Chuyển dịch cơ cấu thu nhập giúp ngân hàng phát triển bền vững

Chuyển dịch cơ cấu thu nhập của ngân hàng thương mại là tất yếu do sự phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển, từ đó giúp cho sự phát triển hoạt động ngân hàng bền vững hơn.

Đó là ý kiến được trao đổi tại Hội thảo phổ biến kết quả đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ “Định hướng và giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu thu nhập của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam” do Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) phối hợp cùng nhóm nghiên cứu tổ chức. TS. Nghiêm Xuân Thành - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) làm chủ nhiệm đề tài.

Xu hướng tất yếu

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hiền – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho rằng, cơ cấu thu nhập hiện nay của các ngân hàng thương mại dựa chủ yếu vào tín dụng đã đặt ra hai vấn đề trong tương lai, đó là khi dịch vụ tài chính phát triển, nền kinh tế phát triển, doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều kênh huy động vốn ngoài ngân hàng, vì vậy biên độ lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng.

Mặt khác, xu hướng ngân hàng tương lai trong kỷ nguyên số hóa, kết hợp với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng sẽ tạo ra nhiều cơ hội để phát triển và mở rộng các dịch vụ ngân hàng, thay đổi cơ cấu thu nhập, tăng tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ trong tổng thu nhập của các ngân hàng Việt Nam. Bối cảnh đó vừa là cơ hội cũng đồng thời là thách thức lớn đặt ra đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam. Do đó, việc xây dựng chiến lược phát triển ngành Ngân hàng, trong đó có nội dung về chuyển dịch cơ cấu thu nhập được đặt ra như một đòi hỏi thiết yếu.

chuyen dich co cau thu nhap giup ngan hang phat trien ben vung
Toàn cảnh Hội thảo

Cụ thể, ngày 8/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 986/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó đã xác định rõ mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu thu nhập của toàn ngành Ngân hàng là: “Phấn đấu đến cuối năm 2025 tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại lên khoảng 16-17%”.

Đại diện nhóm nghiên cứu, ông Lê Hoàng Tùng - Kế toán trưởng Vietcombank nêu ra những lợi ích của việc chuyển dịch cơ cấu thu nhập của các ngân hàng. Cụ thể, đối với nền kinh tế xã hội, việc này thúc đẩy ngân hàng hội nhập kinh tế quốc tế và liên kết các dịch vụ tài chính với ngành ngân hàng trên thế giới; đẩy nhanh quá trình lưu thông hàng hóa, tiền tệ, tiết kiệm chi phí xã hội; thúc đẩy sản xuất, cung ứng vốn với chi phí thấp hơn; thúc đẩy nền kinh tế theo xu hướng kinh tế tri thức; tạo điều kiện để cho các ngành kinh tế khác phát triển.

Đối với bản thân ngân hàng, chuyển dịch thu nhập giúp gia tăng lợi nhuận bền vững cho ngân hàng thương mại, giúp thu nhập của ngân hàng ổn định hơn; giảm thiểu rủi ro trong hoạt động; nâng cao khả năng cạnh tranh của các nhà băng trong nền kinh tế. Đối với khách hàng, việc chuyển dịch cơ cấu thu nhập của các ngân hàng giúp tiết kiệm chi phí và thời gian do các ngân hàng nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm áp lực lên lãi suất tiền vay của ngân hàng.

chuyen dich co cau thu nhap giup ngan hang phat trien ben vung
Bà Nguyễn Thị Hiền – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng phát biểu tại Hội thảo

Vẫn cần nhiều hỗ trợ từ chính sách

Thực tế hiện nay, với đặc thù là một nền kinh tế đang phát triển, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng tín dụng. Hoạt động tín dụng vẫn được xem là hoạt động chính và mang lại nguồn thu chủ yếu cho các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Minh chứng là trong giai đoạn 2014-2019, thu nhập lãi chiếm bình quân 78% tổng thu nhập hoạt động kinh doanh của các ngân hàng Việt Nam, trong khi đó, thu từ phí dịch vụ chỉ chiếm khoảng 14%. Trong những năm gần đây, các nhà băng Việt đã có những động thái quyết liệt nhằm đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn thu tín dụng, chuyển dịch cơ cấu thu nhập theo hướng gia tăng tỷ trọng thu phí dịch vụ.

