Giá cước nơi giảm, nơi đứng yên
Theo dữ liệu được Bộ Công Thương cập nhật, giá xăng RON92 nhập tại Singapore là 87,5 USD/thùng, còn giá xăng RON95 là 91,01 USD/thùng. Như vậy, nếu trừ đi thuế bảo vệ môi trường là 3.300 đồng thì giá xăng nhập hiện chỉ ở mức 18.645 đồng/lít. Do đó, một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối dự báo, giá xăng bán lẻ trong nước đang đứng trước cơ hội giảm mạnh trong kỳ điều hành giá tới đây nhờ giá dầu thế giới và giá xăng dầu nhập khẩu tại Singapore liên tục hạ nhiệt. Mức giảm phụ thuộc vào việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG).
Dù giá xăng, dầu - một trong những cấu phần quan trọng tạo thành giá cước vận tải - vẫn giữ vững đà giảm sâu, nhưng giá cước vận tải lại giảm “nhỏ giọt”, không có nhiều thay đổi.
![]() |
Các doanh nghiệp vận tải cần chấp hành kê khai giá cước vận tải. |
Bộ Giao thông - Vận tải cho biết, hiện có khoảng 64% các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe taxi hiện đã giảm hoặc đã thực hiện kê khai giảm giá từ 800 đến 1.000 đồng/km, tương đương từ 4,5-12%; 44,6% đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định cũng giảm giá từ 5,2% trở lên; các loại hình vận tải du lịch, các công ty vận tải đường sắt cũng đã thực hiện giảm giá cước vận tải hàng hóa 5%...
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn không ít đơn vị cung ứng dịch vụ vận tải mới chỉ giảm giá trên “dự định” vì chờ diễn biến của kỳ điều chỉnh giá tiếp theo. Thậm chí, một số doanh nghiệp vận tải vẫn duy trì mức cước cao với lý do để bù lỗ cho thời điểm khó khăn trước đó.
Ông Nguyễn Thanh Quang, chủ một hãng xe vận tải hành khách tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh cho biết, giá vé của tuyến xe khách đường dài còn bao gồm cả tiền ăn 4 bữa cho hành khách, giá xăng giảm nhưng giá dịch vụ ăn uống, bến bãi, cầu đường, lương lái xe… chưa giảm. Trong khi đó, tỷ lệ lấp đầy chỗ của xe tuyến mới chỉ khoảng 40%, có những lúc ít khách, hãng xe còn phải bù lỗ hơn 21 triệu đồng/chuyến.
Các chuyên gia nhận định, giá xăng dầu, cước vận tải giảm góp phần hóa giải áp lực lạm phát. Tuy nhiên, hiện giá cước vận tải giảm chưa tương xứng với đà giảm sâu của giá xăng, dầu trong thời gian qua.
Doanh nghiệp gặp khó trong điều chỉnh giá
Lý giải nguyên nhân gây khó khăn khi giảm giá cước vận tải, ông Bùi Danh Liên, đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội chia sẻ, mỗi lần điều chỉnh giá cước, doanh nghiệp đều phải qua nhiều bước về quy trình quản lý giá, như kê khai giá, niêm yết giá cước, thay đổi đồng hồ tính cước (với taxi), in giá vé mới..., tốn nhiều thời gian và chi phí (tổng mức phí để thực hiện là 150.000 đồng/xe). Bên cạnh đó, đại diện Hiệp hội còn khẳng định, giá cước vận tải taxi không thể điều chỉnh theo chu kỳ 10 ngày như giá xăng nên các hãng sẽ "nghe ngóng" thêm tình hình.
Ngoài ra, đại diện một doanh nghiệp vận tải hành khách còn phân tích, việc định giá cước khác nhau giữa các đơn vị vận tải ô tô tùy thuộc đặc điểm kinh doanh từng đơn vị, từng thời điểm, từng quy mô hoạt động, khả năng quản trị mà đơn vị tính toán giá cước để vừa cạnh tranh, thu hút kích cầu tiêu dùng, vừa phát triển thị trường. Trong đó, xăng dầu chỉ là một trong số những chi phí cấu thành lên giá cước vận tải. Mỗi doanh nghiệp sẽ phải tự cân đối để quyết định giảm hay không giảm giá cước để đảm bảo nguồn thu.
Để quản lý giá cước vận tải theo kịp với diễn biến của thị trường, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông - Vận tải và các địa phương đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu đơn vị vận tải kê khai giảm giá cước, tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Đồng thời, liên Bộ Tài chính, Giao thông - Vận tải đang tổng hợp ý kiến các địa phương và cơ quan liên quan đối với dự thảo Thông tư liên tịch sửa đổi, bổ sung một số Điều tại Thông tư liên tịch số 152/TTLT-BTC-BGTVT ngày 15/2/2014 hướng dẫn thực hiện giá cước vận tải bằng xe ô tô và giá dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ; bổ sung quy định yêu cầu các đơn vị vận tải phải kịp thời giảm giá cước phù hợp với diễn biến giảm của chi phí nhiên liệu. Quy định này nhằm hạn chế tình trạng đơn vị vận tải chậm giảm giá cước khi giá nhiên liệu giảm sâu.
Một số chuyên gia đề xuất, các cơ quan quản lý cần tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng, dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistics để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng, dầu; tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết… Bản thân các doanh nghiệp vận tải cũng cần nâng cao ý thức trong việc chấp hành kê khai giá cước vận tải và chủ động điều chỉnh giá cước vận tải theo sát diễn biến của thị trường.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/vi-sao-cuoc-van-tai-kho-giam-131841.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.