Doanh nghiệp cần chủ động quản trị khủng hoảng
14:07 | 11/11/2022
Doanh nghiệp cần cân đối dòng tiền, cắt giảm các khoản chi tiêu chưa cần thiết, đảm bảo hiệu quả hoạt động dòng tiền, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn...
![]() | Muốn huy động vốn tốt phải làm tốt quản trị công ty |
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh ngày càng nhiều bất định như hiện nay quản trị khủng hoảng là việc doanh nghiệp phải luôn chủ động. Song, để các doanh nghiệp có năng lực ứng phó với khủng hoảng, cần có sự vào cuộc của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương từ việc hoàn thiện thể chế đến việc dành nguồn lực, triển khai chính sách kịp thời.
Những vấn đề này đã được các chuyên gia làm rõ tại Hội thảo công bố báo cáo “Nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng phó của doanh nghiệp Việt Nam với khủng hoảng Covid-19, đề xuất các giải pháp nâng cao khả năng thích ứng của doanh nghiệp trước khủng hoảng”, do Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa tổ chức.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Đại diện Nhóm nghiên cứu báo cáo, ông Lê Văn Anh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, về các yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng: 32,9% doanh nghiệp nhận định là do năng lực quản trị của mình; 20,5% nhận định là do thị trường khách hàng; do quy mô vốn của doanh nghiệp chiếm 20%; do ngành nghề kinh doanh chiếm 18%; khả năng huy động vốn chiếm 17,6%; thời gian hoạt động (14,9%). Đáng chú ý, mặc dù việc chuyển đổi số mới đang ở giai đoạn đầu khi chỉ có 14,4% doanh nghiệp chọn đây là yếu tố quan trọng vượt qua khủng hoảng.
Khảo sát ngẫu nhiên hơn 5.000 báo cáo tài chính của các doanh nghiệp giai đoạn 2019-2021 cũng cho thấy, doanh nghiệp có một trong các yếu tố như: quy mô lớn, thời gian hoạt động dài, năng lực tài chính mạnh dễ vượt qua khủng hoảng hơn. Thậm chí với các doanh nghiệp có quy mô vốn trên 10 tỷ đồng, tác động của dịch bệnh là "cú hích" lớn. Họ không chỉ vượt qua khó khăn mà còn thích nghi ở những đợt dịch sau và tăng trưởng mạnh về tài sản (tăng lên 0,42 năm 2021).
Báo cáo cũng chỉ ra việc giữ được tính thanh khoản cao là một trong những "chìa khóa" để có thể hoạt động liên tục và giảm thiểu thấp nhất các rủi ro từ cuộc khủng hoảng. Bên cạnh đó khảo sát cũng cho thấy các doanh nghiệp do nữ làm chủ thể hiện sự linh hoạt hơn, chủ động hơn trong việc lập kế hoạch dự phòng và áp dụng các chiến lược kinh doanh thận trọng, từ đó tăng khả năng phục hồi thời kỳ hậu khủng hoảng.
Từ kết quả khảo sát, Nhóm nghiên cứu kiến nghị các giải pháp trong ngắn hạn nhằm giúp doanh nghiệp thích ứng linh hoạt và phục hồi hiệu quả: Doanh nghiệp cần cân đối dòng tiền, cắt giảm các khoản chi tiêu chưa cần thiết, đảm bảo hiệu quả hoạt động dòng tiền, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn; Giải quyết ngay những vấn đề phát sinh đột xuất, bất thường có nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần coi nhân sự là tài sản quan trọng nhất; Đồng thời nắm bắt xu hướng thị trường tiêu dùng để chuyển đổi thay thế các hình thức, phương thức kinh doanh, ứng dụng công nghệ.
Về dài hạn các chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp cần được nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của quản trị rủi ro trong kinh doanh, từ đó biết cách lập kế hoạch quản trị khủng hoảng cho doanh nghiệp của mình, theo từng mức độ ngắn hạn, trung hạn, dài hạn. Doanh nghiệp cũng cần hiện đại hóa hệ thống quản trị và quy trình hoạt động nhằm tăng sự chủ động khi khủng hoảng và các sự cố bất khả kháng xảy ra. Bên cạnh đó cần chủ động linh hoạt, tăng cường thói quen sử dụng tư vấn về một số lĩnh vực (quản trị nhân sự, pháp lý, tìm hiểu, đánh giá thị trường...) để chủ động phòng ngừa các rủi ro trong kinh doanh; có kế hoạch nguồn vốn trong cả ngắn hạn và dài hạn.
Về phía Chính phủ, cơ quan quản lý, ông Phạm Tiến Dũng - Phó giám đốc Economica Việt Nam, đề xuất: Về ngắn hạn cần rà soát, bổ sung, gia hạn các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển; tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cải cách thực chất thủ tục hành chính. Đặc biệt là tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, thị trường mới.
Trong dài hạn cần hoàn thiện chính sách pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm, kinh tế tuần hoàn; cải cách hành chính; Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, khai thác những cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0. Đặc biệt cần nghiên cứu xây dựng Chương trình ứng phó với khủng hoảng mang tầm quốc gia; nâng cao khả năng ứng phó với khủng hoảng của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp do nữ làm chủ.
Đối với các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần phải làm tốt hơn việc thông tin thị trường, đào tạo nhằm nâng cao năng lực nhận biết khủng hoảng và quản trị khủng hoảng của lãnh đạo doanh nghiệp; đồng thời xây dựng bộ cẩm nang hướng dẫn vượt khủng hoảng hoặc cẩm nang các dấu hiệu nhận biết và cách thức quản trị doanh nghiệp trong bối cảnh khủng hoảng; chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức, thời cơ, xu hướng kinh doanh, xu hướng thị trường mới của ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các yêu cầu về kinh doanh bền vững, kinh doanh xanh.
Các Hiệp hội cũng cần làm tốt vai trò cầu nối, vận động chính sách, duy trì đối thoại với Chính phủ và quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong nước, nước ngoài về xây dựng pháp luật và chính sách điều chỉnh hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khi có các cuộc khủng hoảng xảy ra.
Hoa Hạ