Kiểm soát giá thịt lợn ổn định

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn...

Sau tăng khi lên “chót vót” hồi cuối tháng 7, giá lợn hơi trong những ngày qua quay đầu giảm. Hiện giá lợn hơi tại một vài nơi ở khu vực miền Bắc có mức cao nhất là 69.000 đồng/kg, trong khi các tỉnh thành khác ổn định quanh mức 60.000 - 67.000 đồng/kg. Tuy vậy, giá lợn mảnh (đã mổ, không đầu) tại chợ đầu mối ở TP.HCM chưa giảm nhiều.

Theo các thương nhân tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM), do yếu tố cung cầu nên vài ngày qua giá lợn chỉ giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg với lợn mảnh còn 69.000 - 84.000 đồng/kg. Giá thịt lợn tại chợ lẻ sau thời gian tăng mạnh hiện chưa giảm nhiều với mức 95.000 - 205.000 đồng/kg tùy loại.

kiem soat gia thit lon on dinh
Giá thịt lợn trong những ngày gần đây có xu hướng giảm.

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, thừa nhận, sau khi giá lợn hơi tăng lên mốc 72.000 - 73.000 đồng/kg đã quay đầu giảm. Đến nay, nhiều doanh nghiệp niêm yết giá ở mức 66.000 đồng/kg, nhưng giá trên thị trường đã giảm về 62.000 - 63.000 đồng/kg. Nguyên nhân giá thịt lợn giảm, ông Đoán nhận định là do đang là tháng 7 Âm lịch, người dân có xu hướng ăn chay nhiều, thịt lợn khó tiêu thụ dẫn đến giá có xu hướng giảm.

Theo các chuyên gia kinh tế, từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã 17 lần tăng liên tiếp, giá vận chuyển từ nhà cung cấp về tới trang trại đã tăng gấp đôi nhưng giá bán lợn lại vô cùng thấp. Đa phần người chăn nuôi đều gồng lỗ hoặc hoà vốn. Do đó, giá lợn hơi phải trên 60.000 đồng/kg thì người nuôi mới hoà vốn. Tuy vậy, nếu so với thời điểm trước Tết Nguyên đán, giá lợn hơi miền Bắc đã tăng thêm từ 5.800 đồng đến 8.600 đồng/kg tùy vùng miền. Đến ngày 1/8, giá lợn hơi đã hạ nhiệt đôi chút. Giá lợn hơi tại miền Bắc giao dịch quanh mức 67.000 - 68.000 đồng/kg.

Giải thích về việc giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, các chuyên gia nhìn nhận là do nguyên vật liệu đầu vào đều tăng. Mà để nguồn nguyên liệu đầu vào giảm giá sau khi giá xăng dầu đã “hạ nhiệt” cũng cần có độ trễ. Như vậy, sau khi giá xăng giảm, nếu muốn giá lợn hơi hạ nhiệt sẽ phải trải qua 3 lần độ trễ, gồm độ trễ giảm giá nguyên vật liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, độ trễ giảm giá thức ăn chăn nuôi và cuối cùng là độ trễ giảm giá lợn ở các khâu trung gian, bán lẻ. Hiện tại, theo các chuyên gia, giá lợn hơi ở mức 68.000 - 70.000 đồng/kg là mức có thể chấp nhận được, không quá thấp cũng không quá cao, hài hòa đối với người tiêu dùng và đảm bảo người chăn nuôi có lãi.

Trước diễn biến giá thịt lợn và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng tăng cao thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức và cá nhân sản xuất chăn nuôi lợn tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và đảm bảo nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn; thực hiện công tác phòng, chống dịch; tổ chức tái đàn phù hợp, bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học; đẩy mạnh sản xuất con giống, bảo đảm tổng đàn lợn cả nước đáp ứng đủ nhu cầu trong nước trước mắt và lâu dài.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn tính từ cửa trại, cửa chuồng của doanh nghiệp, người chăn nuôi đến doanh nghiệp, siêu thị, người bán cuối cùng trực tiếp cung ứng cho người tiêu dùng. Làm rõ các bất cập, hạn chế (nếu có) để đề xuất các giải pháp khắc phục đảm bảo giảm thiểu khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán; tiến tới hoàn thiện hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ tinh gọn, hiệu quả, có chi phí lưu thông hợp lý trong cơ cấu giá bán.

Song song với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, các lực lượng chức năng, các tổ chức và cá nhân sản xuất chăn nuôi lợn tiếp tục tập trung thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến, điều hòa và đảm bảo nguồn cung để bình ổn giá thịt lợn; thực hiện công tác phòng, chống dịch; tổ chức tái đàn phù hợp, bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học; đẩy mạnh sản xuất con giống, bảo đảm tổng đàn lợn cả nước đáp ứng đủ nhu cầu trong nước trước mắt và lâu dài.

“Trong những ngày qua, thương lái đã hạn chế mua lợn, lượng lợn được chuyển đi phía Bắc cũng giảm. Nếu ngăn chặn xuất lợn đi Trung Quốc, giá lợn có khả năng còn giảm trong thời gian tới”, ông Đoán dự báo.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/kiem-soat-gia-thit-lon-on-dinh-129945.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.