Những năm qua, chính quyền TP. Đà Nẵng dành sự quan tâm lớn cả về chính sách và nguồn lực, cùng với sự tham gia của các cấp chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội nhằm đảm bảo sinh kế cho người dân theo hướng bền vững. Các chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”, “Thành phố 4 an” được xây dựng và triển khai thực hiện, đến nay mang lại nhiều giá trị nhân văn và tạo thương hiệu riêng cho Đà Nẵng trở thành “Thành phố đáng sống”.
![]() |
UBND TP. Đà Nẵng tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp đối với công tác tín dụng chính sách |
Để đạt được mục tiêu đặt ra, Đà Nẵng xác định một trong các giải pháp quan trọng thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội đó là sử dụng hiệu quả nguồn lực tín dụng chính sách xã hội thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).
Trong căn hộ mơ ước tại Khu chung cư Phong Bắc (Cẩm Lệ) của chị Lê Thị Mai, công tác tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng rất hạnh phúc khi là một trong những người được hưởng thụ vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Cách đây 4 năm, chị Lê Thị Mai đã được vay vốn NHCSXH để mua nhà ở xã hội, qua đó chấm dứt một thời gian dài ở trọ trong các căn phòng trọ nhỏ hẹp, ẩm thấp. Chương trình vay vốn đã giúp tôi an cư lạc nghiệp, một khát vọng của không biết bao nhiêu người có cùng cảnh ngộ... “Nhìn lại khoảng thời gian, tôi thấy mình thực sự may mắn và luôn biết ơn các cấp chính quyền đã giúp đỡ, hỗ trợ và xét duyệt cho tôi được hưởng thụ chương trình vay vốn nhà ở xã hội này”, chị Lê Thị Mai bày tỏ.
Trường hợp của chị Lê Thị Mai là một minh chứng rõ nét trong hàng chục ngàn trường hợp được hưởng thụ từ các chương trinh vay vốn chính sách xã hội được triển khai trên địa bàn TP. Đà Nẵng trong 20 năm qua.
Ông Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc NHCSXH TP. Đà Nẵng cho biết, thực hiện chỉ đạo của NHCSXH Trung ương, chi nhánh thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh giúp cho việc quản lý vốn tín dụng chính sách được công khai hóa, dân chủ hoá, xã hội hoá, để cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay thuận tiện, nhanh chóng.
Phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội gắn với thực hiện bình xét cho vay tại các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) dưới sự chứng kiến tổ chức chính trị - xã hội cấp xã và Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng thôn, Ngân hàng giải ngân trực tiếp cho người vay tại điểm giao dịch xã, phường huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đảm bảo vốn tín dụng chính sách đến đúng các đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch và kịp thời.
Thông qua phương thức này, tổ chức chính trị - xã hội có điều kiện lồng ghép hiệu quả chương trình tín dụng với các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, khuyến công, chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp người dân biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội; góp phần nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách, hoạt động của tổ chức hội đoàn thể được mở rộng, phong phú, uy tín của các hội đoàn thể được nâng lên, từ đó góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở...
Theo ông Chung, tính đến ngày 31/8/2022, tổng dư nợ ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội là 3.653 tỷ đồng với 77.886 khách hàng đang vay vốn, chiếm tỷ trọng 97,24% trên tổng dư nợ tín dụng chính sách. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ quản lý 1.309 tỷ đồng với 28.785 khách hàng đang vay vốn tại 678 Tổ TK&VV, chiếm tỷ trọng 36% trên dư nợ ủy thác cho vay; Hội Nông dân quản lý 818 tỷ đồng với 17.351 khách hàng đang vay vốn tại 400 Tổ TK&VV, chiếm tỷ trọng 22% trên dư nợ ủy thác cho vay; Hội Cựu chiến binh quản lý 834 tỷ đồng với 17.136 khách hàng đang vay vốn tại 400 Tổ TK&VV, chiếm tỷ trọng 23% trên dư nợ ủy thác cho vay; Đoàn Thanh niên quản lý 692 tỷ đồng với 14.614 khách hàng đang vay vốn tại 334 Tổ TK&VV, chiếm tỷ trọng 19% trên dư nợ ủy thác cho vay.
Ngoài việc cho vay qua các tổ chức hội đoàn thể, NHCSXH còn cho vay trực tiếp một số chương trình tín dụng như cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, cho vay DNNVV, cho vay cán bộ công chức có hoàn cảnh khó khăn, cho vay HSSV mồ côi. Tổng dư nợ cho vay trực tiếp đến nay khoảng 104 tỷ đồng, với 1.343 khách hàng còn dư nợ.
Để đảm bảo nguồn vốn cho vay bền vững, chi nhánh tập trung huy động các nguồn lực tài chính đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Qua 20 năm hoạt động, nguồn vốn của chi nhánh tăng trưởng, với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 18,68%; các chương trình cho vay được mở rộng. Từ nguồn vốn khi nhận bàn giao 129,7 tỷ đồng thì đến nay tổng nguồn vốn đạt 3.768 tỷ đồng, tăng 3.638 tỷ đồng so với năm 2002.
