Mới đây, dư luận lại một lần nữa xôn xao về chuyện hai cổ vật của nhà Nguyễn (1802-1945) chuẩn bị lên sàn đấu giá. Cụ thể, trên website chính thức của hãng đấu giá MILLON (thành lập năm 1928, có trụ sở chính tại Paris, Pháp), có đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có hai cổ vật của nhà Nguyễn (1802-1945), gồm một ấn vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820-1841) và một bát vàng triều Khải Định (1917-1925).
![]() |
Ấn vàng được cho là của vua Bảo Đại sắp được đưa lên sàn đấu giá ở Pháp |
Theo lời giới thiệu của Hãng đấu giá MILLON, ấn vàng này cao 10,4cm, mặt ấn hình vuông nặng 10,78kg. Quai ấn đúc hình một con rồng uốn khúc, đầu ngẩng cao, mắt nhìn về phía trước, tư thế vững vàng; vây lưng và đuôi rồng dựng đứng, vây đuôi uốn cong về phía trước, bốn chân rồng đúc rõ năm móng. Đây được cho là ấn tín của vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều Nguyễn.
Phiên bán đấu giá hai cổ vật nêu trên dự kiến sẽ được tiến hành vào 11 giờ trưa ngày 31/10/2022 (giờ Paris). Căn cứ thông tin đăng tải trên website và ý kiến của một số chuyên gia về cổ vật, chiếc ấn vàng (lô số 101/329) có thể là chiếc kim ấn “Hoàng đế chi bảo” được vị hoàng đế cuối cùng của vương triều Nguyễn là Bảo Đại, trao cho đại diện của Việt Minh là ông Trần Huy Liệu cùng với thanh bảo kiếm của vua Khải Định vào chiều ngày 30/8/1945.
Ngay khi nắm được thông tin về việc đấu giá hai cổ vật trên, Bộ VHTTDL đã có Công văn gửi Bộ Ngoại giao nêu rõ “hành trình” của cổ vật kim ấn “Hoàng đế chi bảo”: Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (tháng 12/1946), hai cổ vật đã rơi vào tay người Pháp và đến ngày 8/3/1952, người Pháp tổ chức lễ trao lại ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại, rồi được đưa sang Pháp vào năm 1953. Trước khi qua đời (năm 1997), Bảo Đại đã di chúc để lại toàn bộ tài sản ở Pháp (trong đó có kim ấn “Hoàng đế chi bảo”) cho vợ là bà Monique Baudot, người Pháp. Bà Monique Baudot qua đời năm 2021, các tài sản trên thuộc về những người thừa kế và được mang ra bán đấu giá. “Chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” được dùng cho các hoạt động công quyền, chính sự của nhà Nguyễn trong suốt một giai đoạn lịch sử, có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa. Vì vậy, việc tìm cách đưa ấn về Việt Nam là cần thiết…” - Công văn nhấn mạnh.
Cũng tại Công văn này, Bộ VHTTDL đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp kịp thời làm việc trực tiếp với hãng đấu giá MILLON để xác minh rõ thông tin liên quan đến việc đấu giá hai cổ vật nêu trên như thông báo của Hãng (gồm các thông tin về chủ sở hữu, tính hợp pháp của hai cổ vật, giá dự kiến bán, khả năng đàm phán mua trực tiếp không qua đấu giá…). “Nhanh chóng tìm hiểu và đề xuất phương án phù hợp nhất với pháp luật nước sở tại và thông lệ quốc tế để “hồi hương” hai cổ vật căn cứ kết quả làm việc với hãng đấu giá” - Công văn đề nghị.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa ở Huế cũng đang quan tâm đến sự kiện đấu giá hai cổ vật được cho là có liên quan đến triều Nguyễn. Trong đó đáng chú ý là một ấn bằng vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820 - 1841). Chiếc ấn này được hãng đấu giá đưa ra giá khởi điểm từ 2 đến 3 triệu euro (khoảng 49-73 tỷ đồng theo quy đổi ngoại tệ hiện tại). Theo nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn - nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế, chiếc kim ấn được rao bán là một bảo vật của nhà Nguyễn và là một vật chứng lịch sử rất quan trọng đối với lịch sử Việt Nam thời hiện đại.
Đưa được hai cổ vật này, đặc biệt là chiếc ấn quý, là điều mong muốn của những người làm văn hóa Huế nói riêng và yêu văn hóa Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, một khi đã được đưa lên sàn đấu giá quốc tế thì sự việc “rất khó lường” và theo đó, giá cả cũng “rất khó lường”. Dù quan tâm, theo dõi sát phiên đấu giá, song một lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng thừa nhận, với số tiền khởi điểm được nhà đấu giá đưa ra là hoàn toàn "ngoài tầm với" đối với ngân sách tỉnh.
Nhìn rộng ra, đưa cổ vật hồi hương là một câu chuyện không dễ và khó tìm ra một lời giải chung. Một số ý kiến cho rằng, đối với những cổ vật quý, có giá trị văn hóa, lịch sử thì các cơ quan quản lý văn hóa của các địa phương hay cơ quan quản lý văn hóa cấp quốc gia cần sớm có kế hoạch để đưa cổ vật hồi hương. Tuy vậy, cơ quan nhà nước lại có những cái khó nhất định. Có thông tin cho rằng, ngay khi chiếc mũ quan triều Nguyễn đưa lên đấu giá, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cũng chỉ theo dõi chứ không thể đấu vì giá quá cao.
Một chuyên gia trong lĩnh vực bảo tàng cho rằng, tư nhân muốn tham gia đấu giá chỉ cần có tiền, dự đấu giá, quyết định mua hay không. Còn cơ quan nhà nước luôn phụ thuộc vào quy trình có tính nguyên tắc từ kế hoạch, đánh giá, lựa chọn, báo cáo, tham khảo khung pháp lý đầy đủ và dự toán đến phê duyệt kinh phí... Đó là những rào cản nhất định trong cuộc hồi hương cổ vật, nên rất khó mua được cổ vật đấu giá ở nước ngoài.
Việc cổ vật Việt Nam “được giá”, thậm chí “giá cao chót vót” trong thời gian gần đây, giới sưu tầm bình luận, đó là tín hiệu vui. Tuy nhiên, đó cũng lại chính là “chướng ngại vật” để cổ vật Việt khó có cơ hội hồi hương bởi không phải ai cũng có sẵn tiền để lao vào “cuộc đua”. Mà theo dự đoán của giới chuyên gia, giá cổ vật Việt trong thời gian tới còn tăng cao trong các sàn mua bán, đấu giá quốc tế.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/lam-gi-de-co-vat-hoi-huong-132738.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.