Nhật Bản chi số tiền kỷ lục để chặn đà giảm giá của đồng yên
09:07 | 08/11/2022
Hãng tin Kyodo cho biết sau lần can thiệp đầu tiên hôm 22/9, Bộ Tài chính Nhật Bản có thể đã thực hiện nhiều đợt can thiệp khác vào thị trường ngoại hối với số tiền chi ra có thể cao hơn nhiều.
![]() |
Ngày 8/11, Bộ Tài chính Nhật Bản tiết lộ hành động can thiệp vào thị trường ngoại hối bằng nghiệp vụ bán USD - mua yên hôm 22/9 đã tiêu tốn tới 2.830 tỷ yên (khoảng 19 tỷ USD). Đây là số tiền cao kỷ lục mà Bộ Tài chính Nhật Bản đã chi trong một ngày để chặn đà giảm giá của đồng yen.
Trước đó, số tiền cao nhất mà Nhật Bản đã từng chi trong một ngày để thực hiện nghiệp vụ bán USD - mua yên là 2.620 tỷ yên vào ngày 10/4/1998.
Hãng tin Kyodo cho biết sau lần can thiệp đầu tiên hôm 22/9, Bộ Tài chính Nhật Bản có thể đã thực hiện nhiều đợt can thiệp khác với số tiền chi ra có thể cao hơn nhiều.
Các số liệu thống kê cho thấy quỹ dự trữ ngoại hối của Nhật Bản, vốn được sử dụng để can thiệp vào thị trường ngoại hối, đã giảm từ mức 1.240 tỷ USD vào cuối tháng 9 xuống còn 1.190 tỷ USD vào cuối tháng 10.
Tuy nhiên, cho đến nay, Nhật Bản mới chỉ chính thức thừa nhận can thiệp vào thị trường ngoại hối hôm 22/9. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết có những thời điểm Chính phủ can thiệp nhưng không thông báo nhằm tối đa hóa tác động của hành động can thiệp này.
Vào cuối năm ngoái, đồng yên vẫn được giao dịch ổn định ở mức 1 USD đổi được khoảng 115 yên. Tuy nhiên, kể từ tháng 3/2022 tới nay, đồng yên đã liên tục mất giá so với đồng bạc xanh của Mỹ. Hôm 22/9, Nhật Bản đã lần đầu tiên can thiệp vào thị trường tiền tệ bằng nghiệp vụ bán USD - mua yên trong 24 năm qua, sau khi Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda bác bỏ khả năng tăng lãi suất trong tương lai gần khiến đồng yên mất giá mạnh và tiến gần ngưỡng 146 JPY/USD. Khoảng 30 phút sau hành động can thiệp này, đồng yên đã tăng trở lại ngưỡng 140 JPY/USD.
Tuy nhiên, sau đó, đồng yên đã quay lại xu thế giảm giá trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát khiến khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ ngày càng nới rộng. Hôm 20/10, đồng bản tệ của Nhật Bản đã để mất ngưỡng hỗ trợ tâm lý quan trọng 150 JPY/USD và trượt xuống mức 152 JPY/USD.
Đây là mức thấp nhất chưa từng thấy của đồng yên kể từ tháng 8/1990. Một ngày sau đó, đồng yên đã tăng trở lại ngưỡng 146 JPY/USD, dường như nhờ vào sự can thiệp của Bộ Tài chính Nhật Bản. Nhiều nhà quan sát cho rằng sau đó, dường như BoJ đã can thiệp một lần nữa vào ngày 24/10.
Các số liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản trong 1 tháng tới ngày 27/10 cho thấy nước này đã chi số tiền cao kỷ lục 6.350 tỷ yên để mua vào đồng bản tệ, nhưng Bộ không tiết lộ số tiền đã chi theo từng ngày trong giai đoạn này.
Hiện nay, nhiều người vẫn lo ngại về khả năng đồng yên sẽ trượt khỏi ngưỡng hỗ trợ tâm lý 150 JPY/USD trong bối cảnh khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ có thể sẽ tiếp tục nới rộng do những khác biệt về chính sách giữa hai nước.
Vì vậy, không loại trừ khả năng giới chức tiền tệ Nhật Bản có thể sẽ có thêm các đợt can thiệp khác vào thị trường tiền tệ nhằm bảo vệ ngưỡng hỗ trợ quan trọng này của đồng yên.