa được mở cửa hoặc mở cửa hạn chế đối với NĐT nước ngoài. Theo Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, có khoảng 84 ngành, nghề hạn chế tiếp cận thị trường đối với NĐT nước ngoài, trong đó có 25 ngành, nghề chưa được tiếp cận thị trường; và 59 ngành, nghề kinh doanh tiếp cận thị trường có điều kiện. NĐT cho rằng đây là vấn đề cần được xem xét và cân nhắc nới lỏng để mở rộng danh mục đầu tư.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/thi-truong-ma-cho-co-hoi-tu-thoai-von-nha-nuoc-134127.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.