Nhà văn thì phải biết đùa
10:01 | 25/10/2022
Cầm bút từ khi còn mặc áo lính nhưng Trung Trung Đỉnh thuộc lớp nhà văn trưởng thành sau 1975. Độc giả không chỉ nhớ tới ông với những trang viết về Tây Nguyên, mà còn qua nhiều trang viết hóm hỉnh về bạn văn. Nhà văn Trung Trung Đỉnh đưa ra quan niệm: Trong văn chương nghệ thuật mà thiếu chất khôi hài, chất hóm, chất tếu cũng như loài hoa không hương, vẻ đẹp mất đi cái hồn vía lung linh…
Không hiểu sao, mỗi khi nhắc đến nhà văn Trung Trung Đỉnh, tôi lại nhớ tới cuốn tiểu thuyết “Tiễn biệt những ngày buồn” - một cuốn sách được ông viết vào những năm 80 của thế kỷ trước, khi đất nước đang chuyển từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường với ngổn ngang bao đổi thay.
![]() |
Nhà văn Trung Trung Đỉnh tặng chữ ký cho bạn đọc |
Nhưng Trung Trung Đỉnh đâu chỉ “Tiễn biệt những ngày buồn”, ông còn có những trang viết đạt đến độ ấn tượng và tạo dấu ấn riêng về mảnh đất Tây Nguyên. Đến độ nhiều người lại ngỡ ông sinh ra ở Tây Nguyên. Sự thực thì không phải. Nhà văn Trung Trung Đỉnh quê ở Vĩnh Bảo (Hải Phòng), đất có cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Theo nhà văn Trung Trung Đỉnh, truyện ngắn đầu tiên ông viết ở một hang đá Tây Nguyên, viết về đồng đội cùng sống và chiến đấu ở nơi đây. Sau đó, hai cuốn tiểu thuyết "Lạc rừng" và "Ngược chiều cái chết" dẫu viết ở Hà Nội nhưng vẫn đậm đà đời sống Tây Nguyên, đúng hơn là ký ức không thể nào quên về miền rừng núi đầy nắng và gió…
Có ý kiến cho rằng, Trung Trung Đỉnh là một trường hợp hòa hợp tuyệt vời giữa hai nền văn hóa Việt và Tây Nguyên, tạo nên một bản sắc thâm trầm mà độc đáo, mà tập truyện ngắn này là một minh chứng rõ rệt.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh không phải là người hoạt khẩu. Nhà phê bình Bùi Việt Thắng từng đưa ra nhận xét vui vui: “Anh Đỉnh viết thì rất hay mà nói thì như cơm nguội”.
Quả thực, so với những bạn văn, ông không phải là người dễ “bùng nổ”. Giữa đám ông, Trung Trung Đỉnh có thể khuất lấp giữa những cá tính mạnh mẽ khác. Tham gia vào những sự kiện đông người, quan sát sẽ thấy Trung Trung Đỉnh thường ngồi lui xuống phía sau. Nhưng những trang viết của ông thì luôn có sức nặng của câu chữ. Nói như nhà văn Phạm Ngọc Tiến, Trung Trung Đỉnh là người có trách nhiệm với ngôn từ, với từng trang viết của mình.
Trung Trung Đỉnh là người cẩn thận với chữ. Trong 7 cuốn sách được xuất bản mừng nhà văn 70 tuổi cách đây ít lâu, có hai cuốn in lần đầu: “Những khoảnh khắc đời người” - tập hợp bài ký, tản văn và “Nhà văn thì phải biết đùa”- tập chân dung văn học.
Dù chỉ là tập hợp những bài viết rời đã in đây đó trên báo chí, nhưng nhà văn Trung Trung Đỉnh cũng dành ra mấy tháng để sửa chữa, “nhuận sắc”.
