Vi mô có cải thiện, vĩ mô mới ổn định bền vững

Thay vì nhân lên, ngọn lửa cải cách tại Việt Nam đang có dấu hiệu chậm lại, thậm chí đứt gãy, đảo ngược.
vi mo co cai thien vi mo moi on dinh ben vung Cải cách hành chính: Nền tảng cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ nền kinh tế
vi mo co cai thien vi mo moi on dinh ben vung PCI: Giữ lửa cải cách tạo bước ngoặt phục hồi
vi mo co cai thien vi mo moi on dinh ben vung Thủ tục gia nhập thị trường: Còn nhiều dư địa để cải cách

Mất đi động lực cải cách

Thái độ chần chừ, chậm trễ, sợ trách nhiệm, muốn “an toàn” của các địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), cũng như các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong đầu tư kinh doanh cũng là vấn đề đáng báo động hiện nay.

Trong hơn 20 năm qua, chúng ta luôn chứng kiến sự ganh đua, hay cạnh tranh giữa các địa phương để thu hút đầu tư phát triển kinh tế địa phương. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là công cụ đo lường cuộc đua tranh đó và lãnh đạo các địa phương luôn nỗ lực để PCI của tỉnh mình cải thiện tốt hơn. Theo đó, các địa phương tranh đua nhau cải cách TTHC theo hướng tạo thuận lợi nhất có thể cho NĐT và doanh nghiệp; các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh thường xuyên được quan tâm tháo gỡ.

Nhưng thực tiễn nói trên hiện nay dường như đã không còn. Một bầu không khí và thái độ làm việc trái ngược hẳn so với trước đây đang xuất hiện ở hầu khắp các địa phương trong cả nước.

vi mo co cai thien vi mo moi on dinh ben vung
Phát triển kinh tế địa phương là động lực chính cho phát triển kinh tế quốc gia

Qua khảo sát thực tế, trao đổi chân tình với lãnh đạo, công chức có liên quan ở địa phương, nhận thấy nổi lên một số hiện tượng phổ biến như: Chỉ cố gắng tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật theo câu chữ, thay vì theo nội dung và tinh thần của các luật, điều luật trong giải quyết TTHC hay giải quyết khó khăn, vướng mắc đối với người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, khi giải quyết các TTHC, nhất là trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng và các hoạt động liên quan, cơ quan chủ trì thường phát công văn kèm hồ sơ gửi tất cả các sở ngành, cơ quan liên quan và chỉ khi tập hợp được đầy đủ các góp ý, đồng ý của tất cả các sở cơ quan đó, họ mới trình lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố. Rõ ràng, quy trình giải quyết công việc như thế là phức tạp, không hợp lý và khiến giải quyết một số TTHC có thể kéo dài vô thời hạn nhưng với họ, đấy là cách làm đem lại “cảm giác an toàn” cho bản thân, cho những người có liên quan.

Như vậy có thể nói, chính quyền địa phương nhìn chung đã giảm, thậm chí đã mất động lực cải cách hành chính, sáng tạo trong vận dụng và thực thi linh hoạt chính sách, pháp luật để thu hút đầu tư phát triển kinh tế địa phương. Các công chức có liên quan, kể cả cấp lãnh đạo, thể hiện cách thức làm việc bị động, lúng túng và chịu áp lực từ nhiều phía; không có tinh thần “dám nghĩ, dám làm”, mà trái lại, tìm một giải pháp an toàn nhất là “không làm gì” hoặc “làm càng ít càng tốt”; “làm chậm, kéo dài thời gian” thì tốt hơn, an toàn hơn là làm nhanh, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Thực tế nói trên cho thấy công cuộc cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD) ở địa phương đang trải qua thời kỳ khó khăn.

Thành quả cải cách có thể bị xói mòn

Có thể nói hiện tượng đảo ngược xu thế cải cách, làm xói mòn thành quả cải cách, cải thiện MTKD đang ngày một rõ và đang thể hiện rõ sự kháng cự lại những nỗ lực cải cách. Sức chống đối, kháng cự đó ra sao còn phụ thuộc vào mức độ quyết liệt và cường độ của cải cách. Nếu những nỗ lực và quyết tâm cải cách giảm xuống, và thực hiện không liên tục, thì xu thế đảo ngược cải cách, làm xói mòn thành quả cải cách sẽ nổi lên và có thể trở thành xu hướng chính.