Sự quyết tâm của các ngân hàng đã mang lại những kết quả bước đầu, cơ cấu thu nhập của các ngân hàng Việt Nam đã ghi nhận sự chuyển dịch từ thu lãi sang thu phí. Nếu như năm 2014, tỷ trọng thu từ lãi và phí dịch vụ lần lượt là 79% và 12% thì đến năm 2019, tỷ lệ này là 76% và 16%.

chuyen dich co cau thu nhap giup ngan hang phat trien ben vung
Ông Lê Hoàng Tùng - Kế toán trưởng Vietcombank thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày kết quả của đề tài

Tuy nhiên cần nhìn nhận rằng, kết quả thực hiện chưa như kỳ vọng. Thu nhập từ lãi vẫn là nguồn thu nhập chính, chiếm tỷ lệ cao trong tổng thu nhập, tỷ trọng thu dịch vụ còn thấp so với thông lệ quốc tế của các ngân hàng hiện đại hiện nay.

Vì vậy, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp. Về chiến lược kinh doanh, cần xác định chuyển dịch cơ cấu thu nhập theo hướng phát triển bền vững là một tầm nhìn và quá trình mang tính dài hạn, do đó nhất thiết phải được thể hiện ở cấp chiến lược kinh doanh của các ngân hàng và kiên trì với mục tiêu phát triển bền vững.

Ngoài ra, cần sớm giải quyết các “điểm nghẽn” làm hạn chế quá trình chuyển dịch cơ cấu thu nhập của các ngân hàng Việt Nam thông qua tập trung thúc đẩy tăng thu nhập từ các nhóm dịch vụ hiện đại như tư vấn, bảo hiểm, ngân hàng điện tử, tăng cường hợp tác phát triển các kênh phân phối bảo hiểm.

Nhóm nghiên cứu lưu ý, với các ngân hàng thương mại cổ phần, cần lưu tới yếu tố bền vững của thu nhập, tránh phụ thuộc vào các khoản thu đột biến bất thường. Đối với dịch vụ tư vấn phát hành và nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, các ngân hàng cần nâng cao năng lực quản trị rủi ro trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn còn ở mức độ phát triển thấp, mức độ minh bạch thông tin chưa cao.

Song song với đó, bản thân các ngân hàng Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển các dịch vụ ngân hàng áp dụng công nghệ hiện đại, tránh mắc phải sai lầm là chỉ đơn thuần phủ công nghệ lên mô hình ngân hàng truyền thống cũ kỹ và cần dành nguồn lực lớn đầu tư vào việc thiết kế sản phẩm dịch vụ mới.

Đề xuất với các cơ quan quản lý, nhóm nghiên cứu cho rằng cần đẩy mạnh phát triển thị trường vốn, giảm bớt áp lực về cung ứng vốn qua kênh ngân hàng, tạo điều kiện và cũng là gia tăng áp lực buộc các ngân hàng phải đẩy mạnh quá trình chuyển dịch hoạt động theo hướng gia tăng hoạt động dịch vụ. Thứ hai, cần có những giải pháp đồng bộ để thúc đẩy tài chính toàn diện, qua đó tạo thêm dư địa cho các ngân hàng mở rộng cung cấp dịch vụ.

Trao đổi tại Hội thảo, đại diện các ngân hàng đều đồng tình chuyển dịch cơ cấu thu nhập hoạt động của các ngân hàng thương mại theo hướng gia tăng tỷ trọng dịch vụ là xu thế tất yếu trong bối cảnh kinh tế xã hội đang có những chuyển biến hết sức mạnh mẽ và sâu sắc trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đó cũng là sự chuyển dịch cần thiết để các nhà băng có thể tiếp tục phát triển một cách bền vững.

Vì vậy, mong muốn các cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lí cho các dịch vụ ngân hàng hiện có, xây dựng kịp thời khung pháp lí cho các dịch vụ mới nhằm hỗ trợ các ngân hàng mạnh dạn hơn trong tiến trình chuyển đổi số, nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/chuyen-dich-co-cau-thu-nhap-giup-ngan-hang-phat-trien-ben-vung-133847.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.