Doanh nghiệp lớn "đua" làm thịt sạch

Thị trường thịt gia súc, gia cầm đang được đánh giá có trị giá hàng chục tỷ USD. Gần đây nhiều tập đoàn lớn đã bước vào “cuộc đua” xây dựng thương hiệu và cạnh tranh mở rộng thị phần.

Trào lưu “thịt sạch ngăn mát”

Giữa tháng 9 vừa qua Công ty cổ phần Bapi HAGL - công ty con của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cho ra mắt thương hiệu “heo ăn chuối” Bapi-HAGL. Theo đại diện của doanh nghiệp này, với sản lượng xuất chuồng khoảng 1.000 con/ngày như hiện nay, mục tiêu mà HAGL hướng đến là sẽ mở khoảng 200 cửa hàng bán lẻ thịt lợn (heo) thương hiệu Bapi-HAGL và phấn đấu chạm mốc 1.000 cửa hàng trong năm 2023.

Việc HAGL đầu tư mạnh cho thương hiệu “heo ăn chuối” trong giai đoạn hiện nay, được các chuyên gia đánh giá là chiến lược cạnh tranh khả thi trên thị trường thực phẩm tươi sống có thương hiệu. Trước HAGL xu hướng đầu tư các thương hiệu thịt lợn đã bắt đầu nhộn nhịp với sự góp mặt của hàng loạt các tên tuổi lớn.

Chẳng hạn cuối năm ngoái, Công ty cổ phần Nông nghiệp BAF Việt Nam đã cho ra mắt thương hiệu thịt BAF và nhanh chóng phủ sóng ở 300 cửa hàng Siba Food và Meat Shop trên toàn quốc. Trước nữa, các tập đoàn lớn như: Masan, GreenFeed, Hòa Phát, C.P Việt Nam, CJ Vina, Dabaco… đều đã đầu tư rất mạnh cho các thương hiệu thịt theo quy trình 3F (Feed-Farm-Food). Hầu hết các tập đoàn lớn này đều khá thành công trong việc chiếm lĩnh thị phần bán lẻ thực phẩm thông qua các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị.

doanh nghiep lon dua lam thit sach
Nhiều thương hiệu thịt lợn sạch đang cạnh tranh thị phần trên thị trường tiêu dùng thiết yếu

Đơn cử, với thương hiệu thịt mát MeatDeli, tính đến cuối năm 2021 doanh thu từ mảng thịt lợn của Masan đã vượt mức 10,2 tỷ USD, tăng trưởng ở mức 17,2%. Sau hơn hai năm tung ra thị trường, thương hiệu thịt MeatDeli đã chiếm khoảng 2-3% thị phần thịt lợn tiêu thụ trên cả nước mỗi ngày và có mặt rộng rãi trong toàn hệ thống Winmart và Winmart+ tại các tỉnh, thành phố lớn.

Trong khi đó, C.P Việt Nam trong hai năm gần đây đã không ngừng mở rộng mạng lưới các siêu thị tiện lợi C.P Shop, Fresh Mart và C.P Pork Shop. Tập đoàn này hiện đã bắt tay với các hộ kinh doanh để phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi với phương châm “nhà bạn ở đâu, Pork Shop ở đó”. Đồng thời phát triển trang thương mại Porkshop.vn để thúc đẩy người dân mua thịt lợn C.P và các loại thực phẩm qua hình thức trực tuyến.

Các tập đoàn khác như: GreenFeed, CJ Vina, Dabaco thời gian vừa qua cũng đã lần lượt đầu tư lớn vào các chuỗi cửa hàng tiện lợi, chuyên bán các loại “thịt sạch ngăn mát” như chuỗi siêu thị G-Kitchen, chuỗi cửa hàng Porkshop, Japfa Best. Mỗi chuỗi cửa hàng này đều đang kỳ vọng phát triển từ 50-100 điểm bán hàng và tăng trưởng từ 15-20% sau mỗi năm.

