Vấn đề này đã được thảo luận tại hội thảo “Cơ chế pháp lý giải quyết tranh chấp thuế: Thực tiễn Việt Nam và bài học trong khu vực”, do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Câu lạc bộ Luật sư Thương mại Quốc tế Việt Nam (VBLC) vừa tổ chức.
Chủ động lường trước rủi ro về thuế
Luật sư Cao Đăng Duy, Thành viên Rajah & Tann LCT Lawyers cho biết, theo số liệu thống kê các vụ án hành chính liên quan đến tranh chấp về thuế của Tổng cục Thuế trong giai đoạn từ năm 2013-2022, Việt Nam có 471 vụ tranh chấp.
Ông Duy giải thích, tranh chấp hành chính liên quan đến thuế có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, mà trong nhiều trường hợp là do trình độ nhận thức và hiểu biết khác nhau giữa cơ quan thực thi, người nộp thuế. Bởi trên thực tế, hệ thống thuế Việt Nam được đánh giá là một trong những hệ thống phức tạp nhất với nhiều văn bản luật và dưới luật; cùng nhiều cơ quan tham gia quản lý, điều chỉnh. Vì vậy, khi áp dụng chính sách vào thực tiễn thường dẫn tới quy định và cách hiểu khác nhau.
Trong sự phát triển phức tạp của các mối quan hệ liên quan tới giao dịch kinh tế trong nước cũng như thế giới, có nhiều quy định chưa được điều chỉnh rõ ràng, dẫn tới tranh chấp về thuế ngày càng phát sinh nhiều.
![]() |
Hệ thống pháp luật về thuế phức tạp thường dẫn tới quy định và cách hiểu khác nhau. |
Chuyên gia của Rajah & Tann LCT Lawyers cho biết tranh chấp phổ biến nhất hiện nay liên quan tới việc xác định mức thuế áp dụng, hay số tiền mà doanh nghiệp, người nộp thuế phải đóng cho cơ quan nhà nước, hoặc xung đột giữa người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế liên quan tới một hay nhiều yếu tố xác định số thuế phải nộp, đối tượng phải nộp là ai. Quy định về các mức thu nhập chịu thuế và các khoản thu nhập miễn trừ khỏi thu nhập chịu thuế nhiều khi không được áp dụng thống nhất cũng làm nảy sinh mâu thuẫn.
Nhóm vấn đề phổ biến khác là tranh chấp trong trình tự thực hiện các thủ tục về thuế. Vi phạm có thể bắt nguồn từ cách thức, thời gian thực hiện hay việc tuân thủ các quy định thuế.
“Có khi người nộp thuế chỉ kê khai thiếu một ngày cũng phải chịu gánh nặng trách nhiệm hành chính về xử phạt thuế”, ông Duy lưu ý.
Nhóm vấn đề khác được các chuyên gia dẫn ra là mức phạt và hình thức xử lý phù hợp với hành vi của người nộp thuế hay chưa? Trường hợp các bên đồng ý mức phạt nhưng không đồng ý về hình thức xử phạt cũng là nguy cơ dẫn tới tranh chấp. Ở nhóm vấn đề này, câu chuyện phổ biến nhất trong thực tế là việc xác định các giao dịch liên kết giữa các công ty con với công ty mẹ trong tập đoàn đa quốc gia.
Ông Duy dẫn chứng, các doanh nghiệp FDI có xu hướng tận dụng các nguồn lực từ công ty mẹ trong tập đoàn. Do đây là quan hệ trong cùng một hệ sinh thái nên các bên có sự tin tưởng và sử dụng dịch vụ của nhau mà không lưu lại bằng chứng về quá trình giao dịch, chẳng hạn tư vấn qua email hoặc thậm chí gọi điện thoại để tư vấn.
“Mặc dù không lưu trữ tài liệu đầy đủ nhưng doanh nghiệp vẫn chi trả số tiền lớn cho công ty mẹ. Kết quả là giao dịch này không được cơ quan thuế công nhận và công ty đó bị truy thu một khoản rất lớn”, vị này cho hay.
Lựa chọn cơ chế giải quyết phù hợp
Với tình trạng tranh chấp thuế phổ biến và muôn hình vạn trạng, các chuyên gia pháp lý đặt vấn đề doanh nghiệp cần nghiên cứu lựa chọn cơ chế phù hợp để xem xét bảo vệ quyền lợi của mình khi cần. Theo quy định của pháp luật hiện hành tại Việt Nam, việc xử lý tranh chấp về thuế thường được thực hiện theo hai hình thức khiếu nại hoặc khởi kiện tại tòa án.
Hiện nay số lượng vụ án tranh chấp liên quan đến hành chính thuế khoảng 50-70 vụ/năm là mức tương đối nhiều, nhưng trên thực tế cũng chưa phản ánh hết thực trạng, vì có nhiều vụ chưa được công khai. Các chuyên gia của VIAC và VBLC cho biết, tỷ lệ các bản án mà quyết định của cơ quan thuế bị huỷ toàn bộ hoặc một phần chiếm khá lớn. Điều đó cho thấy cơ hội rất lớn của doanh nghiệp trong trường hợp muốn đòi lại quyền và lợi ích của mình bằng bản án hành chính thông qua quyết định của toà án.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý trong trường hợp khởi kiện hành chính về thuế thời hiệu khởi kiện chỉ là một năm, khác với các tranh chấp thương mại là hai năm hoặc tranh chấp dân sự là ba năm. Vì vậy khi đã xác định khởi kiện, người nộp thuế cần chuẩn bị bộ hồ sơ rất nhanh chóng.
Đối với các tranh chấp về thuế có yếu tố quốc tế, luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký VIAC cho hay, việc giải quyết tranh chấp thường được thực hiện bằng thủ tục thương lượng, hòa giải và giải quyết thông qua tòa án. Gần đây, với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của phương thức trọng tài, tranh chấp thuế cũng được cân nhắc giải quyết tại trọng tài, với điều kiện thuộc phạm vi thỏa thuận trọng tài giữa các bên và đúng theo quy định pháp luật.
“Đây là tín hiệu tích cực cho thấy Việt Nam đã dần thay đổi theo hướng quốc tế hoá hơn, phù hợp hơn với xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới”, ông Bắc chia sẻ.
Luật sư Bắc nhận định, các tranh chấp có yếu tố thuế tại VIAC đa dạng về các loại thuế, trong nhiều ngành, lĩnh vực và bản chất phát sinh từ bất đồng khấu trừ nghĩa vụ thanh toán hoặc khoản bồi thường thiệt hại. Vì vậy, doanh nghiệp cần xây dựng đội ngũ kế toán có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm và hiểu biết pháp luật thuế. Đồng thời, thiết lập quy trình rà soát nội bộ để phát hiện và khắc phục các sai phạm về pháp luật thuế trước khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra.
Luật sư Ngô Quỳnh Anh, thành viên EP Legal, cũng khuyến nghị bài học cho doanh nghiệp khi thực hiện các hợp đồng có yếu tố nước ngoài là cần chuẩn bị các điều khoản, thỏa thuận càng chi tiết càng tốt về các ưu đãi và bảo lãnh thuế trong suốt thời gian hợp đồng. Bên cạnh đó, cần đặc biệt lưu ý bản dịch tiếng Việt phải phù hợp với bản gốc. Bởi vì, thực tế đã phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp do điều khoản hợp đồng sau khi chuyển ngữ đã gây ra cách hiểu khác. Ngoài ra, nếu cần thiết thì sự hỗ trợ từ cơ quan chính phủ cũng vô cùng quan trọng.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/tranh-chap-thue-ngay-cang-da-dang-132724.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.