Đồng USD sẽ tiếp tục xu hướng tăng?
08:44 | 08/07/2022
Một loạt các lo ngại về tăng trưởng toàn cầu suy giảm, hay Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) “diều hâu” hơn trong thắt chặt chính sách; sự suy yếu của nhiều đồng tiền mạnh khác đã đẩy đồng USD tăng lên mức cao nhất trong khoảng 20 năm qua. Một số nhà đầu tư cho rằng, xu hướng này sẽ tiếp tục.
Nhiều yếu tố thúc đẩy đồng USD tăng
Chỉ số đồng USD - đo lường đồng bạc xanh so với sáu loại tiền tệ chính - đã tăng 12% từ đầu năm đến nay. Có nhiều yếu tố đang thúc đẩy mức tăng của đồng USD. Một mặt, các nhà đầu tư tin rằng, Fed có khả năng tiếp tục tăng lãi suất mạnh mẽ hơn nhiều NHTW toàn cầu khác trong bối cảnh phải đối mặt với lạm phát tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Điều này khiến đồng USD trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư mong muốn tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường ngoại hối.
Mặt khác, một số nhà phân tích lo ngại rằng việc thắt chặt tiền tệ của Fed và các NHTW khác có nguy cơ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một cuộc suy thoái. Nhưng nếu điều này xảy ra, không ít thành viên thị trường nhận định, việc nắm giữ đồng USD sẽ có lợi hơn vì họ tin rằng, Mỹ sẽ vượt qua suy thoái tốt hơn nhiều nền kinh tế khác.
![]() |
Đồng đô la tiếp tục đà tăng trong bối cảnh bất định toàn cầu |
Cho đến nay, đồng bạc xanh đã tăng giá so với tất cả các đồng tiền khác trong nhóm G10, trong khi đồng Yên Nhật Bản đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi NHTW Nhật Bản (BOJ) đang phải gánh chịu làn sóng thắt chặt tiền tệ của hầu hết các NHTW toàn cầu. Kết thúc cuộc họp chính sách tháng 6 vừa qua, BOJ đã quyết định tiếp tục giữ lãi suất ngắn hạn ở mức âm 0,1% và lãi suất dài hạn xung quanh mức 0%. Nền kinh tế nước này cũng đang phải chịu sức ép lớn do lạm phát gia tăng. CPI tháng 6 tại Nhật Bản tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda cho rằng, lạm phát tăng chủ yếu do tác động của giá năng lượng cao và vì vậy chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục duy trì nới lỏng.
Trong khi đó, với việc đồng USD tăng, bối cảnh rủi ro suy thoái toàn cầu gia tăng kết hợp với giá khí đốt tại châu Âu tăng cao đã đẩy đồng Euro xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ và hiện về mức gần ngang bằng với đồng bạc xanh. Theo George Saravelos, Trưởng bộ phận Thị trường ngoại hối toàn cầu của Deutsche Bank, nếu Fed vẫn thực hiện tăng lãi suất mạnh ngay cả khi châu Âu và Hoa Kỳ rơi vào suy thoái thì đồng Euro có thể giảm xuống mức thấp nhất là 0,95 Euro/USD, tức giảm khoảng 7% so với mức hiện tại. “Hiện chúng ta vẫn chưa sẵn sàng để đi xa đến mức đó, nhưng trong hai tuần qua đã có sự suy giảm rõ ràng về triển vọng tăng trưởng toàn cầu và đồng Euro”, chuyên gia này cho biết.
Những kỳ vọng thị trường
Ông Kit Juckes, Trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối tại Societe Generale, cũng tin rằng đồng USD có thể được hưởng lợi nếu một cuộc suy thoái toàn cầu diễn ra. “Nỗi lo suy thoái là trên toàn cầu chứ không chỉ bởi dữ liệu của kinh tế Hoa Kỳ. Nếu dữ liệu của Hoa Kỳ yếu đi, chúng tôi kỳ vọng dữ liệu của châu Âu cũng yếu đi tương tự”, Kit Juckes viết trong một báo cáo vào đầu tuần này.
Các dữ liệu lịch sử cho thấy, đồng đô la thường có xu hướng tăng trong những tháng trước khi Fed có đợt tăng lãi suất đầu tiên trong các chu kỳ tăng lãi suất và xu hướng tăng của USD sẽ giảm bớt sau nhiều đợt tăng lãi suất. Tuy nhiên, điều này dường như không còn đúng trong trường hợp hiện tại, bởi cho đến nay, đà tăng của đồng đô la vẫn chưa có dấu hiệu chững lại dù Fed đã có vài lần tăng lãi suất từ tháng 3 đến nay. Thực tế, chỉ số đồng đô la đã tăng 8% kể từ khi Fed tăng lãi suất vào ngày 16/3.
Đồng USD mạnh có thể phần nào giúp Fed chống lại lạm phát vì hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ rẻ hơn. Nhưng USD tăng giá cũng sẽ khiến cho các sản phẩm của các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ kém cạnh tranh hơn ở nước ngoài, đồng thời gây áp lực lên lợi nhuận cuối cùng của các công ty Hoa Kỳ cần chuyển lợi nhuận từ nước ngoài của họ thành đô la. Nên không phải ngẫu nhiên Tập đoàn Microsoft Corp vào tháng 6 vừa qua đã cắt giảm dự báo lợi nhuận và doanh thu quý IV của mình. Trước đó, một số công ty Hoa Kỳ cũng cảnh báo về tác động lợi nhuận sụt giảm khi đồng bạc xanh mạnh hơn.
Trong bối cảnh thị trường tiền tệ đang có những biến động, môi trường lãi suất toàn cầu thay đổi nhanh chóng, các nhà giao dịch ngoại hối kỳ vọng đồng đô la sẽ tiếp tục mạnh lên nữa. Thực tế cho đến thời điểm này của năm nay, đã có tới 25 phiên ghi nhận đồng đô la có mức tăng 0,5% trở lên. Đây là mức cao nhất so với bất kỳ thời kỳ nào kể từ năm 2015. Các nhà đầu cơ đã duy trì quan điểm tăng giá đối với đồng đô la trong gần một năm nay - chuỗi ngày dài nhất kể từ tháng 3/2020, theo dữ liệu mới nhất từ Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Hoa Kỳ.
Hồng Quân