Đẩy lùi bạo hành gia đình qua những thước phim
11:23 | 19/08/2022
Vấn nạn bạo hành gia đình đã được các nhà làm phim ở nước ta quan tâm, đưa vào nhiều tác phẩm và đã ghi dấu ấn đậm nét với khán giả. Bằng những câu chuyện gắn với với đời sống, các tác phẩm điện ảnh về bạo hành gia đình lên án hành vi này một cách chân thực, cảnh tình người xem.
Bộ phim “Đêm tối rực rỡ” của đạo diễn Aaron Toronto (người Mỹ sống tại Việt Nam gần 20 năm) dù doanh thu sau đợt công chiếu vừa qua không như kỳ vọng nhưng đổi lại, tác phẩm nhận về những lời ngợi khen và quan tâm của giới chuyên môn.
Phim gây chú ý bởi đạo diễn là người nước ngoài nhưng nội dung phim và dàn diễn viên đều của Việt Nam: biên kịch và nữ chính Nhã Uyên, diễn viên Kiến An, Phương Dung, Diễm Phương, Vũ Xuân Trang, Kim B...
Bộ phim này đã góp một tiếng nói cảm thông, thắp lên một chút ánh sáng trong bóng đen tâm lý của những người đã và đang trải qua nạn bạo hành dù ít hay nhiều, trên thể xác hay tâm lý.
![]() |
Cảnh trong phim “Đêm tối rực rỡ” - tác phẩm điện ảnh lên án bạo hành gia đình đang được khán giả quan tâm |
“Đêm tối rực rỡ” xoay quanh việc các thành viên gia đình ông Toàn gặp lại nhau để cùng tiễn đưa ông nội vừa qua đời. Đám tang được tổ chức rình rang, nhạc đèn rực rỡ như một nét đặc trưng không thể thiếu của văn hóa ma chay Nam Bộ. Đằng sau đám tang ấy là rất nhiều cuộc xung đột của các thành viên trong gia đình.
Càng đào sâu vào chuyện nhà ông Toàn, phim càng lột tả nhiều sự không hay trong tâm tính con người. Đi kèm với bạo hành, phim phản ánh câu chuyện trọng nam khinh nữ, trầm cảm, nợ nần, tính nhu nhược của người đàn ông, lòng toan tính của người đàn bà trong xã hội hiện đại. Ba thế hệ trong gia đình không ai lành lặn tâm lý. Mỗi người đều mang những vết sẹo, đều phạm sai lầm nhưng cũng đều đáng thương.
PGS.TS., chuyên gia tâm lý Đặng Hoàng Minh (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá: “Đêm tối rực rỡ” đã khắc họa thành công các biểu hiện sang chấn tâm lý, trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực, sang chấn tích hợp... Trên cả, chủ đề bạo hành gia đình và những hệ lụy tâm lý từ vấn nạn này được phim khai thác đến tận cùng, với những bi kịch được đẩy lên đến đỉnh điểm khiến người xem như bị bóp nghẹt trong nỗi đau của nhân vật.
Trước “Đêm tối rực rỡ” không lâu, phim điện ảnh “Bẫy ngọt ngào” của đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư cũng gây ấn tượng khi thể hiện vấn nạn bạo hành gia đình. Đó là nhân vật Camy (ca sĩ Bảo Anh đóng) xinh đẹp nhưng yếu đuối, cam chịu, hy vọng dùng tình yêu cảm hóa người chồng bạo lực Đăng Minh (Quốc Trường). Đằng sau cuộc sống hôn nhân mà bao người mơ ước của Camy hóa ra lại là địa ngục với những tổn thương từ thể xác đến tinh thần.
Phim đã khắc họa được đời sống khổ tâm của Camy khi luôn bị chồng đánh đập, sỉ nhục. Camy luôn phải sống ở trạng thái lo âu, sợ hãi và nhẫn nhục trước người chồng hay ghen đến cực đoan. Qua cách xử lý của đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư, “Bẫy ngọt ngào” đã thành công khi phản ánh được tình trạng bạo lực hôn nhân, bạo hành gia đình khiến khán giả đồng cảm với các nhân vật.
Trên màn ảnh nhỏ, nhiều khán giả cũng đã được thưởng thức các tác phẩm đề tài bạo hành gia đình. Đó là “Sống gượng” của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang. Phim xoay quanh Như Ngọc, cô bé mồ côi cha từ sớm, sống ở miền Bắc cùng mẹ và bà. Về sau, mẹ Như Ngọc đi bước nữa với một ông chồng gia trưởng, vũ phu. Mẹ Ngọc vẫn nhẫn nhịn, hy sinh, chịu đựng để giữ gia đình. Chứng kiến nỗi đau bị bạo hành của mẹ cùng sự nhẫn nhịn lớn, Ngọc vô tình trở thành hình mẫu của mẹ mình sau này.
“Sống gượng” đã chuyển tải thông điệp ngoài lòng thương yêu, sự kiềm chế cảm xúc bản thân để gia đình được êm ấm, hơn hết, giá trị bình đẳng trong gia đình và quyền được sống đúng với phẩm giá của người phụ nữ cần được coi trọng. Nếu là nạn nhân của bạo hành, họ cần đứng lên khi mọi sự cam chịu,nhẫn nhịn không đem lại kết quả.
Phim ngắn “Mẹ con Hà” của đạo diễn trẻ Phạm Thu Lê đoạt giải Phim tài liệu xuất sắc tại Lễ trao giải Búp Sen Vàng từng gây tiếng vang lớn. Khi bộ phim được trình chiếu trước đông đảo khán giả, nhiều người không khỏi sững sờ, phẫn nộ, rồi cảm thương day dứt về chuyện một bé gái bị người chồng hờ của mẹ bạo hành một cách vô nhân tính.
“Tiếng sét trong mưa” (đạo diễn Nguyễn Phương Điền) cũng đề cập đến chuyện bạo hành trong gia đình. Cuộc đời của Thị Bình, từ một người ở, được cậu ba Khải Duy yêu thương hết mực trở thành mợ ba, cũng trải qua bao phen sóng dậy gió vùi. Thị Bình bị chị dâu, mẹ chồng tìm mọi cách chèn ép, thậm chí dồn vào đường cùng, nếu không may mắn, đã phải bỏ mạng oan ức.
Ca sĩ Phương Thanh cũng làm người xem xúc động với phim ngắn “Buông tay đi”. Dù thời thời chỉ hơn 7 phút, khán giả xem “Buông tay đi” phải chứng kiến nhiều lần người chồng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với người vợ của mình trước mặt con nhỏ. Cùng với nỗi đau về thể xác là sự hoảng loạn, bế tắc và sợ hãi của người vợ mỗi khi gặp chồng mình. Nỗi đau ấy càng nhân lên gấp bội khi đứa con nhỏ phải chứng kiến cảnh ba đánh mẹ mình mỗi ngày...
Theo một số biên kịch, việc đẩy tình tiết bạo hành trong phim lên đỉnh điểm không phải là sự bi kịch hóa. Một mặt, nó tạo kịch tính thu hút người xem nhưng quan trọng hơn, từ trong tận cùng của bi kịch ấy cũng mở đường để các nhân vật có quyền chọn lựa hướng đi nào thay đổi chính cuộc đời mình.
Đó chính là thông điệp xã hội và tinh thần nhân văn mà các bộ phim muốn hướng đến. Từ các bộ phim kể trên, các tác phẩm góp phần kêu gọi toàn xã hội lên án, đẩy lùi bạo lực gia đình để hướng đến một xã hội văn minh, gia đình hạnh phúc.
Khôi Nguyên