Chủ tịch VCCI: Đề cao đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh của người Việt
10:12 | 13/10/2022
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công đã chia sẻ và đánh giá cao những nỗ lực vượt khó, niềm tin về cộng đồng doanh nghiệp, lan tỏa truyền cảm hứng trong các thế hệ doanh nhân Việt Nam về đạo đức, tinh thần, văn hóa kinh doanh của người Việt.
![]() |
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công |
Đại dịch Covid-19 có thể coi như một lần “thử lửa” đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Chia sẻ của ông về sự đồng hành của Chính phủ và sự đóng góp của doanh nghiệp đối với nền kinh tế thời gian qua?
Sự đồng hành của Chính phủ và các cơ quan với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch Covid-19, đó là sự đồng hành khăng khít, kề vai sát cánh.
Quay lại thời điểm đại dịch đang bùng phát, mỗi ngày VCCI nhận được hàng trăm phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, đại sứ quán các nước nơi có doanh nghiệp FDI của họ ở Việt Nam. VCCI đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triệu tập Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp toàn quốc, giao VCCI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Văn phòng Chính phủ triển khai. Đây là hội nghị lớn, quy mô toàn quốc với sự tham gia của lãnh đạo 63 tỉnh thành. Đây được xem như là "cuộc giải cứu" cho doanh nghiệp “thoát” vòng vây của dịch Covid-19 lúc bấy giờ.
Điều này cho thấy Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt, kịp thời, sáng tạo và đặc biệt lắng nghe các doanh nghiệp, sau đó đưa ra 3 quyết sách lớn. Một là chuyển chiến lược phòng, chống dịch từ zero-covid sang thích ứng, linh hoạt và chúng ta ứng phó với dịch, sống cùng với dịch. Tiếp theo đó là việc tổ chức tiêm vaccine kịp thời, khẩn trương đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển hậu Covid-19.
Đấy là những chính sách rất lớn, giúp doanh nghiệp bảo toàn lực lượng, không bị đứt gãy trong sản xuất. Chúng ta cũng có một giai đoạn ngắn nhưng so với thế giới, Việt Nam chúng ta làm rất tốt, sự đứt gãy là không lớn. Điều này đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi, chiếm được vị trí mới trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.
Về phía doanh nghiệp, trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn nhưng với tinh thần dân tộc cao, đặc biệt là bản sắc của doanh nhân Việt Nam là sáng tạo, năng động, đã đồng hành với Chính phủ, chia sẻ những khó khăn, đóng góp các nguồn lực lớn cho hoạt động phòng, chống dịch như Quỹ vaccine cho đến các nguồn lực về vật chất, con người, tổ chức "3 tại chỗ", duy trì sản xuất, kinh doanh, việc làm cho người lao động, ổn định xã hội.
Nghị quyết 128 ngày 1/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh đã được triển khai. Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành khá đồng bộ các cơ chế, chính sách, trong đó có giải pháp về tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về tác động của các chính sách này?
Tròn một năm Nghị quyết 128 ra đời, đó là một năm hết sức khó khăn. Cộng đồng doanh nghiệp rất cảm ơn Chính phủ cầu thị, rất lắng nghe, rất quyết liệt, nhanh chóng.
Đặc biệt Chính phủ đã kịp thời có các quyết sách và giải pháp ban hành đúng lúc và rất trúng cho doanh nghiệp. Đây là việc rất đáng ghi nhận trong giai đoạn vừa qua. Chúng ta thấy sự sáng tạo, kịp thời trong các giải pháp chưa từng có tiền lệ. Nhờ đó, cả Chính phủ cũng như doanh nghiệp đã "biến nguy thành cơ" rất thành công. Kết quả là nền kinh tế tăng trưởng, doanh nghiệp phát triển và phục hồi rất tốt, rất nhanh sau khi kiểm soát được dịch.
Một điểm nữa tôi muốn nêu trong nỗ lực của Chính phủ, đó là tinh thần rất lắng nghe, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh. Thủ tướng liên tục có các cuộc gặp gỡ doanh nghiệp, lắng nghe phản ánh, từ đó có quyết sách kịp thời.
Chính nhờ quyết sách ấy và sự quyết liệt của Chính phủ đã giúp bảo toàn năng lực cho doanh nghiệp hiện nay không đổ vỡ quá nhiều trong đại dịch vừa rồi. Đặc biệt là các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, giúp khách hàng được cơ cấu lại nợ phù hợp với dòng tiền mà không bị chuyển sang nhóm nợ có mức độ rủi ro cao hơn.
Điều này giúp doanh nghiệp phục hồi, hỗ trợ đào tạo lại cho lao động để chớp lấy cơ hội khi chuỗi sản xuất toàn cầu bị đứt gẫy, có khoảng trống thì doanh nghiệp Việt Nam kịp thời điền vào chỗ trống, giành được vị trí, từ đó sản xuất, xuất khẩu của chúng ta mới tăng trưởng nhanh. Chúng ta thấy, kết quả là quý III tăng trưởng lớn.
Dưới góc độ quản lý doanh nghiệp, theo ông điểm nghẽn lớn nhất cần tháo gỡ hiện nay là gì?
Sau đại dịch, cơ hội mở ra rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Đó là những cơ hội thị trường mới ở cả trong nước và quốc tế, có những chuỗi cung ứng của nước ngoài vào Việt Nam bị đứt gãy thì chính cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập. Do đó doanh nghiệp Việt Nam phải nhanh chóng tìm cơ hội và tạo năng lực cho mình, và ở đây cũng cần sự đồng hành của Chính phủ.
