Nhân rộng cách làm mới, mô hình hay để phát triển hợp tác xã

Chiều ngày 8/11, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị Tuyên truyền phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới.
nhan rong cach lam moi mo hinh hay de phat trien hop tac xa Phát huy thế mạnh của liên kết doanh nghiệp - hợp tác xã
nhan rong cach lam moi mo hinh hay de phat trien hop tac xa Chính phủ trình dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)
nhan rong cach lam moi mo hinh hay de phat trien hop tac xa
Đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị.

Phát triển kinh tế tập thể đạt được nhiều thành tựu

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Chính vì vậy, trong những năm qua, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã luôn là chủ trương lớn, được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú trọng.

Nội dung Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới cũng nêu rõ các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, giải pháp, trong đó nhấn mạnh: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế Nhà nước, trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất, kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững”…

Trải qua quá trình phát triển, nhất là hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, đến nay, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã nhìn chung đã phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Báo cáo tổng hợp từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho thấy, ước tính đến thời điểm 31/12/2022, cả nước có 29.021 hợp tác xã, 123.241 tổ hợp tác và 125 liên hiệp hợp tác xã. Các hợp tác xã thu hút 6,94 triệu thành viên là hộ gia đình, chủ yếu ở địa bàn nông thôn (tăng 22.466 thành viên so với năm 2021) và 2,6 triệu lao động (tăng 71.000 lao động so năm 2021); tổng số vốn điều lệ đạt 54,15 nghìn tỷ đồng, bình quân 1,86 tỷ đồng/hợp tác xã; tổng giá trị tài sản đạt 187,75 nghìn tỷ đồng, bình quân 6,5 tỷ đồng/hợp tác xã, tăng 8,7% so với năm 2021.

Theo đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, thời gian qua, nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã thực hiện chuyển đổi số làm thay đổi so với phương thức quản trị truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có tiến bộ về nhận thức chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đầu tư thiết bị hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin đầu vào, đầu ra, giảm thời gian tìm kiếm thông tin trên nền tảng số, tiết kiệm không gian lưu trữ và chi phí quản lý, nâng cao hiệu suất làm việc…

nhan rong cach lam moi mo hinh hay de phat trien hop tac xa
Toàn cảnh Hội nghị.

Hoàn thiện chính sách thúc đẩy hợp tác xã phát triển

Tuy đạt được nhiều thành quả tích cực nhưng đại diện Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận, nhiều hợp tác xã sản xuất nhỏ lẻ, chưa gắn với nhu cầu của thị trường; thiếu nhân lực quản trị và lao động đã qua đào tạo; thiếu vốn sản xuất, kinh doanh; gặp vướng mắc về quy hoạch vùng sản xuất, khó khăn về chi phí đầu vào tăng…

Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã diễn ra chậm; theo khảo sát của Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh, khoảng 50% số hợp tác xã được khảo sát chưa có định hướng và kế hoạch chuyển đổi số; cơ sở hạ tầng thông tin của phần lớn hợp tác xã ở mức thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số.

Để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của các hợp tác xã, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo kiến nghị, cần ban hành hướng dẫn về chuyển đổi số cho các hợp tác xã, liên hiệp theo ngành, lĩnh vực mà các bộ, ngành, địa phương quản lý trên cơ sở Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công nghệ số, kinh tế số và chuyển đổi số; hỗ trợ đào tạo, tập huấn về công nghệ thông tin, kiến thức và các kỹ năng chuyển đổi số, giải pháp chuyển đổi số đối với các loại hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…

Còn theo ông Bùi Trường Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, thời gian tới, cần hoàn thiện đồng bộ chính sách thúc đẩy, hỗ trợ, cơ chế huy động, bảo đảm các nguồn lực phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, hợp tác xã, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn trong hỗ trợ về đất đai, vốn và tín dụng, hạ tầng, nguồn nhân lực và thị trường để xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Cụ thể, đối với nguồn lực đất đai, tập trung sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và các luật, văn bản dưới luật liên quan; tiếp tục rà soát, sử dụng quỹ đất công hiện có để cho các hợp tác xã thuê, tạo ra quỹ đất cần thiết ban đầu; hoàn thiện cơ chế, chính sách để kinh tế hộ, các thành viên góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tích tụ, tập trung đất đai thông qua các hợp tác xã.

Đối với nguồn lực về vốn và tín dụng, cần xây dựng hệ thống chính sách tín dụng đặc thù, dòng tín dụng đặc biệt riêng cho các hình thức kinh tế hợp tác, hợp tác xã; việc cung cấp tín dụng dựa trên phương án sản xuất, kinh doanh, dựa trên tín chấp, thế chấp của hợp tác xã; tạo thuận lợi cho xác nhận, thế chấp bằng quyền sử dụng đất, bằng tài sản hình thành trên đất hoặc từ vốn vay; khuyến khích việc tích lũy, sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản thuộc sở hữu tập thể trong hợp tác xã…

Tăng cường vai trò của hệ thống Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Chính sách xã hội, Coop.Bank, AgriBank và các tổ chức, định chế tài chính, bảo hiểm trong hỗ trợ phát triển, cung ứng vốn tín dụng, cơ chế bảo hiểm kịp thời cho hoạt động đầu tư phát triển, sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã.

nhan rong cach lam moi mo hinh hay de phat trien hop tac xa
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, thời gian qua, báo chí đã trở thành một trong những kênh thông tin hữu hiệu nhất trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, là cầu nối giữa hợp tác xã, doanh nghiệp và người tiêu dùng, giúp người dân - hợp tác xã - doanh nghiệp tìm đến với nhau, qua đó triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả thông qua việc giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm từ đầu vào đến đầu ra.

Định hướng tuyên truyền trong thời gian tới, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, báo chí với vai trò định hướng tư tưởng xã hội cần nỗ lực tuyên truyền để các hợp tác xã hiểu rõ hơn những khó khăn, thuận lợi và trên hết là lợi ích mà chuyển đổi số mang lại trong sản xuất, kinh doanh, từ đó thay đổi nhận thức, tư duy, thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể chủ động tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

nhan rong cach lam moi mo hinh hay de phat trien hop tac xa
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo phát biểu kết luận Hội nghị.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nhan-rong-cach-lam-moi-mo-hinh-hay-de-phat-trien-hop-tac-xa-133239.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.