Lúng túng với sách giáo khoa trước mùa tựu trường

Chỉ còn 1 tháng nữa, năm học 2022- 2023 sẽ bắt đầu, nhưng để mua một bộ sách giáo khoa (SGK) theo chương trình giáo dục phổ thông mới cho con em mình, cũng đang là một bài toán khó với nhiều phụ huynh.

Giá và số lượng mỗi nơi mỗi khác

Chuẩn bị cho con lên lớp 6, chị Bích Ngọc (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) đã dành một ngày cuối tuần để đi chọn lựa SGK cho con. Ra đến hiệu sách mới biết, cùng là một bộ SGK nhưng nhiều nhà xuất bản in ấn và phát hành(?!) Dù đã tham khảo thông tin về bộ SGK mới trên internet, nhưng chị phải mất gần một buổi sáng để chọn lọc, xem xét từng cuốn sách vì mỗi môn học thuộc một bộ sách giáo khoa khác nhau. Những năm trước, chị chỉ cần ra hiệu sách hỏi bộ SGK là có đầy đủ bản mình cần, nhưng giờ đây, chị không biết phải mua cuốn sách nào và liệu có mua đúng với chương trình SGK mới mà nhà trường đang dạy hay không.

Cùng cấp học, cùng bộ sách, nhưng sách của các nhà xuất bản khác nhau dẫn tới giá có chênh lệch khác nhau. Anh Nguyễn Quang Tuấn (Ninh Bình) chia sẻ, anh và bạn cùng đi mua sách SGK cho các con vào lớp 1 trong năm học này, nhưng 2 người lại phải mua 2 bộ khác nhau với giá tiền khác nhau. Trong khi bộ SGK anh Tuấn mua có 12 cuốn trị giá hơn 200.000 đồng/bộ, thì bạn anh Tuấn lại phải mua bộ sách gồm 21 cuốn trị giá hơn 600.000 đồng/bộ. Hai bộ sách này có giá chênh lệch nhiều vì bộ 21 cuốn có thêm nhiều sách về các hoạt động giáo dục kỹ năng sống như giáo dục phòng chống bạo lực học đường; giáo dục quyền và bổn phận của trẻ em; an toàn giao thông... Anh Tuấn bày tỏ băn khoăn với 35 phút/tiết các con có kịp vừa tập đọc, tập viết, vừa tiếp thu lượng kiến thức nhiều như thế này hay không.

lung tung voi sach giao khoa truoc mua tuu truong
Nhiều phụ huynh không biết phải mua cuốn sách SGK nào và liệu có mua đúng với chương trình mà nhà trường đang dạy hay không

Không chỉ phụ huynh mà đến thời điểm này, việc đăng ký môn học tự chọn và mua SGK nào, vẫn là điều khiến nhiều học sinh lăn tăn, nhất là với học sinh lớp 10. Chưa kịp thở phào sau khi vượt qua kỳ thi tuyển vào 10, em Nguyễn Ngọc Diệp lo lắng vì dù đã chọn được môn học tự chọn nhưng vẫn chưa mua đủ SGK cần cho năm học mới. Diệp chia sẻ, em mong muốn được học tiếng Đức, một trong những môn thuộc nhóm lớp học Khoa học Xã hội. Tuy nhiên, nhà trường không có lớp đào tạo theo đúng sở thích và sở trường, em buộc phải chọn học lớp Khoa học Tự nhiên và muốn đăng ký mua riêng SGK môn tiếng Đức để tự học.

Nhanh chóng hỗ trợ trước thềm năm học mới

Để phụ huynh chọn lựa được SGK phù hợp với con em mình, một số chuyên gia đề xuất các tiêu chí khi chọn sách. Cụ thể, SGK được chọn phù hợp với chương trình giảng dạy của trường tại địa phương theo học; nội dung SGK đảm bảo tính khoa học, hiện đại, dễ sử dụng, đảm bảo các yêu cầu cần đạt của chương trình học; chú trọng đến việc rèn luyện cho học sinh khả năng tự học, tự tìm tòi kiến thức, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, vận dụng kiến thức trong SGK. Đồng thời, SGK có tính hấp dẫn, cân đối, hài hòa giữa phần chữ và phần hình ảnh, đảm bảo tính thẩm mĩ, tạo được sự hứng thú cho học sinh và phù hợp với đặc trưng môn học.

Để hỗ trợ cho phụ huynh và học sinh thuận lợi trong việc chọn lựa SGK trước khi bước vào năm học mới, nhiều nhà trường đã hỗ trợ bằng cách cho phụ huynh đăng ký mua SGK. Trên cơ sở số lượng đăng ký, trường sẽ đặt mua trực tiếp tại nhà xuất bản, nên phụ huynh và học sinh sẽ không phải lo lắng mua thiếu sách hoặc mua phải sách SGK không đúng yêu cầu. Hơn nữa, phụ huynh cũng không phải lạc giữa "ma trận" giá SGK tại các hiệu sách như hiện nay. Dù tiện ích nhưng hiện một số trường vẫn đắn đo trong giải pháp hỗ trợ này vì không muốn ảnh hưởng đến nhu cầu tự chọn SGK của phụ huynh.

Bên cạnh đó, một số địa phương đã triển khai phương án hỗ trợ SGK theo chương trình mới phù hợp với nhu cầu học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đơn cử, trong năm học 2022-2023, ông Thái Khắc Hoà, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các trường nghiên cứu, lựa chọn bộ SGK phù hợp với địa phương và nhà trường. Giáo viên và các nhà trường sẽ rà soát lại trường hợp học sinh nghèo, cận nghèo để có kế hoạch kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ. Bên cạnh việc kêu gọi sự hỗ trợ của nhà hảo tâm thì những năm qua các trường vùng thuận lợi luôn sẻ chia, giúp đỡ trường học vùng khó khăn.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Chỉ thị về việc sử dụng SGK và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Theo đó, các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh, hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục SGK đã được Bộ phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn, dưới bất kì hình thức nào; không được kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục đã được phê duyệt đóng gói thành bộ SGK để bán cho học sinh, phụ huynh học sinh; bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua SGK cho các thư viện trường học, tổ chức cho học sinh mượn SGK để học tập; tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành SGK nhằm tiết kiệm, giảm giá thành SGK; kịp thời in ấn, phát hành SGK bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, phục vụ nhu cầu của giáo viên và học sinh.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/lung-tung-voi-sach-giao-khoa-truoc-mua-tuu-truong-129943.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.