Trong thời gian qua, tuy chưa trở thành xu hướng chính, nhưng đã nổi lên một số hiện tượng đảo ngược xu thế và làm xói mòn thành quả cải cách trong các năm trước đây. Điều này thể hiện ở việc các bộ vẫn ban hành một cách công khai hoặc “núp bóng” các thông tư quy định về điều kiện kinh doanh (ĐKKD); hay ĐKKD vẫn được “núp bóng” hoặc “ẩn” trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật…

Đơn cử mới đây nhất, Bộ Công thương đã dự thảo và dự định ban hành thông tư về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại, trong đó đưa ra các yêu cầu như: Siêu thị hạng I kinh doanh tổng hợp phải có diện tích kinh doanh từ 3500 m2 trở lên, danh mục hàng hoá kinh doanh phải từ 20.000 mặt hàng trở lên; Siêu thị chuyên doanh phải có diện tích kinh doanh từ 1.000 m2 trở lên; hay các quy định cụ thể về điều kiện đối với siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi... Rõ ràng, dự thảo với các nội dung nói trên là không đúng thẩm quyền, không hợp pháp, không thực tế và không hợp lý, làm hại đến lợi ích của các bên có liên quan, trước hết là người đầu tư kinh doanh thương mại...

Đồng thời đã và đang xuất hiện các quy định không hợp lý làm tăng chi phí tuân thủ, gây khó thêm cho doanh nghiệp, ngay cả trong thời kỳ cả nước đang tập trung nguồn lực cho phục hồi kinh tế sau đại dịch. Đơn cử như Bộ Y tế soạn thảo thông tư về ghi nhãn dinh dưỡng, trong đó nhiều quy định không phù hợp với Nghị định 111/2021/NĐ-CP; không phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế; không phù hợp với nguyên tắc quản lý rủi ro; nếu thực hiện sẽ gây tốn kém, nhầm lẫn và ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất kinh doanh…

Những vấn đề nổi lên như đã nói ở trên không phải là mới. Tình trạng “luật ống” “luật khung” thực tế đã tồn tại hàng thập kỷ qua nhưng chưa có giải pháp khắc phục một cách cơ bản. Trong khi đó, lực lượng “kháng cự” lại cải cách nói chung, cải cách cải thiện MTKD nói riêng luôn song hành cùng xu thế cải cách, nhưng sẽ càng nổi lên một cách mạnh mẽ hơn một khi quyết tâm chính trị và nỗ lực cải cách không được duy trì đủ mạnh và bền vững.

Việc chính quyền địa phương mất đi những cách làm sáng tạo, linh loạt; mất động lực cải cách hành chính, cải thiện MTKD là vấn đề chưa từng có trước đây và thực sự rất đáng lo ngại. Bởi vì, lịch sử cho thấy một phần đáng kể các sáng kiến cải cách kinh tế ở Việt Nam đã xuất phát từ những thực tiễn tốt và sự năng động, sáng tạo của lãnh đạo và chính quyền địa phương.

Phát triển kinh tế địa phương là động lực chính cho phát triển kinh tế quốc gia. Vì vậy, cần nỗ lực đảo ngược xu thế thụ động và tâm lý tìm kiếm sự an toàn cho cá nhân, hơn là thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương của một số không nhỏ lãnh đạo và chính quyền địa phương là việc cấp bách cần làm ngay.

Các vấn đề như đề cập ở trên cần phải sớm hóa giải, để tạo môi trường minh bạch, thông thoáng thực sự cho các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh phát triển. Chỉ khi những vấn đề vi mô tiếp tục cải thiện thì vĩ mô mới ổn định, kinh tế mới phát triển.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/vi-mo-co-cai-thien-vi-mo-moi-on-dinh-ben-vung-130795.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.