Đọc hai tác phẩm mới này người đọc dễ dàng nhận thấy những “thông điệp văn chương” của tác giả. Ví như trong cuốn “Những khoảnh khắc đời người”, ông nhiều lần lên tiếng về tài năng và bệnh nhạt. Theo ông, “đã văn chương nghệ thuật mà lại còn nhạt nữa thì nói thật, khiếp hơn cả trông thấy thằng khủng bố”. Nhà văn Trung Trung Đỉnh đề cao chất khôi hài, hóm hỉnh. “Trong hoàn cảnh nào thì cái chất khôi hài, chất hóm, cái chất tếu táo cũng vẫn cần trong cuộc sống. Thiếu nó, cuộc sống mất duyên, không còn sinh khí. Trong văn chương nghệ thuật mà thiếu chất khôi hài, chất hóm, chất tếu cũng như loài hoa không hương, vẻ đẹp mất đi cái hồn vía lung linh”. Vì thế, nhà văn hóm hỉnh chỉ ra: Thuốc chữa bệnh nhạt, về lý thuyết thì chỉ cần bốc ba vị: “Hóm”, “tếu”, “hài” sao vàng, hạ thổ, sắc đặc, cho uống mỗi thứ một bát là đủ.
Từ quan điểm này, nhà văn Trung Trung Đỉnh viết tập chân dung văn học “Nhà văn thì phải biết đùa”. “Phác họa chân dung mấy ông anh U80 rất đáng yêu mà cũng quá khó. Khó là vì mấy ông anh đều là những cá tính xương xẩu. Rất cởi mở nhưng cũng không dễ thỏa hiệp. Rất thông minh và sắc sảo sẵn sàng chơi tay bo tranh luận đến cùng. Thích và yêu mấy ông anh nên cũng rất chờn mấy ông anh”- nhà văn Trung Trung Đỉnh bày tỏ.
Ở cuốn này, Trung Trung Đỉnh không tham vọng đó là sáng tác văn học mà chỉ "kể chuyện vui vui, mong sao đem được chút chân tình trung thực yêu yêu ghét ghét của một người viết ba chìm bảy nổi chín lênh đênh…". Nhưng thông điệp xuyên suốt mà Trung Trung Đỉnh muốn gửi tới qua những chân dung văn học này, là “chút mong mỏi các bạn đồng nghiệp bơn bớt cái tính nghiêm trọng mà gia tăng chất khôi hài hóm hỉnh. Cuộc đời có lúc làm có lúc giải trí vui chơi, tôi thấy ai hay nghiêm trọng cái gì thì đều khổ về nó”.
Văn chương với người này là sứ mệnh, là cứu rỗi; với người kia có thể đơn thuần là một “trò chơi”. Với Trung Trung Đỉnh, ông quả quyết rằng: “Nhà văn là gì thì cũng trước hết phải là một con người”. Vì thế, những trang viết của ông, dù được viết bởi một giọng tưng tửng, như đùa cợt, như bất cần, nhưng nếu ngẫm kỹ, sẽ thấy lắng sâu sau những “vỏ chữ” ấy là thái độ, là trách nhiệm của người viết.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh tên thật là Phạm Trung Đỉnh. Ông gắn bó máu thịt với đất và người Tây Nguyên, đến mức có thể sử dụng thành thạo cả tiếng Ba Na, Gia Rai. Tây Nguyên là đề tài quen thuộc, trở đi trở lại trong các tác phẩm mang đầy hơi thở núi rừng của Trung Trung Đỉnh - từ ký, truyện ngắn cho tới tiểu thuyết. Bên cạnh mảng đề tài về cuộc sống và chiến đấu của đồng bào Tây Nguyên là những tác phẩm viết về đề tài hậu chiến. Các tác phẩm của ông đã đạt được nhiều giải thưởng, tiêu biểu là: Giải thưởng văn học ASEAN, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2007).
Nhà văn Trung Trung Đỉnh tên thật là Phạm Trung Đỉnh. Ông gắn bó máu thịt với đất và người Tây Nguyên, đến mức có thể sử dụng thành thạo cả tiếng Ba Na, Gia Rai. Tây Nguyên là đề tài quen thuộc, trở đi trở lại trong các tác phẩm mang đầy hơi thở núi rừng của Trung Trung Đỉnh - từ ký, truyện ngắn cho tới tiểu thuyết. Bên cạnh mảng đề tài về cuộc sống và chiến đấu của đồng bào Tây Nguyên là những tác phẩm viết về đề tài hậu chiến. Các tác phẩm của ông đã đạt được nhiều giải thưởng, tiêu biểu là: Giải thưởng văn học ASEAN, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2007). |
Thanh Xuân