Việt Nam - Philippines: Năm 2026, quan hệ đầu tư phải đạt ít nhất 1,5 tỷ USD
15:58 | 24/11/2022
Tiếp tục chương tình thăm chính thức Cộng hòa Philippines, sáng nay (24/11), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Thượng viện Philipines Juan Miguel Zubiri dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế - Thương mại Việt Nam - Philippines.
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn doanh nghiệp hai nước đối thoại, nêu mọi vấn đề quan tâm đến môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, để các bộ, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… và thành viên trong Đoàn công tác giải đáp ngay.
![]() |
Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam, Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Philippines, Bộ Công Thương Philippines tổ chức, dưới sự hỗ trợ của Văn phòng Quốc hội Việt Nam.
Thông báo khái quát tình hình phát triển kinh tế, xã hội ở Việt Nam và điểm lại kết quả quan hệ hai nước thời gian qua, tiềm năng hợp tác thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Việt Nam - Philippines là hai nước chia sẻ nhiều giá trị lợi ích chiến lược tương đồng và là hai nền kinh tế đang phát triển năng động, với thương mại hai chiều đạt 7 tỷ USD.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, số lượng các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Philippines hiện nay rất ít, ngược lại các doanh nghiệp Philippines mới đầu tư vào Việt Nam trên 600 triệu USD, điều này chưa tướng xứng với năng lực, tiềm năng.
Vì vậy diễn đàn này là cơ hội để hai bên thiết lập cơ chế hợp tác, mục tiêu trước mắt là đến 2026 kim ngạch thương mại đạt 10 tỷ USD theo hướng cân bằng. Việt Nam sẽ tiếp tục làm tốt thương mại về nông sản, đảm bảo cung cấp với số lượng lớn ổn định với giá cả hợp lý về gạo, sẵn sàng nhập khẩu các sản phẩm Philippines có thế mạnh.
“Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tìm kiếm cơ hội đầu tư, và luôn coi thành công của nhà đầu tư nước ngoài là thành công của chính mình”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Chủ tịch Thượng viện Philipines Juan Miguel Zubiri đánh giá cao Việt Nam đã vươn lên để trở thành một nền kinh tế hàng đầu trong ASEAN. Philippines luôn ngưỡng mộ và có những chương trình phát triển theo hình mẫu của Việt Nam, mong muốn lắng nghe thêm những kinh nghiệm của Việt Nam để hỗ trợ tăng trưởng. Ông cho biết, Thượng viện Philippines đã thông qua rất nhiều đạo luật về kinh tế, thương mại nhằm mở cửa và tự do hoá thương mại, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 31% xuống còn 25% nhằm thu hút đầu tư trong đó có các nhà doanh nghiệp đến từ Việt Nam.
Chia sẻ với các nhà đầu tư, quản lý kinh doanh nhiều tập đoàn, công ty lớn của bạn, Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển tăng trưởng, với mục tiêu phát triển nhanh nhưng phải bảo đảm bền vững trên cả ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường.
Năm 2021, mặc dù bị tác động rất nặng nề của đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng dương thuộc loại cao nhất thế giới là 2,58%. Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay, kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi bứt phá rất ngoạn mục quý sau tăng hơn quý trước. Bằng nhiều quyết sách, kế hoạch phù hợp của Quốc hội, Chính phủ đã mang lại nhiều kết quả. Về tài khóa và tiền tệ, khoảng 8,3% tổng GDP của Việt Nam đã hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sau đại dịch. Trong năm 2022, Quốc hội Việt Nam cũng đã quyết định đầu tư 6 dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông...
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh với các nhà đầu tư, doanh nghiệp hai bên: “Tiềm năng hợp tác của chúng ta còn rất lớn và diễn đàn hôm nay là một trong những động lực để thiết lập các cơ chế hợp tác. Chính phủ và Quốc hội hai nước sẽ tạo mọi điều kiện, nhưng làm được hay không là ở các nhà đầu tư, các doanh nghiệp”.
Đề cập về đầu tư nước ngoài, trên cơ sở môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam luôn luôn được cải thiện, hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh không ngừng được Chính phủ và Quốc hội hoàn thiện, theo Chủ tịch Quốc hội, Việt Nam đã trở thành một trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới và cũng là một nước được thế giới đánh giá là một điểm đến đầu tư an toàn hấp dẫn.
Hiện nay, Việt Nam đã có đầu tư nước ngoài với 141 quốc gia và vùng lãnh thổ với 135.000 dự án đang có hiệu lực, tổng vốn lũy kế là 435 tỷ USD. Đây là nguồn lực rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Với kết quả đó, Việt Nam đã được cơ quan thương mại Liên hợp quốc xếp vào danh sách 20 quốc gia thu hút FDI hiệu quả hàng đầu thế giới.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, “Việt Nam và Philippines chia sẻ nhiều giá trị lợi ích chiến lược, tương đồng. Hai nước có vị thế quan trọng trong ASEAN và là hai nền kinh tế đang phát triển rất năng động, tích cực, không cạnh tranh mà có tính chất bổ sung cho nhau”.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, số lượng các doanh nghiệp của Việt Nam mà đầu tư sang Philippines hiện nay hầu như rất ít hoặc ngược lại các nhà đầu tư của Philippines chỉ đầu tư vào Việt Nam mới chỉ có khoảng 600 triệu USD. Điều này hoàn toàn chưa tương xứng với năng lực và tiềm năng lực vốn có của hai nước. Trong khi đó, hai nước là nền kinh tế bổ sung cho nhauu. Việt Nam là đối tác chiến lược duy nhất cho đến nay của Philippines trong ASEAN và khoảng cách địa lý thì rất gần gũi.
“Chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tìm kiếm các cơ hội đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, luôn coi các nhà đầu tư và sự thành công của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là thành công của chính mình. Phấn đấu đến năm 2026 đầu tư giữa hai nước phải đạt ít nhất 1,5 tỷ USD, phải coi đây là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được…”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Thành Chung – Công Chiến