Dư địa tăng trưởng cao

Theo đánh giá của VNDirect Research, với sự tham gia của hàng loạt tập đoàn doanh nghiệp lớn như hiện nay, thị trường thịt sạch từ mô hình 3F sẽ dần thay thế thịt không rõ nguồn gốc. Xu hướng này sẽ phát triển mạnh ở các khu vực thành thị nhờ sự phát triển của thương mại điện tử và sẽ lan tỏa ra các khu vực ven đô và nông thôn, trong vài năm tới.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, hiện nay thịt lợn chiếm khoảng 65 - 70% trong rổ thực phẩm của người Việt. Sản lượng thịt lợn của Việt Nam năm 2021 đạt gần 4,2 triệu tấn và dự kiến sẽ tăng lên 4,7 triệu tấn vào năm 2030, tương ứng với tốc độ tăng trưởng bình quân năm 3,1% trong giai đoạn 2021-2030.

“Với đà tăng trưởng này, mảng thịt lợn ở Việt Nam được coi là “mảnh đất màu mỡ” cho các doanh nghiệp lớn”, ông Chinh nhận định.

Đồng quan điểm, các chuyên gia của Chứng khoán VNDirect cũng đánh giá, giá trị của mảng thịt mát hiện nay ở mức khoảng 10,2 tỷ USD. Mặc dù thị trường đã khá “chật chội”, nhưng phân khúc thịt lợn có thương hiệu tại Việt Nam vẫn còn dư địa tăng trưởng khoảng 10-15% mỗi năm.

Trong vòng khoảng 3-4 năm tới, theo VNDirect xu hướng đầu tư thương hiệu thịt lợn và mở rộng các chuỗi bán lẻ thực phẩm sẽ thu hút nhiều tập đoàn lớn cả trong và ngoài nước tham gia. Trong đó, làn sóng đầu tư vào các nhà máy chế biến thực phẩm và các trang trại nuôi lợn công nghiệp quy mô lớn sẽ diễn ra rộng khắp ở các tỉnh thành có thế mạnh về chăn nuôi lợn như: Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Đồng Nai, Bình Phước…

Thực tế thời gian qua, các dự án chăn nuôi lợn lớn đã thu hút được hàng trăm nghìn tỷ đồng đầu tư từ các tập đoàn doanh nghiệp và tổ chức tài chính quốc tế. Đơn cử, cuối 2021, IFC đã đầu tư 1.000 tỷ đồng cho GreenFeed Việt Nam để phát triển đàn lợn thịt tại Đồng Nai. Vilico đã đầu tư 1.700 tỷ đồng cho dự án trang trại lợn tại Sơn La. Tập đoàn Xuân Thiện và Tập đoàn AVG Capital đã đầu tư hai dự án lớn (2.500 tỷ đồng và 3.220 tỷ đồng) tại Thanh Hóa. Trong khi đó BAF Việt Nam chi 1.200 tỷ đồng cho dự án nuôi lợn tại Nghệ An. Các doanh nghiệp khác như: Japfa Comfeed, New Hope cũng lần lượt đầu tư 4-5 trang trại khép kín tại Gia Lai, Bình Định và Bình Phước…

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi, trong vòng 5 năm gần đây Việt Nam đã thu hút được hơn 80 dự án đầu tư FDI trong lĩnh vực chăn nuôi với tổng vốn đầu tư khoảng 2,2 tỷ USD. Hiện Việt Nam cũng đã ký kết 17 FTA, dự báo trong khoảng 5 năm tới dòng vốn lớn sẽ vẫn được các nhà đầu tư rót vào lĩnh vực chăn nuôi. Bao gồm cả hoạt động đầu tư các nhà máy chế biến xuất khẩu các sản phẩm từ thịt đi các thị trường quốc tế.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/doanh-nghiep-lon-dua-lam-thit-sach-132371.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.