![]() |
Phát triển thương mại tại vùng miền núi, hải đảo giúp nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập của người dân |
Nâng cao giá trị và thu nhập cho người
Chương trình là cơ hội để các Bộ, ngành, địa phương và cộng đồng thương nhân, doanh nghiệp thảo luận, chia sẻ các kinh nghiệm, khó khăn trong thực tiễn quá trình triển khai Chương trình; đề xuất các hình thức tuyên truyền, quảng bá để kết nối hiệu quả các sản phẩm vùng miền tới gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước; đồng thời kiến nghị một số giải pháp, chính sách khuyến khích, ưu đãi nhằm đẩy mạnh tiêu thụ những sản phẩm, mặt hàng là lợi thế của khu vực miền núi và hải đảo, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong những năm tiếp theo.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã được ban hành. Trong đó có Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2015-2020 theo Quyết định số 964/QĐ-TTg ngày 30/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 1162/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025… Nhờ việc triển khai các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, hoạt động kinh tế thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã có những chuyển biến đáng kể, góp phần tạo ra cơ hội giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân nơi đây.
Chia sẻ kỹ hơn về quá trình này, ông Hoàng Văn Dự, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hoạt động sản xuất tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã và đang tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá có giá trị, được chứng nhận nhãn hiệu tập thể và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, không chỉ đáp ứng nhu cầu tại địa phương mà còn được đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước.
Trong đó, nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản như xoài tròn Yên Châu, vải Lục Ngạn, nhãn Sông Mã… đã được chú trọng phát triển thương hiệu và xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, châu Âu…, góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người nông dân, ông Hoàng Văn Dự nói.
![]() |
Toàn cảnh Hội nghị |
Để khó khăn không còn là thách thức
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển thương mại khu vực miền núi vùng, sâu vùng xa và hải đảo không ít địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Là xã miền núi còn nhiều khó khăn của thành phố Phúc Yên, đại diện xã Ngọc Thanh cho biết, với tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao, thu nhập bình quân đầu người mặc dù đã có sự cải thiện nhưng vẫn thấp, chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng cơ sở cũng còn nhiều hạn chế, các sản phẩm đặc trưng, đặc sản chưa tạo dựng được thương hiệu riêng và chất lượng an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, tình hình sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, cộng thêm khó khăn trong việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều trở ngại.
Để thúc đẩy các hoạt động thương mại khu vực miền núi vùng, sâu vùng xa và hải đảo trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Hương, đại diện Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp kết nối cung cầu hàng hóa và dịch vụ, tìm đầu ra cho nông sản vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Các hoạt động kết nối theo bà Nguyễn Thị Hương, cần được triển khai từ địa phương đến Trung ương, từ các Sở Công Thương cho đến các hiệp hội, ngành hàng, ngành nghề, các tổ chức hiệp hội và các doanh nghiệp với nhiều hình thức trực tuyến và trực tiếp linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn.
Không chỉ kết nối tại thị trường trong nước mà còn phải kết nối trực tuyến để đưa ra nước ngoài những mặt hàng nông sản để tiếp tục thu về kim ngạch xuất nhập khẩu lớn. Đồng thời, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về thông tin cho nông sản vùng đồng bào dân tộc và miền núi; xây dựng hệ thống phân phối bài bản, thường xuyên liên tục, có tính điều phối vùng miền để phát triển thương mại miền núi, hải đảo bền vững… đại diện Cục Công Thương địa phương đề xuất.
Đặc biệt, để triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong giai đoạn 2021-2025, ông Trần Duy Đông còn cho rằng, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về các sản phẩm của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đóng vai trò rất quan trọng. Đây là yếu tố góp phần kết nối và đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng nhằm kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, phát triển thương mại của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/phat-trien-thuong-mai-mien-nui-hai-dao-giup-thu-hep-khoang-cach-vung-mien-131293.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.