Mở đường chinh phục “biển lớn”
Theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm và đưa thuế suất về 0% sau 3 - 5 năm, điều này đã mở ra nhiều cơ hội cạnh tranh hơn cho gạo Việt tại thị trường EU. Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8 vừa qua, Việt Nam đã xuất khẩu 17.971 tấn gạo sang châu Âu, trị giá hơn 12,3 triệu USD, tăng 20,47% về lượng và 22,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Điều này đã giúp gạo Việt xuất hiện ngày càng nhiều trên các kệ hàng tại EU.
Mới đây, tại Pháp, sản phẩm gạo “Cơm Việt Nam” đã chính thức lên kệ tại hơn 700 siêu thị E. Leclerc và được phân phối bởi 253 đại siêu thị và hơn 3.000 siêu thị, cửa hàng tiện ích trên toàn quốc thuộc hệ thống phân phối Carrefour. Cũng trong thời gian này, doanh nghiệp của ông Hồ Quang Trí tại Sóc Trăng đã ký kết phân phối độc quyền gạo ST25 ở thị trường Anh. Đây là những minh chứng rõ nét nhất cho việc gạo Việt đã khẳng định được chất lượng và vị thế trên thương trường, chính thức gia nhập vào các hệ thống phân phối lớn tại các thị trường cao cấp.
![]() |
Việt Nam đứng thứ 15 trong các nước xuất khẩu gạo sang thị trường Anh. |
Hơn nữa, việc đầu tháng 9 vừa qua, Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với các loại gạo xuất khẩu là cơ hội để gạo của Việt Nam gia tăng cả về lượng số đơn hàng và giá gạo xuất khẩu, trong đó có thị trường EU. Các doanh nghiệp Việt đã ghi nhận số lượng đơn hàng tăng đột biến từ các đối tác quốc tế.
Đánh giá về vấn đề này, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt 479 USD/tấn, giảm hơn 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu không có bất thường thời tiết và thị trường, trong năm 2022, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ đạt 6,5 - 6,7 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3,2 - 3,3 tỷ USD.
Tạo thương hiệu từ những thị trường “khó tính” nhất
Bên cạnh những cơ hội thì xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bà Đỗ Thị Bích Thủy, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) phân tích, do nhiều yếu tố và yêu cầu khắt khe của thị trường về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, hiện nhiều nước có xu hướng tự cung tự cấp lúa gạo, hạn chế nhập khẩu. Đây là những tác động ảnh hưởng đến quá trình xuất khẩu gạo của Việt Nam. Hơn nữa, một số nước tăng cường áp dụng công nghệ, khoa học vào sản xuất gạo để nâng cao năng suất. Điều này khiến thị trường lúa gạo của Việt Nam bị cạnh tranh rất gay gắt không chỉ trên thị trường thế giới mà còn ngay trên sân nhà.
Không chỉ vậy, số lượng doanh nghiệp Việt tham gia vào các hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thấp về số lượng, quy mô nhỏ, năng lực hạn chế; chất lượng gạo xuất khẩu chưa cao, tỷ lệ gạo trên 15% tấm còn chiếm tới 36%; sản xuất lúa còn thiếu tính bền vững, quy mô sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, manh mún, giá thành còn cao và giá trị gia tăng thấp, cơ giới hóa còn chậm, tổn thất sau thu hoạch lớn… Tất cả là những trở ngại cho hoạt động xuất khẩu đến các thị trường khó tính như EU.
Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên xuất khẩu gạo vào thị trường EU trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cho rằng, việc đưa hàng hóa của Việt Nam dần tiếp cận các chuỗi phân phối nước ngoài, tới tay người tiêu dùng bản địa dưới thương hiệu Việt Nam là phương thức hiệu quả, bền vững đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa. Điều này có tầm quan trọng đặc biệt trong công tác xây dựng thương hiệu quốc gia Việt Nam. Hoạt động này còn tạo tiền đề cho cho các doanh nghiệp hướng tới sản xuất hàng hóa, có giá trị gia tăng và xây dựng kế hoạch phát triển bền vững.
Muốn gạo Việt tham gia sâu và rộng hơn tại thị trường EU, các chuyên gia cho rằng, hiện chưa đầy 20% doanh nghiệp hiểu rõ, hiểu kỹ về các FTA. Đồng thời, cần phải tự nâng cao chất lượng của hạt gạo Việt Nam cũng như thay đổi cách tiếp cận thị trường.
Đặc biệt, muốn xuất khẩu gạo vào thị trường EU, doanh nghiệp cần nghiên cứu các yêu cầu bắt buộc của thị trường trên các cổng thông tin chính thức để hiểu các thủ tục, các vấn đề pháp lý liên quan; Kiểm tra các cập nhật quy định qua ứng dụng web Appryza của Liên đoàn các nhà xay xát gạo châu Âu (FERM). Ngoài ra, các yêu cầu của người mua cũng cần phải được thảo luận và tuân thủ chặt chẽ.
Riêng tại thị trường Anh, Việt Nam đứng thứ 15 trong các nước xuất khẩu gạo tại quốc gia này, dư địa cho gạo Việt tại Anh còn có thể mở rộng nhờ cộng đồng gốc Việt Nam lên tới 100.000 người và quy chế hạn ngạch thuế quan trong UKVFTA.
Để biến tiềm năng này thành hiện thực, ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán Công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Anh cho rằng, người trồng lúa và doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần áp dụng triệt để tiêu chuẩn Global G.A.P, đồng thời đẩy mạnh sản xuất gạo thơm chất lượng cao; cần triển khai các Chương trình hỗ trợ nông dân về giống lúa, vật tư nông nghiệp an toàn, xay xát và bảo quản lúa gạo trước khi xuất khẩu tại các địa phương có diện tích đất trồng lúa lớn.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/gao-viet-khoi-sac-tren-thi-truong-eu-131344.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.