Gia tăng tình trạng buôn lậu
Theo ông Đỗ Ngọc Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma tuý và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), những tháng cuối năm được xem là cao điểm đấu tranh chống buôn lậu qua biên giới, đặc biệt là tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia và trên biển.
Mới đây, Công an tỉnh An Giang đã phát hiện và bắt giữ nhóm đối tượng vận chuyển hàng lậu từ xuồng máy lên mô tô cùng tang vật gồm 4.000 bao thuốc lá lậu và các tang vật khác. Tính từ đầu năm đến nay, lực lượng Công an tỉnh đã bắt giữ 747 vụ buôn lậu, liên quan 586 đối tượng, tang vật thu giữ trị giá trên 150 tỷ đồng. Lượng hàng lậu đều được vận chuyển từ biên giới Campuchia về Việt Nam.
![]() |
Những tháng cuối năm được xem là cao điểm đấu tranh chống buôn lậu qua biên giới. |
Giáp ranh với An Giang là huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) - nơi có đường biên giới dài hơn 18km trên cả đường bộ và đường sông giáp với Campuchia. Cục Hải quan tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, từ đầu năm đến nay đơn vị đã phát hiện 71 vụ buôn lậu, trị giá hàng hóa trên 2,5 tỷ đồng. Hàng lậu chủ yếu là thuốc lá ngoại, đường kết tinh... được vận chuyển qua sông biên giới, sau đó mới thay đổi phương thức vận chuyển khác.
Hàng lậu sẽ không đặt trong nhà hoặc kho hàng mà để ở các khoảng đất trống ven đường, rồi tìm cơ hội vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ. Trước và trong khi vận chuyển hàng lậu, các đối tượng luôn cảnh giới, cho người theo sát các lực lượng chống buôn lậu, cản trở khi bị bắt giữ.
Theo đánh giá của lực lượng chức năng, mực nước tại các dòng sông qua khu vực biên giới năm nay dâng cao hơn so với những năm trước; địa hình đường biên giới nhiều kênh rạch, có nơi là dòng sông chung nên các đối tượng lợi dụng sử dụng xuồng máy gắn động cơ công suất cao chạy băng đồng với tốc độ cao, né chốt kiểm tra trên bờ, đưa hàng lậu đến điểm tập kết trên bờ. Các hoạt động thường diễn ra vào ban đêm.
Đặc biệt, Thượng tá Nguyễn Đăng Khoa, Phó Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh An Giang cho biết, trong quá trình vận chuyển các đối tượng luôn chia nhỏ hàng hóa ra để nếu có bị bắt cũng không đến mức bị xử lý hình sự; đồng thời, chọn người vận chuyển là cư dân biên giới thông thạo địa hình… Do thủ đoạn của các đối tượng rất linh hoạt, nên công tác chống buôn lậu tại những khu vực này cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Tăng cường phối hợp giữa các đơn vị
Chỉ ra những nguyên nhân khiến hoạt động buôn lậu diễn ra nhiều trên tuyến biên giới Tây Nam, ông Đỗ Ngọc Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma tuý và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) cho rằng, địa hình khu vực này có nhiều đường mòn, lối mở để các đối tượng đưa hàng hoá thẩm lậu vào Việt Nam; thủ đoạn làm hàng lậu cũng thường xuyên thay đổi như tuồn bao bì từ trong nước ra nước ngoài đóng gói, sau đó đưa hàng thẩm lậu biên giới, hợp thức hoá bằng hoá đơn, biến hàng hoá nhập lậu thành hàng hoá trong nước sản xuất… gây khó khăn cho lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ.
Muốn ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn lậu qua biên giới trong thời điểm này, các chuyên gia cho rằng, lực lượng chức năng cần tăng cường hơn nữa việc kiểm soát trên địa bàn; phối hợp với các đơn vị khác trong công tác phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo quy định.
Ông Cảnh đề xuất, về lâu dài phải sử dụng các biện pháp kỹ thuật trên tuyến biên giới Tây Nam như xây dựng tường rào khu vực biên giới. Đây được xem là những giải pháp căn cơ. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cần phối hợp hơn nữa với các bộ, ngành, lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, đôn đốc quá trình triển khai, tạo động lực cho các lực lượng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu.
Mới đây, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính cũng đã có công văn giao Tổng cục Hải quan tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm chắc tình hình địa bàn; tăng cường công tác trao đổi thông tin, phối hợp với các lực lượng chức năng trong và ngoài nước trong việc xây dựng các phương án, kế hoạch điều tra, xác minh, đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các đối tượng có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Cùng với đó, triển khai áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu, hành lý, phương tiện xuất nhập cảnh theo các tuyến, địa bàn, mặt hàng, đối tượng trọng điểm; xây dựng phương án, kế hoạch xác minh, đấu tranh, ngăn chặn các vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới phức tạp, nổi cộm, ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao và dư luận, xã hội quan tâm.
Về phía các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phía Nam có nhiều kênh rạch, dòng sông chung trên khu vực biên giới cũng đã xây dựng nhiều phương án ngăn chặn tình trạng buôn lậu.
Đơn cử, Công an tỉnh An Giang cho biết đã tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng trên biên giới trong công tác tuần tra, kiểm soát, nhằm kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn sự thẩm lậu các loại hàng hoá qua biên giới, nhằm hạn chế nguồn hàng lậu cung cấp cho các đối tượng trong nội địa; tiếp tục tham mưu cho chính quyền trong công tác đảm bảo an sinh xã hội, tạo việc làm và vận động hỗ trợ cho người dân, nhất là người dân khu vực tuyến biên giới có nguồn thu nhập ổn định, để không tham gia vào các hoạt động buôn lậu; rà soát nắm chắc tình hình, quản lý chặt chẽ và có kế hoạch đấu tranh triệt xóa đối với các tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm không để hình thành các điểm nóng về buôn lậu…
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/quyet-liet-chong-buon-lau-qua-bien-gioi-mua-nuoc-noi-132939.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.