![]() |
Ban lãnh đạo NHCSXH Chi nhánh đón nhận Cờ thi đua của UBND TP. Đà Nẵng |
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, Trưởng Ban đại diện NHCSXH TP. Đà Nẵng cho rằng, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn không ngừng tăng trưởng, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cơ cấu nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương. Nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách địa phương, thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
Theo ông Minh, kể từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, UBND các cấp của Thành phố đã cân đối ngân sách chuyển 1.603 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, góp phần thực hiện các mục tiêu hàng năm về giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Có thể nói, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ trong thời gian qua đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn cho người nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn, được bảo toàn và không ngừng phát triển.
Cùng đó, chi nhánh thực hiện cho vay đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác đạt hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Để đạt được thành quả ấy, theo ông Đoàn Ngọc Chung, ngay sau khi thành lập, chi nhánh triển khai ngay hoạt động, tiếp nhận bàn giao chương trình cho vay giải quyết việc làm; cho vay HSSV; cho vay hộ nghèo. Công tác nhận bàn giao được triển khai kịp thời, nhanh chóng trên cơ sở nhận nguyên trạng hồ sơ. Từ 3 chương trình tín dụng chính sách ban đầu đến nay, trên địa bàn đang thực hiện 14 chương trình tín dụng chính sách, với dư nợ 3.756,8 tỷ đồng, tăng 3.640 tỷ đồng so với năm 2002.
Trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, toàn thành phố có 422.602 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay 9.801 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 6.151 tỷ đồng.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân hàng năm 19,4%; hiện còn 88.177 hộ nghèo và đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ vốn vay; dư nợ bình quân 42,6 triệu đồng/khách hàng.
Dư nợ tập trung vào một số chương trình tín dụng chính sách chủ yếu như: cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 68%; cho vay nhà ở xã hội chiếm tỷ trọng 12%; cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo chiếm tỷ trọng 8%; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chiếm tỷ trọng 4%…
![]() |
Toàn cảnh hội nghị |
Vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 100% xã, phường. 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận với các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Giai đoạn 2003- 2022, NHCSXH cho vay 199.518 lượt hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo bổ sung nguồn vốn sản xuất kinh doanh, vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo bền vững; duy trì, mở rộng và tạo việc làm mới cho 158.592 lao động; 67.766 HSSV được vay vốn để trang trải chi phí học tập; cho vay xây dựng 51.765 công trình nước sạch, công trình vệ sinh môi trường ở huyện Hòa Vang; 162 người lao động vay vốn đi xuất khẩu lao động; 261 hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lụt khu vực miền Trung; 88 doanh nghiệp vay vốn vừa và nhỏ vay vốn sản xuất kinh doanh; 1.396 khách hàng vay vốn mua nhà ở xã hội, xây dựng mới, sửa chữa nhà để ở; 98 lượt DN trên địa bàn vay vốn trả lương 11.899 lượt lao động; cho vay 83 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập...
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng biểu dương nỗ lực của NHCSXH, các tổ chức hội, đoàn thể chính trị - xã hội, các chính quyền địa phương đã không ngừng nổ lực, tâm huyết trong việc triển khai thực hiện các chính sách tín dụng chính sách xã hội. Góp phần to lớn vào công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
"Có thể nói, tín dụng chính sách xã hội tạo điều kiện cho hộ gia đình phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần cải thiện ổn định đời sống của người nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo, hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu của người dân về đời sống sinh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích HSSV vươn lên trong học tập tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nhiều hộ gia đình có chỗ ở ổn định. Thông qua các chương trình tín dụng chính sách xã hội góp phần cùng thành phố hoàn thành vượt kế hoạch giảm nghèo hàng năm, một số chương trình cho vay đối với các đối tượng yếu thế hoàn lương, sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng rất nhân bản và thấm đẫm nhân văn...", ông Lương Nguyễn Minh Triết nói và cho rằng, vốn tín dụng chính sách góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng. Từ đó, từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Tổng giám đốc NHSCXH nhấn mạnh, chính sách tin dụng chính sách xã hội đã được Đảng, Chính phủ quan tâm sâu sắc. Hoạt động tín dụng chính sách trong 20 năm đã từng bước phát huy hiệu quả, là điểm sáng trong công tác giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống người dân trong cả nước.
Thay mặt Lãnh đạo NHCSXH, bà Hằng ghi nhận và hoan nghênh những kết quả đạt được của Đà Nẫng trong 20 năm triển khai thực hiện Quyết đinhn 78. Những năm qua, Đà Nẵng có sự phát triển vượt bậc, trong đó có sự đóng góp quan trọng từ hoạt động tín dụng chính sách. Nhiều hộ điển hình vươn lên thoát nghèo được báo cáo tại hội nghị lần này là hình ảnh rõ nét về hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách. Kết quả hoạt động của NHCSXH Đà Nẵng đạt được trong thời gian qua là rất tích cực. Có được kết quả đó, chính nhờ sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Thành ủy, UBND TP. Đà Nẵng, cùng với sự đồng hành của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác triển khai thực hiện hoạt động tín dụng chính sách xã hội tại địa phương...
Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tín dụng chính sách xã hội góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước đề ra, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/da-nang-tong-ket-20-nam-trien-khai-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-131400.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.