Thị trường mua bán nợ: Cần hành lang pháp lý để vận hành

Cần Luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở tiếp thu, chỉnh sửa những vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị quyết 42.

Thị trường còn sơ khai

Phát biểu tại tọa đàm “Phát triển thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam” do NHNN Việt Nam tổ chức hôm 29/11, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh nhận định, thị trường mua bán nợ nói chung, thị trường mua bán nợ xấu nói riêng đã, đang và sẽ đóng góp vô cùng quan trọng trong sự phát triển của thị trường tài chính và sự ổn định, an toàn tài chính của hệ thống TCTD và doanh nghiệp. Nhận thức rõ tầm quan trọng của thị trường mua bán nợ, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều quan tâm đến xây dựng khung pháp lý cho hoạt động mua bán nợ nhằm tạo cơ sở phát triển thị trường này tại Việt Nam. Một trong những cột mốc đó là sự ra đời và chính thức đi vào hoạt động của Sàn giao dịch nợ VAMC. Nhờ đó, hoạt động của thị trường mua bán nợ tại Việt Nam bước đầu đã có chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy quá trình xử lý, thu hồi nợ của ngành Ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới giai đoạn tới được dự báo diễn biến khó lường, tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và những bất ổn về chính trị và xung đột vũ trang ở một số khu vực trên thế giới đã ảnh hưởng đến tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp, làm suy giảm khả năng trả nợ của khách hàng vay, dẫn tới nợ xấu của các TCTD có nguy cơ tiếp tục tăng trong thời gian tới, Phó Thống đốc nhấn mạnh, việc thúc đẩy sự phát triển thị trường mua bán nợ tại Việt Nam sẽ hỗ trợ rất lớn cho hoạt động xử lý nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng.

thi truong mua ban no can hanh lang phap ly de van hanh
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại tọa đàm

Thực tế, tiềm năng cho mua bán nợ tại Việt Nam rất lớn. TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV phân tích, thị trường mua bán nợ tại Việt Nam có nguồn cung dồi dào, minh chứng là dư nợ đến hết tháng 9/2022 là 11,6 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 134% GDP. Nợ xấu nội bảng hiện khoảng 1,7% và nợ xấu gộp khoảng 5,41% và có thể tăng lên trong năm 2023. Về phía cầu, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp; người dân cũng quan tâm nhiều hơn đến các kênh đầu tư tài chính; thị trường chứng khoán Việt Nam bao gồm cả phái sinh phát triển khá nhanh…

Dù có rất nhiều tiềm năng, nhưng theo nhận định của giới chuyên gia, vẫn còn nhiều rào cản khiến việc gia nhập thị trường mua bán nợ tại Việt Nam trở nên khó khăn, nhất là đối với khu vực tư nhân.

Theo ông Nguyễn Tiến Đông - Chủ tịch Hội đồng Thành viên VAMC, dù Quốc hội, Chính phủ, NHNN đã ban hành nhiều chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động xử lý nợ xấu cũng như thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ nhưng quy mô của thị trường này tại Việt Nam so với một số nước trong khu vực như Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia… vẫn còn rất khiêm tốn. Quá trình hoạt động đã bộc lộ không ít tồn tại, thách thức về khuôn khổ pháp lý cũng như công tác quản lý, giám sát và vận hành thị trường mua bán nợ; các đối tượng tham gia thị trường mua bán nợ còn ít; hàng hóa giao dịch trên thị trường mua bán nợ chưa đa dạng và mới chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong số các khoản nợ xấu cần xử lý.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, hiện chưa có hành lang pháp lý cho hoạt động mua bán nợ của nhà đầu tư tư nhân, nhất là khu vực nước ngoài không phải là VAMC, DATC hay các TCTD. Bên cạnh đó, thị trường mua bán nợ của Việt Nam mới chỉ có hai hình thức mua bán nợ được phép thực hiện, trong khi chứng khoán hoá – hình thức mua bán nợ phổ biến trên thế giới lại chưa được phép thực hiện. Mặt khác, các công ty tham gia mua bán nợ chuyên nghiệp còn ít về số lượng, hạn chế về năng lực tài chính, các tổ chức hỗ trợ như môi giới, tư vấn, định giá, định hạng tín nhiệm chưa phát triển…

Mở rộng phương thức, đối tượng tham gia thị trường

Tại tọa đàm, các chuyên gia quốc tế cũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm xử lý nợ xấu tại các quốc gia trên thế giới như: chứng khoán hóa khoản nợ của Hàn Quốc, kinh nghiệm về vận hành nền tảng giao dịch nợ điện tử...

Đặc biệt để việc bán nợ xấu đạt hiệu quả, ông Kharlis Bauze - Chuyên gia WorldBank khuyến nghị, khung pháp lý cần khẳng định quyền chủ nợ; thông tin được công bố đầy đủ; thực hiện tốt việc định giá, hạch toán, kế toán; khung pháp lý về chuyển giao tài sản hiệu quả; chế độ thuế thuận lợi đối với việc chuyển nhượng tài sản...

thi truong mua ban no can hanh lang phap ly de van hanh
Quang cảnh tọa đàm

Từ kinh nghiệm phát triển thị trường mua bán nợ trên thế giới, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, trước hết cần hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ, trước mắt là Nghị định về thị trường mua bán nợ. Về lâu dài có thể luật hoá các quy định liên quan đến mua bán nợ, trong đó bổ sung các chủ thể tham gia thị trường như nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước; Mở rộng phương thức mua bán nợ, cho phép chứng khoán hoá khoản nợ. Đặc biệt cần Luật hóa Nghị quyết 42 trên cơ sở tiếp thu, chỉnh sửa những vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị quyết 42. Ông cũng lưu ý, cần nhất quán, đồng bộ quy định về việc tham gia của nhà đầu tư tư nhân, thúc đẩy sự phát triển của các chủ thể tham gia thị trường.

“Nhu cầu mua bán nợ của chúng ta đã có gần 20 năm nay nhưng giờ chưa có hành lang pháp lý hoàn chỉnh. Qua 20 năm thị trường mua bán nợ vẫn chỉ như “chợ làng”, “chợ cóc” mà không thể trở thành “siêu thị” mặc dù nhu cầu rất lớn. Người mua chưa quan tâm đến nó bởi điều kiện tham gia thị trường chưa an toàn. Do vậy, cần đặc biệt quan tâm cơ chế ưu đãi để vận hành thị trường, như tính toán khoản thuế, phí nào có thể miễn, giảm kể cả với nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào mua bán”, ông Lực nhấn mạnh.

Muốn hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy thị trường mua bán nợ, ông Phạm Thanh Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN cho rằng, đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều bộ, ngành và liên quan đến nhiều bộ luật. Nếu chỉ riêng Nghị quyết 42 chưa đủ để phát triển thị trường này vì các quy định tại Nghị quyết cũng liên quan đến nhiều luật. Do đó, cần có sự rà soát tổng thể để đưa ra điều chỉnh hợp lý.

Về phía cơ quan quản lý, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định, NHNN và ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục dành sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị hoạt động hiệu quả, thực hiện được đầy đủ chức năng nhiệm vụ, sứ mệnh được giao, từng bước tiến tới xây dựng thị trường mua bán nợ tập trung trong tương lai.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/thi-truong-mua-ban-no-can-hanh-lang-phap-ly-de-van-hanh-134034.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.