Doanh nghiệp hoãn chào bán cổ phần

Gần đây nhiều doanh nghiệp có kế hoạch phát hành thêm cổ phần đã phải thay đổi, hạ giá chào bán, thậm chí là hủy các kế hoạch phát hành thêm cổ phần để tăng vốn.

Sau khi đạt đỉnh 1.500 điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục suy giảm. Chốt phiên ngày 14/10, VN-Index đạt 1.061,85 điểm, giảm gần 31% tính từ thời điểm đầu năm và nằm trong top 5 thị trường giảm mạnh nhất trên thế giới. Do diễn biến tiêu cực, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ cho biết chỉ trực chờ cơ hội để cắt lỗ, thay vì chi tiền để mua thêm cổ phiếu phát hành. Trước bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp có kế hoạch phát hành thêm cổ phần để tăng vốn trong năm nay cũng đã phải hoãn.

Nối dài danh sách dừng, hoãn chào bán cổ phần

Gần đây nhiều doanh nghiệp có kế hoạch phát hành thêm cổ phần đã phải thay đổi, hạ giá chào bán, thậm chí là hủy các kế hoạch phát hành thêm cổ phần để tăng vốn. Điều này cũng có phần dễ hiểu. Do ảnh hưởng từ sự trồi sụt, rủi ro của thị trường chứng khoán, nhà đầu tư có xu hướng rút tiền từ kênh này để chuyển sang gửi tiền ở các nhà băng, trước bối cảnh hàng loạt nhà băng tăng lãi suất huy động và tiền gửi ngân hàng được đánh giá là kênh sinh lời an toàn nhất hiện nay.

doanh nghiep hoan chao ban co phan
Diễn biến không thuận lợi trên thị trường chứng khoán khiến nhiều doanh nghiệp hủy kế hoạch niêm yết.

Trường hợp điển hình phải kể đến là Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (HoSE: DIG) với kế hoạch phát hành thêm được "nâng lên đặt xuống" nhiều lần. Theo đó, phải đến ĐHĐCĐ bất thường lần 2 (tổ chức ngày 12/10 mới đây), cổ đông DIG mới thông qua tờ trình kế hoạch chào bán 100 triệu cổ phiếu (tỷ lệ chào bán 24,59%) cho các cổ đông hiện hữu, giá chào bán 15.000 đồng/cổ phiếu. Đáng chú ý, mức giá chào bán này thấp hơn 25% so với tờ trình ĐHĐCĐ bất thường lần 1 (20.000 đồng/cổ phiếu) và chỉ bằng một nửa so với kế hoạch thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên.

Tương tự DIG, ĐHĐCĐ bất thường của CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (HoSE:TNH) - tổ chức ngày 10/10, đã thông qua việc dừng thực hiện các phương án phát hành chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và chào bán cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP). Các kế hoạch này đã thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên tháng 5/2022. TNH cho biết nguyên nhân là chưa thống nhất được với một số đối tác nên chưa thể triển khai phương án phát hành.

Một trường hợp khác là HĐQT CTCP Tập đoàn Cienco 4 (UPCOM:C4G) vào tháng 9/2022 khi kết thúc cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2022,C4G đã thông báo tạm dừng đăng ký chào bán thêm cổ phiếu tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Mục đích nhằm cập nhật một số nội dung liên quan đến kiện toàn cơ cấu quản trị và kế hoạch chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng.

Với CTCP Louis Capital (HoSE: TGG), theo tài liệu ĐHĐCĐ bất thường (tổ chức ngày 14/10), công ty bỏ phiếu hủy kế hoạch phát hành 27,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và 27,3 triệu cổ phiếu riêng lẻ với cùng mức giá 12.500 đồng/cổ phiếu. Nguyên nhân là do HĐQT nhận thấy phương án tăng vốn không còn phù hợp với tình hình hiện tại. Điều này có thể hiểu được khi chốt phiên 13/10, thị giá TGG đạt 2.920 đồng/cổ phiếu, thấp hơn gần 77% so với giá phát hành dự kiến.

