Quy hoạch quốc gia 2021-2030: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là các cực tăng trưởng

Quan điểm, tư tưởng chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch) là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030, sau đó dần phát triển hài hòa, bền vững, cân đối giữa các vùng miền, địa phương.
quy hoach quoc gia 2021 2030 ha noi tp ho chi minh la cac cuc tang truong Quy hoạch tổng thể quốc gia: Cần thể hiện tầm nhìn chiến lược, bao quát
quy hoach quoc gia 2021 2030 ha noi tp ho chi minh la cac cuc tang truong Quy hoạch quốc gia: Hướng đến nhà nước kiến tạo và phục vụ
quy hoach quoc gia 2021 2030 ha noi tp ho chi minh la cac cuc tang truong

Phát triển có trọng tâm, trọng điểm

Ngày 16/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia đối với Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là quy hoạch ở cấp cao nhất theo quy định của Luật Quy hoạch và lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam.

Quy hoạch là bước cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030 mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, tập trung vào việc phân bổ các tổ chức, các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường...; là cơ sở để triển khai các quy hoạch khác như quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch các ngành, địa phương.

Quan điểm, tư tưởng chủ yếu của Quy hoạch là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030, sau đó dần phát triển hài hòa, bền vững, cân đối giữa các vùng, miền, địa phương.

Trong giai đoạn đến năm 2030, do nguồn lực phát triển có hạn, cần ưu tiên, tập trung đầu tư cho một số vùng lãnh thổ có điều kiện thuận lợi nhất về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học công nghệ và cơ sở vật chất kỹ thuật sẵn có để các nơi đó phát triển đi trước một bước, tạo động lực và làm đầu tàu lôi kéo các vùng lãnh thổ khác cùng phát triển. Theo đó, tập trung hình thành và phát triển một số hành lang kinh tế, vùng động lực, các cực tăng trưởng và bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia.

Trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm, tập trung phát triển vùng lõi và cực tăng trưởng. Cụ thể, phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tập trung vào vùng lõi là tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, trong đó Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng; Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tập trung vào vùng lõi là tứ giác TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó TP. Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng...

Quy hoạch tập trung hình thành các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và hướng Đông - Tây dựa trên các tuyến giao thông đường bộ cao tốc, đường sắt, kết nối các cảng biển, cảng hàng không quốc tế, cửa khẩu quốc tế, gắn với các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng.

Ưu tiên hình thành và phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam trên cơ sở trục giao thông Bắc - Nam phía Đông; một số hành lang kinh tế Đông - Tây như Hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Mộc Bài - TP. Hồ Chí Minh - Vũng Tàu; Hành lang Đông Tây: Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng...

Tại Hội thảo tham vấn, các chuyên gia của WB đánh giá cao bản báo cáo Quy hoạch mặc dù là lần đầu tiên được xây dựng. Phương pháp nghiên cứu, các nội dung chủ yếu của Quy hoạch đã tiếp cận với thông lệ quốc tế. Các chuyên gia trình bày thêm các nội dung liên quan đến tổ chức không gian theo các hành lang kinh tế, phát triển các vùng động lực, các cực tăng trưởng, các vùng đô thị lớn, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Các chuyên gia cũng đưa ra các khuyến nghị để Quy hoạch được xây dựng theo hướng nâng cao khả năng chống chịu rủi ro môi trường, biến đổi khí hậu; bảo đảm nguồn lực tài chính cho thực hiện Quy hoạch.

Tham khảo kinh nghiệm các nước

Trong quá trình xây dựng Luật Quy hoạch và triển khai lập Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham khảo nhiều kinh nghiệm quốc tế, trong đó có cử các đoàn cán bộ sang Malaysia, Hàn Quốc - hai nước có nhiều điều kiện tương đồng và mức độ phát triển cao hơn trong khu vực - để tìm hiểu kinh nghiệm tổ chức lập và nội dung quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng ở các nước trên.

Trong bối cảnh và trình độ phát triển của Việt Nam hiện nay thì mô hình quy hoạch không gian cấp quốc gia của Hàn Quốc và Malaysia có nhiều điểm phù hợp, tương đồng để Việt Nam tham khảo.

Tại Malaysia, Quy hoạch vật thể quốc gia (NPP) là văn bản quy hoạch cấp cao nhất trong hệ thống quy hoạch. Quy hoạch vật thể quốc gia lần thứ 3 của Malaysia (NPP3) xác định khung khổ phát triển chiến lược quốc gia bao gồm các thành tố:

(i) Các trung tâm phát triển, bao gồm: các vùng phát triển, các vùng đang phát triển, các vùng có tiềm năng lớn, và các trung tâm thúc đẩy tăng trưởng;

(ii) Các hành lang, bao gồm: các hành lang kết nối mang tính chiến lược cao, hành lang kết nối mang tính chiến lược, hành lang kết nối tiềm năng, hành lang lan tỏa;

(iii) Các cửa ngõ, bao gồm: các cửa ngõ quốc tế về đường bộ, đường hàng không, đường biển. Về tổ chức lập quy hoạch, để bảo đảm các quy hoạch ngành có thể tích hợp tốt vào bản Quy hoạch vật thể quốc gia, cơ quan tư vấn chính lập quy hoạch cần nghiên cứu trước, đưa ra các định hướng quan trọng phát triển của lãnh thổ, làm căn cứ để các ngành, lĩnh vực xây dựng định hướng quy hoạch. Việc phối hợp giữa đơn vị tư vấn và cơ quan chủ trì lập quy hoạch với tư vấn lập quy hoạch ngành và cơ quan quản lý ngành có thể nhiều lần, nhiều chiều để đi đến phương án quy hoạch tốt nhất.

Tại Hàn Quốc, Quy hoạch tổng thể lãnh thổ quốc gia (CNTP) là quy hoạch không gian cấp cao nhất, đóng vai trò hướng dẫn để lập quy hoạch cho từng ngành, lĩnh vực và quy hoạch của các địa phương. CNTP bao gồm nội dung quy hoạch về từng lĩnh vực như cơ cấu không gian, đô thị, công nghiệp, văn hóa, kết cấu hạ tầng… CNTP đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng Hàn Quốc trở thành một nước phát triển. CNTP của Hàn Quốc đề ra các chính sách về lãnh thổ và cách thực hiện ở cấp quốc gia trong một giai đoạn lịch sử nhất định, hiện thực hóa những giá trị mà quốc gia hướng tới như nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, phát triển cân đối giữa các vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước, hài hòa giữa phát triển và môi trường.

Quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia của Việt Nam cũng đã nghiên cứu tham khảo, ứng dụng kinh nghiệm của Hàn Quốc và Malaysia để xác định không gian phát triển đất nước gắn với hình thành các trục, hành lang phát triển, phân vùng kinh tế và định hướng bố trí không gian các ngành, lĩnh vực.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/quy-hoach-quoc-gia-2021-2030-ha-noi-tp-ho-chi-minh-la-cac-cuc-tang-truong-130246.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.