![]() | Tìm thị trường cho làng nghề truyền thống |
![]() | Làng nghề khôi phục sản xuất |
![]() | Nỗi niềm các lao động làng nghề |
Khó khăn tứ phía
Huyện Chương Mỹ (Hà Nội) gắn liền với làng nghề mây tre đan, với nguyên liệu chính là từ cây mây trắng, ngoài ra còn sử dụng tre, nứa, song, giang, vầu, trúc… Bên cạnh vẻ thanh thoát phù hợp với nét thẩm mỹ, sự nhẹ nhàng, sắc màu tươi mát… sản phẩm mây tre đan không những được ưa dùng trong nước mà còn xuất khẩu trên 100 quốc gia.
Tuy nhiên, theo nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Trung - Hội trưởng Hội Doanh nghiệp mây tre đan huyện Chương Mỹ, hiện nhiều làng nghề mây tre đan truyền thống như Phú Nghĩa, Ninh Sở, Phú Túc… đang đối diện với sự thiếu hụt nguồn nguyên liệu.
Ông Trung cho hay, cùng với các vùng nguyên liệu trong nước, hiện các làng nghề đang phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu chủ yếu là song, mây từ Lào, Campuchia, Indonesia để làm các sản phẩm cao cấp.
Diện tích tre trồng sản xuất cả nước hiện có khoảng 85.000 ha, trữ lượng 350 triệu cây, mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất mây tre đan. Nguồn cung nguyên liệu ngày càng thiếu hụt, giá nguyên liệu tăng cao trong khi giá bán sản phẩm không tăng dẫn đến thu nhập của người sản xuất giảm. Do vậy, việc sản xuất hàng mây tre đan đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
![]() |
Các làng nghề ở Hà Nội đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. |
Vân Hà (huyện Đông Anh) là một xã nghề gỗ mỹ nghệ truyền thống của Hà Nội. Sản phẩm đồ nội thất phong phú, đa dạng ở đây như đồ thờ, bàn ghế các loại, tượng tranh phù điêu… cùng các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp của địa phương được khách hàng trong và ngoài nước yêu thích.
Theo bà Đỗ Thị Hảo, Chủ tịch UBND xã Vân Hà, thời gian qua, dịch bệnh kéo dài và diễn biến khó lường đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức tiêu thụ sản phẩm làng nghề. Bên cạnh đó, các hộ sản xuất kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ trên địa bàn còn gặp khó khăn về nguồn vốn. Ngoài ra, các đơn vị sản xuất còn đối diện với vướng mắc về mặt bằng sản xuất, vẫn còn tình trạng sử dụng đất nông nghiệp ven đường để làm bãi tập kết gỗ; cùng với đó, vấn đề ô nhiễm không khí ở làng nghề chưa được giải quyết triệt để.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Xuân Hoản - Chủ tịch Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội nhận định, hiện hầu hết các cơ sở sản xuất của làng nghề nằm trong khu dân cư nên việc thu gom và xử lý chất thải rất khó khăn.
Mặt khác, tại các làng nghề, hệ thống tiêu thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ, nước thải sản xuất được thải chung với nước thải sinh hoạt đã làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước mặt, không khí và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân trong làng nghề.
Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ môi trường của người dân, chủ cơ sở sản xuất và chủ doanh nghiệp còn hạn chế nên ô nhiễm nguồn nước, không khí, tiếng ồn trong các làng nghề càng trầm trọng, nhất là các làng nghề chế biến nông sản, cơ khí, dệt may, sản xuất sắt thép, thu gom phế liệu…
Giải pháp nào cho các làng nghề?
Rõ ràng, sự phát triển của làng nghề đã đóng góp rất to lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, những thực trạng rất đáng buồn khiến chúng ta phải đặt ra bài toán về bảo tồn và phát triển làng nghề.
GS.TS. Đặng Thị Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nhận định, thiếu quy hoạch và không được quan tâm một cách đầy đủ để phát triển làng nghề bền vững sẽ để lại những hậu quả khôn lường về mặt môi trường sống và sức khỏe cộng đồng. Do đó, bên cạnh việc xây dựng quy hoạch làng nghề, để phát triển làng nghề bền vững trong tương lai, cần phải có những chính sách và biện pháp tổng hợp nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm. Việc xây dựng các chính sách phù hợp với đặc thù của làng nghề là điều hết sức cần thiết.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các làng nghề, làng nghề truyền thống đã và đang góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại các địa phương. Tuy nhiên, sự cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường cũng như sự dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị khiến cho nhiều làng nghề mai một. Theo số liệu điều tra năm 2020, thành phố Hà Nội có 1.350 làng nghề, đã mai một 544 làng, còn 806 làng đang hoạt động...
Việc khôi phục và phát triển làng nghề để nghề truyền thống của cha ông không bị thất truyền một cách đáng tiếc, và cũng là cơ hội để tạo sức bật trong sản xuất, thương mại, mà đặc biệt là xuất khẩu thủ công mỹ nghệ và phát triển du lịch. Nhìn nhận và tháo gỡ các điểm nghẽn trong phát triển làng nghề của Hà Nội, ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, sẽ tổng hợp ý kiến tham vấn của các chuyên gia và của các làng nghề, từ đó tham mưu thành phố các giải pháp thực hiện bảo tồn và phát triển làng nghề của Hà Nội trong giai đoạn tới.
Cụ thể, đó là việc công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống; hỗ trợ xây dựng thương hiệu và phát triển thương hiệu làng nghề; xử lý môi trường ở khu vực nông thôn; hỗ trợ về máy móc thiết bị đối với các dự án để nâng cao giá trị gia tăng đối với sản phẩm làng nghề; và cuối cùng là quy hoạch. “Đặc biệt, đối với những làng nghề đang bị thất truyền hoặc bị mai một thì việc đào tạo nghề cho các thế hệ sau là rất cấp bách. Phải làm thế nào để Hà Nội thực sự là “mảnh đất trăm nghề!”, ông Chí chia sẻ thêm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, các làng nghề, làng nghề truyền thống đã và đang góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động tại các địa phương. Tuy nhiên, sự cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường cũng như sự dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị khiến cho nhiều làng nghề mai một. |
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nhung-diem-nghen-trong-phat-trien-lang-nghe-129548.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.