Địa phương đồng loạt hỗ trợ
UBND TP.HCM mới đây đã ban hành kế hoạch hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2022-2025. Theo đó, gần 20 làng nghề truyền thống có cơ hội được tháo gỡ những khó khăn về nguồn vốn, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thành phố sẽ triển khai nhiều chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng nhằm hỗ trợ bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, như: làng nghề sản xuất bánh tráng, nghề đan lát, sản xuất mành trúc (tại huyện Củ Chi); làng nghề trồng mai, xe nhang (tại Bình Chánh); làng nghề sản xuất muối, chế biến khô hải sản (Cần Giờ)…
Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM cho biết, ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ tài chính để các làng nghề đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đào tạo nhân lực, triển khai xúc tiến thương mại...; đồng thời tạo điều kiện để các cơ sở ngành nghề tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi qua chương trình của UBND thành phố và các chương trình cho vay ưu đãi lãi suất theo Nghị định 55/2015 và Nghị định 116/2018 của Chính phủ.
![]() |
Vốn ngân hàng đã khôi phục nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh ở nông thôn. |
Không chỉ TP.HCM, các tỉnh, thành khác tại phía Nam như: Bình Thuận, Đồng Nai, Vũng Tàu, Long An, An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp… đều ban hành các quyết định hỗ trợ các làng nghề truyền thống nhằm khôi phục sản xuất thương mại các sản phẩm đặc sản và thúc đẩy Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Đơn cử tại Long An, với Quyết định 47/2022, địa phương này hỗ trợ từ 30-50 triệu đồng cho mỗi làng nghề truyền thống; hỗ trợ 60% kinh phí đầu tư (không quá 5 tỷ đồng/dự án) nếu các làng nghề phát triển các kế hoạch sản xuất kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường, gắn với du lịch xanh và tạo ra công ăn việc làm cho lao động nông thôn.
Hay tại An Giang, với Kế hoạch 591/2022, tỉnh này trích ngân sách và lồng ghép kinh phí từ hàng loạt chương trình nhằm hỗ trợ các làng nghề xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xúc tiến thương mại; phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng đặc sản theo mô hình khép kín kết hợp thương mại điện tử.
Tại Bình Dương, một số làng nghề còn được địa phương đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhằm bảo tồn và phát triển các sản phẩm văn hóa truyền thống, như làng nghề sơn mài tại Tương Hiệp Bình (Thủ Dầu Một, Bình Dương), làng nghề đúc đồng xóm Chuông (Long Điền, Bà Rịa - Vũng Tàu)…
Ngân hàng chủ động vào cuộc
Theo ghi nhận của phóng viên Thời báo Ngân hàng, cơ chế hỗ trợ các địa phương trong hoạt động khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống đang được hệ thống các ngân hàng triển khai khá tích cực. Đặc biệt, Agribank, Ngân hàng Chính sách Xã hội và một số quỹ tài chính vi mô đã tham gia khá sâu vào các chương trình OCOP, đồng thời phối hợp cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi với các cơ sở ngành nghề truyền thống.
Ông Hoàng Xuân Nhật, Phó Giám đốc Agribank tỉnh Đồng Nai cho hay, mảng tín dụng đối với hợp tác xã, làng nghề được các chi nhánh cấp huyện và các tổ vay vốn thông qua đoàn, hội phát triển khá mạnh. Trong đó, hàng trăm hộ dân và doanh nghiệp tại làng nghề gỗ Hố Nai, làng gốm Tân Vạn, làng điêu khắc đá Bửu Long (Biên Hòa) đã tiếp cận được các khoản hỗ trợ lãi suất do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nay đã tiếp tục được giải ngân vốn vay từ chương trình hỗ trợ lãi suất 2% để chuẩn bị các đơn hàng phục vụ mùa kinh doanh cuối năm.
Tương tự, ông Vũ Hồng Dụ, Giám đốc Agribank tỉnh Bến Tre cũng cho biết, đến tháng 8/2022, dư nợ cho vay chương trình OCOP đã giải ngân khoảng 4.600 tỷ đồng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh các sản phẩm đặc sản.
Thông qua hỗ trợ vốn của Agribank các chuỗi giá trị ngành hàng dừa tại Bến Tre đã được thành lập và hàng chục làng nghề đã đưa được sản phẩm đăng ký theo Chương trình OCOP của Chính phủ để hưởng các ưu đãi về tài chính và hỗ trợ khác về thuế, phí.
Ngoài hoạt động tài trợ vốn, việc tham gia của các NHTM và trung gian thanh toán đối với các kế hoạch khôi phục, phát triển các làng nghề truyền thống cũng được ghi nhận tích cực ở mảng hỗ trợ thanh toán trực tuyến, xúc tiến xây dựng thương hiệu và thúc đẩy thương mại điện tử.
Nhiều cơ sở kinh doanh lâu đời tại các làng nghề truyền thống ở Củ Chi, Thủ Đức (TP.HCM), Biên Hòa, Trảng Bom (Đồng Nai), Sa Đéc, Cao Lãnh (Đồng Tháp), Cái Răng (Cần Thơ)… đã tiếp cận các dịch vụ tài chính số phục vụ thanh toán không tiền mặt và đưa sản phẩm vào các trang thương mại điện tử.
Thực tế cho thấy, cơ chế khuyến khích phát triển các ngành nghề nông thôn, cộng với sự chuyển hướng chủ động của các làng nghề trong việc phối hợp phát triển du lịch xanh, phát triển thương mại điện tử... khả năng tiếp cận vốn đầu tư, vốn tín dụng của nhiều cơ sở ngành nghề truyền thống đã được cải thiện, góp phần duy trì, phát triển nghề truyền thống, sản vật địa phương.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/hop-suc-khoi-phuc-lang-nghe-131650.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.