Ngoài ra, có thể kể đến nhiều trường hợp khác như: CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) tạm hoãn việc chào bán hơn 161,9 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Lý do HAG đưa ra là để điều chỉnh phương án sử dụng vốn chi tiết nhằm đảm bảo phù hợp với nhu cầu thực tiễn và mang lại hiệu quả đầu tư cao nhất cho công ty. CTCP Tập đoàn Sao Mai (HoSE:ASM) hủy phương án phát hành hơn 168 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với lý do kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và thị trường không thuận lợi.

Danh sách các doanh nghiệp tạm hoãn hay dừng chào bán cổ phần còn tiếp tục nối dài với nhiều cái tên khác như: CTCP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang, CTCP Chứng khoán Tiên Phong, CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu, Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện, CTCP Mía đường Lam Sơn, CTCP Tập đoàn Cienco4, Tổng CTCP Y tế Danameco, CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC)…

Doanh nghiệp tránh “chở củi về rừng”

Trên thực tế, làn sóng dừng hoặc tạm hoãn các đợt phát hành thêm cổ phần để tăng vốn đã bắt đầu gợn từ đầu quý II năm nay, khi các doanh nghiệp có dự báo không mấy thuận lợi về triển vọng của thị trường chứng khoán trong năm 2022. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại thì xu hướng này đang ngày càng rõ nét hơn. Bởi lẽ, thị trường chứng khoán vừa chứng kiến các phiên tăng điểm nhẹ hồi tháng 7, tháng 8, sau đó lại giảm điểm trong tháng 9, cho thấy khả năng VN-Index phục hồi mạnh trong năm là rất mong manh. Việc phát hành thêm cổ phiếu trong bối cảnh nhà đầu tư chủ yếu chờ nhịp phục hồi để bán ra chẳng khác nào “chở củi về rừng”.

Theo FiinGroup, năm 2021 là năm kỷ lục khi các doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết đã thực hiện phát hành cổ phiếu huy động khoảng 100.600 tỷ đồng, tương đương 56% tổng lượng vốn dự kiến huy động trên thị trường chứng khoán. Năm 2021 các kế hoạch huy động vốn gặp nhiều thuận lợi nhờ dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân tăng gấp 7 lần so với năm 2020. Khi thị trường đang trên đà đi lên, dòng tiền nhàn rỗi là sẵn có, thì doanh nghiệp phát hành cổ phiếu để tăng vốn thường rất dễ dàng. Song thời cơ vàng đã tạm qua đi trong năm nay.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia kinh tế, thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế, để doanh nghiệp phục vụ cho các kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hơi, nên việc doanh nghiệp phát hành thêm thường không tương quan nhiều với xu hướng hiện tại của thị trường.

Vị này phân tích, khi doanh nghiệp phát hành thêm cổ phần tăng vốn thường sẽ có kế hoạch kinh doanh trong tương lai 5-10 năm để thuyết trình và thuyết phục cổ đông. Các kế hoạch kinh doanh này cần tầm nhìn dài hạn và không nên chỉ nhìn vào bối cảnh hiện tại của nền kinh tế để đánh giá. Nói cách khác, ngay cả khi thị trường ở thời điểm hiện tại đang suy giảm nhưng nếu chiến lược kinh doanh mà doanh nghiệp đưa ra là có triển vọng tốt thì việc huy động vốn thông qua chào bán thêm cổ phiếu vẫn là khả thi.

“Vấn đề ở đây là thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng quá nhiều vì yếu tố tâm lý, khiến việc doanh nghiệp chào bán vào thời điểm này thường gây tâm lý phản cảm cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ, khiến họ nghĩ rằng tài khoản đã “cháy” còn bị doanh nghiệp đào thêm”, vị này ví von để lý giải thêm cho việc vì sao hàng loạt doanh nghiệp dừng hoặc hoãn kế hoạch chào bán cổ phần để tăng vốn.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/doanh-nghiep-hoan-chao-ban-co-phan-132370.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.