Báo cáo của IMA® và IFAC về nguồn nhân lực kế toán khu vực Châu Á - Thái Bình Dương

Báo cáo cho thấy, bất bình đẳng và những hành vi mang tính phân biệt trong ngành kế toán là lý do chính dẫn đến việc số lượng nhân tài là các đối tượng đa dạng xã hội nắm giữ các vị trí quản lý cao cấp còn thấp.
bao cao cua ima va ifac ve nguon nhan luc ke toan khu vuc chau a thai binh duong

IMA® (Hiệp hội Kế toán Quản trị Hoa Kỳ) và IFAC (Liên đoàn Kế toán quốc tế) vừa mới phát hành báo cáo, “Đa dạng hóa nguồn nhân lực kế toán trong Khu vực Châu Á Thái Bình Dương: Điều kiện thiết yếu cho kết quả tạo chuyển đổi.”

Báo cáo này thu hút sự chú ý về các vấn đề đa dạng, bình đẳng và bao trùm (DE&I) tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, đồng thời đề xuất cách giải quyết các vấn đề đã được phát hiện.

Báo cáo này bao gồm các phát hiện từ cuộc khảo sát trực tuyến được thực hiện vào cuối năm 2021 với hơn 1100 kế toán viên đương nhiệm và cựu kế toán viên, cũng như phỏng vấn 32 chuyên gia hành nghề và học thuật ngành kế toán.

Các đối tượng tham gia nghiên cứu khác nhau về kinh nghiệm, quốc gia, giới tính, sắc tộc và lứa tuổi. Khảo sát xác nhận 95% đối tượng tham gia là những người đang hoặc đã từng là thành viên nghề kế toán tại Indonesia, Philippines, Singapore, Việt Nam, Úc và Nhật Bản.

Nghiên cứu về chủ đề DE&I này tập trung vào hai lĩnh vực nhân khẩu học chính: giới tính và dân tộc. Theo báo cáo, 47% đối tượng tham gia khảo sát là phụ nữ; dữ liệu về các nhóm dân tộc thiểu số chủ yếu được thu thập từ Indonesia, Philippines, Singapore và Úc, nơi có 44% đối tượng tham gia khảo sát tự xác định là thành viên của một nhóm dân tộc thiểu số.

Phát hiện của nghiên cứu này cho thấy bất bình đẳng và những hành vi mang tính phân biệt trong ngành kế toán là lý do chính dẫn đến việc số lượng nhân tài là các đối tượng đa dạng xã hội nắm giữ các vị trí quản lý cao cấp còn thấp.

Dữ liệu cũng cho thấy sự khác biệt giữa các quốc gia trong khu vực Châu Á Thái Bình dương. Chẳng hạn, Philippines là nước có tỷ lệ đối tượng tham gia khảo sát cho rằng nghề kế toán là một nghề bình đẳng (91%) và bao trùm (90%). Tại các nước Đông Nam Á có tên trong báo cáo, Indonesia được xếp thứ hai với tỷ lệ tương ứng là 82% và 81%, sau đó là Singapore (78% và 80%) và Việt Nam (73% và 77%).

Josh Heniro, Giám đốc cấp cao, IMA Đông Nam Á & Úc, cho biết: "Tại khu vực Châu Á Thái Bình dương, các yếu tố xã hội và văn hóa tạo ra tác động đáng kể không chỉ tới nghề kế toán mà còn cả các ngành nghề khác. Vì một số quốc gia trong khảo sát của chúng tôi về cơ bản chỉ có một sắc tộc (chẳng hạn Nhật Bản), dữ liệu về các nhóm dân tộc thiểu số chủ yếu được thu thập từ Úc, Indonesia, Philippines và Singapore.

Các đối tượng tham gia khảo sát được xác định là thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số ở các quốc gia này cho biết về tác động tiêu cực của những trải nghiệm trực tiếp về đối xử bất bình đẳng và phân biệt đối với sự thăng tiến của họ tại nơi làm việc. Vì vậy, các doanh nghiệp và nghề kế toán cần nỗ lực để lấp đầy khoảng trống về đa dạng nhằm thu hút và giữ chân nhân tài. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những nỗ lực này là một phần không thể tách rời trong việc bảo đảm sự sống còn, chuyển đổi và phát triển của nghề kế toán".

Một phần của báo cáo tập trung phân tích sâu sáu quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình dương, bao gồm Indonesia, Philippines, Singapore, Việt Nam, Úc và Nhật Bản, cho thấy tình hình tổng quan về DE&I trên cơ sở xử lý các nguồn thông tin như các tài liệu có sẵn; các dự án DE&I đang được thực hiện; phân tích kết quả khảo sát và kết quả phân tích các cuộc phỏng vấn trực tiếp các kế toán viên đương nhiệm và các cựu kế toán viên.

Các cuộc phỏng vấn còn cho thấy mặc dù trước đây đã từng có các đề án được thực hiện để thu hút, giữ chân và phát triển thế hệ lãnh đạo chuyên môn tiếp theo, nhưng những nỗ lực này vẫn chưa đem lại kết quả như mong muốn. Giữ nguyên hiện trạng không phải là cách lấp đầy khoảng trống đa dạng xã hội ở các cấp quản lý cấp cao. Các tổ chức và nghề kế toán đã bắt đầu hành trình chuyển đổi để có thể đáp ứng nhu cầu của môi trường, xã hội và kinh doanh.

Cần có những nỗ lực mạnh mẽ, có mục tiêu để đạt được những kết quả chuyển đổi mong muốn. Phần hai của báo cáo đưa ra các khuyến nghị về các hành động DE&I cần thực hiện trong bốn lĩnh vực chính: nâng cao nhận thức, thu hút, thúc đẩy và trách nhiệm giải trình.

Russell Guthrie, CFO của IFA, cho biết: "Việc tỷ lệ đại diện của các nhóm dân tộc thiểu số nắm giữ các vị trí lãnh đạo còn thấp không phải do thiếu thốn nhân tài, mà do cách đối xử bất bình đẳng xuất phát từ những quan điểm thiên lệch đối với các nhóm đã bị lề hóa. Các kế toán viên chuyên nghiệp có trách nhiệm phát huy các giải pháp được khuyến nghị trong báo cáo này để xử lý các khoảng trống hiện tại về DE&I, nhằm đảm bảo sự trường tồn và thành công cho ngành nghề của chúng ta."

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/bao-cao-cua-ima-va-ifac-ve-nguon-nhan-luc-ke-toan-khu-vuc-chau-a-thai-binh-duong-129491.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.