TP.HCM - vẫn điệp khúc “mưa là ngập”
12:16 | 26/06/2022
Từ nhiều năm nay, dù đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng cho các dự án công trình chống ngập, thế nhưng đến nay, mỗi khi mưa lớn hay triều cường thì đường sá TP.HCM vẫn chìm trong biển nước…
Dự báo của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy mùa mưa năm 2022, TP.HCM sẽ có ít nhất 15 điểm ngập sâu và kéo dài trên 30 phút khi “trở trời”, gồm các tuyến đường: Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm cũ) (quận Gò Vấp); Bạch Đằng, Ung Văn Khiêm, Điện Biên Phủ, Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh); Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá (quận 12), Trần Hưng Đạo (quận 1), Nguyễn Biểu (quận 5). Quốc lộ 13, Kha Vạn Cân, Thảo Điền (TP.Thủ Đức), Ba Vân, Bàu Cát (quận Tân Bình). Ngoài ra, TP.HCM còn có 24 điểm ngập tức thời trong mưa (nước mưa không rút trong khoảng 30 phút) gồm đường Phạm Văn Chiêu, Lê Văn Thọ, Phan Huy Ích (quận Gò Vấp), Phạm Văn Đồng, Tô Ngọc Vân, Đỗ Xuân Hợp, Hồ Văn Tư, Nguyễn Duy Trinh, Võ Văn Ngân, Lê Văn Việt, Lã Xuân Oai, Hiệp Bình (TP. Thủ Đức).
![]() |
Đường Lê Lai quận 1, TP. HCM sau một cơn mưa |
Ngoài những tuyến đường ngập do mưa, còn 9 tuyến đường bị ngập do ảnh hưởng của triều cường như Trần Xuân Soạn, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, QL50, Phạm Hữu Lầu, Huỳnh Tấn Phát, Trịnh Quang Nghị, Nguyễn Thị Thập, Tôn Thất Thuyết. Riêng đối với khu vực quận 4, quận 7 và huyện Nhà Bè khi xuất hiện mưa.
Sở Xây dựng TP.HCM đã trình UBND TP.HCM Ðề án chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM giai đoạn 2020 - 2045 cùng kế hoạch chống ngập và xử lý nước thải giai đoạn 2020 - 2030, trong năm 2022, TP.HCM sẽ cho khởi công dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Bến Nghé - Tàu Hũ - Ðôi - Tẻ (giai đoạn 3), hoàn thành vào năm 2027; Dự án cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn dự kiến được khởi công năm 2023 và hoàn thành năm 2028. Bên cạnh đó, thành phố sẽ đầu tư xây dựng hoàn thiện nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè và hoàn thành dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (giai đoạn 2). Ðồng thời, mời gọi đầu tư 6 nhà máy xử lý nước thải: Tây Sài Gòn, Bắc Sài Gòn 1, Bắc Sài Gòn 2, Cầu Dừa, Tây Bắc, Suối Nhum trong giai đoạn 2021 - 2025, triển khai thi công và hoàn thành giai đoạn 2026 - 2030…
Tuy nhiên, để hoàn thiện hệ thống thoát nước, TP.HCM cần bổ sung vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 số tiền hơn 2.938 tỷ đồng (riêng năm 2022 là 123,45 tỷ đồng) cho 9 dự án. HĐND TP.HCM đã ban hành Nghị quyết, theo đó Ban Quản lý dự án hạ tầng đã được bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho 20 dự án (gồm 3 dự án chuyển tiếp, 14 dự án chủ trương đầu tư và 3 dự án quyết toán). Để thực hiện những bước tiếp theo thì các dự án này cần được bổ sung kế hoạch vốn năm 2022 khoảng 377,4 tỷ đồng. Ngoài ra, Ban Quản lý dự án hạ tầng đang thực hiện 4 dự án khởi công mới và 22 dự án trình điều chỉnh chủ trương đầu tư với nhu cầu vốn cần bổ sung gần 141 tỷ đồng. Các dự án cần được HĐND TP.HCM bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 khoảng hơn 5.278 tỷ đồng.
Cho đến nay, dự án chống ngập bằng cống ngăn triều trị giá 10.000 tỷ đồng trên địa bàn TP.HCM do Tập đoàn Trung Nam là chủ đầu tư cũng chưa thể hoàn tất vì thiếu vốn. Vướng mắc chính của dự án liên quan đến phương án thanh toán cho nhà đầu tư. Việc UBND TP.HCM ký hợp đồng BT với nhà đầu tư với tỷ lệ giá trị quỹ đất chỉ bằng 16% tổng chi phí dự án, còn lại bằng tiền được cho là chưa hoàn toàn phù hợp. Dù tháng 4/2021, Chính phủ ra nghị quyết tháo gỡ vướng mắc, chấp thuận cho thành phố tiếp tục thực hiện dự án theo cơ chế đặc thù nhằm đảm bảo lợi ích kinh tế, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư. Tuy nhiên, sau hơn một năm, các công việc đến nay chưa tiến triển do phụ lục hợp đồng BT chưa được ký và ngân hàng không có cơ sở gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn cho dự án.
Theo ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật, Sở Xây dựng TP.HCM, trước mắt, TP.HCM cho sửa chữa các vị trí cống xuống cấp, nạo vét lòng cống, miệng thu, kênh rạch, cửa xả để tăng cường khả năng thoát nước. Ngành thoát nước tổ chức kiểm tra, rà soát vận hành các van ngăn triều đã được lắp đặt tại các cửa xả; vận hành tất cả các trạm bơm cố định để thoát nước, xây dựng các đoạn đê tạm ngăn triều tràn bờ gây ngập…
"Nỗ lực chống ngập thời gian qua của thành phố đã từng bước giảm được số lượng điểm ngập, một số điểm không còn tái ngập. Tuy nhiên, để TP.HCM giải quyết triệt để vấn đề ngập úng, đòi hỏi phải đầu tư, xây dựng các dự án lớn với chi phí cao", ông Điệp nói.
Ngọc Hậu