Trong nền kinh tế thị trường, yêu cầu đặt ra là phải thông suốt về tài chính tiền tệ, lưu thông hàng hoá, đặc biệt là nhân lực. Thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp hiện nay là làm sao có đủ nhân lực để đáp ứng các đơn hàng, nắm bắt được các cơ hội.
Tiếp theo là chuyển đổi số, chúng ta cũng phải coi đại dịch vừa qua và giai đoạn phục hồi này là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp bật lên thực hiện việc chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.
Rất nhiều cơ hội đặt ra nhưng cũng không ít thách thức chưa tính đến đó là chúng ta phải có tầm nhìn xa, hướng tới tương lai, khát vọng năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao, năm 2045 trở thành quốc gia có thu nhập cao. Để chuẩn bị cho hành trang lớn này, doanh nghiệp phải tính đến mục tiêu lớn đó, chứ không phải giải quyết khó khăn trước mắt.
![]() |
Xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh xứng tầm với một quốc gia phát triển và ngang tầm với các nước văn minh nhất trên thế giới. |
Năm 2022, lần đầu tiên Danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu được bình xét dựa nhiều hơn vào tiêu chí văn hóa, đạo đức doanh nhân, tuân thủ pháp luật, trách nhiệm xã hội. VCCI muốn gửi gắm thông điệp gì, thưa ông?
Có hai điều chúng tôi mong muốn đặt nền móng vào thời điểm này. Đó là xây dựng niềm tin về cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam; và truyền cảm hứng trong các thế hệ doanh nhân Việt Nam về đạo đức, tinh thần, văn hóa kinh doanh của người Việt.
Doanh nghiệp các nước, đặc biệt các nước phát triển, phát huy rất tốt nguồn lực đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh. Doanh nghiệp Việt Nam rất tiếc trong giai đoạn vừa rồi chưa quan tâm nguồn lực này. Cái đó cũng đúng thôi vì chúng ta mới bước sang kinh tế thị trường được mấy chục năm và chúng ta vẫn đang trong giai đoạn "học bài" nên phải nhìn sang các nước và thấy rằng đây là nguồn lực to lớn và uy tín sẽ tạo ra sức hấp dẫn của sản phẩm.
Vì sao chúng ta thấy mỗi lần iPhone mở bán thì người ta xếp hàng? Đây phải chăng cũng là chữ tín và đạo đức, văn hoá kinh doanh của họ.
Người tiêu dùng mua sản phẩm một phần, nhưng phần lớn là họ đặt niềm tin vào doanh nghiệp về chất lượng, giá trị, đẳng cấp của sản phẩm, dịch vụ. Niềm tin mà khách hàng dành cho doanh nghiệp chính là giá trị kết tinh của văn hóa và đạo đức kinh doanh. Cả triệu doanh nghiệp Việt kết tinh được niềm tin, thì GDP của Việt Nam sẽ nhanh chóng vượt qua con số 400 tỷ USD hiện nay.
Doanh nghiệp chúng ta trong giai đoạn sắp tới, cấp bách để cạnh tranh thành công thì phải quan tâm đến vấn đề đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh. Còn với tầm nhìn xa, để trở thành quốc gia phát triển văn minh, sánh vai các cường quốc mà chúng ta đang hướng tới thì phải xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh xứng tầm với một quốc gia phát triển và ngang tầm với các nước văn minh nhất trên thế giới.
Do đó, đây vừa là vấn đề cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược trong xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh. Chính vì vậy, VCCI trong nhiệm kỳ này đã coi đây là nhiệm vụ chiến lược, đã công bố 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam. Đây là câu chuyện không chỉ một con người, một tổ chức có thể làm được mà toàn bộ xã hội, toàn bộ hệ thống, trong đó đầu tiên là giới doanh nhân Việt Nam phải tiên phong thực hiện.
Như vậy, nếu môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch, thì doanh nhân cũng sẽ thực hành đạo đức, văn hóa kinh doanh một cách trách nhiệm hơn, thưa ông?
Môi trường kinh doanh như là nước, nước có tốt thì cá mới lớn nhanh, phát triển mạnh được, ngược lại, nước xấu thì cá bỏ đi. Phải khẳng định là, thể chế có vai trò quan trọng trong thúc đẩy đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh, làm thay đổi hành vi của thị trường, của người tiêu dùng.
Trong giai đoạn vừa qua, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã cầu thị lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp, doanh nhân và môi trường kinh doanh đang được cải thiện, vận hành theo xu thế ngày càng tốt lên.Trong các chính sách, giải pháp để phục hồi, phát triển kinh tế, một số chính sách triển khai tốt như giãn, hoãn thời gian nộp thuế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong giai đoạn phục hồi và phát triển tới đây, doanh nghiệp rất cần sức và lực để vượt lên, đủ sức chiếm các vị trí mới trong chuỗi giá trị toàn cầu, nên họ cần sự hỗ trợ, hậu thuẫn kịp thời của cơ chế, chính sách.
Chúng ta phải xác định rõ, để thực hiện các mục tiêu phát triển đến năm 2030, đến năm 2045, thì cần đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân tương xứng.
Vì vậy, tôi mong muốn và kêu gọi các doanh nhân luôn nêu cao tinh thần dân tộc, trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, cùng hun đúc và lan tỏa các giá trị đạo đức doanh nhân, xây dựng doanh nghiệp vững mạnh, quốc gia hùng cường, thịnh vượng; tiếp tục thể hiện trách nhiệm, phát triển bền vững doanh nghiệp của mình và dẫn dắt cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam phát triển.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ngày 19/5/2022, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, VCCI đã công bố và phát động thực hiện 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, gồm: (1) Tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội, (2) Tuân thủ pháp luật, (3) Minh bạch, công bằng, liêm chính, (4) Sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển, (5) Tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường, (6) Yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình. |
Thái Hoàng