Văn học trẻ: Chờ đợi sự bứt phá
12:23 | 18/06/2022
Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X sẽ diễn ra tại Đà Nẵng trong hai ngày 18 và 19/6.
Lẽ ra, Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X đã diễn ra từ cuối năm ngoái, đúng hẹn “5 năm 1 lần”. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Hội nghị phải lùi lại, dù giấy mời đã gửi đến tay một số đại biểu. Và tới thời điểm này, khi dịch dã đã tạm yên ắng, ngày khai mạc đã được chốt.
Nhà thơ Hữu Việt - Trưởng ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) cho biết, Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X có 138 đại biểu tham dự, trong đó, có 119 đại biểu là các cây bút trẻ tiêu biểu đến từ nhiều vùng miền trên cả nước. Đây là hội nghị có số lượng đại biểu đông nhất so với hai kỳ hội nghị gần đây. Tác giả trẻ nhất là Trần Phú Minh Anh, sinh năm 2007, hiện là học sinh tại TP. Hồ Chí Minh. Chiếm số lượng đông đảo là các tác giả độ tuổi từ 22-30. Địa phương có đại biểu đông nhất là Hà Nội với 27 đại biểu, đứng thứ hai là TP. Hồ Chí Minh với 22 đại biểu.
![]() |
Các đại biểu tại Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần IX tại Hà Nội |
Đại diện Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, các đại biểu dự Hội nghị lần này được lựa chọn từ đề cử của các Hội Văn học nghệ thuật, Chi hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn các tỉnh thành, Tạp chí Văn nghệ Quân đội và cá nhân các Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.
Trong cuộc họp báo mới đây tại Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh, Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần này là dịp để gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, học hỏi của các cây bút trẻ trên cả nước về công việc viết văn. Đây cũng là dịp để Hội Nhà văn Việt Nam lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các cây bút trẻ, hiểu được những người trẻ đang viết gì, có thái độ và trách nhiệm như thế nào với việc cầm bút. Từ đó, Hội Nhà văn Việt Nam, các thế hệ đi trước có thể trợ giúp, đồng hành với họ trên chặng đường sáng tác, đóng góp cho sự phát triển của văn học nước nhà.
Chủ đề của Hội nghị lần này là “Vì sao chúng ta viết?”. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đó là câu hỏi không mới, không phải bây giờ mới được đặt ra, mà đặt ra từ khi văn chương xuất hiện, từ khi nhà văn đặt bút viết. Nền tảng cuối và duy nhất của nhà văn phải dựa trên chủ nghĩa nhân đạo nhân văn. Vì thế, câu hỏi này đặt ra ở thời điểm này vẫn là cần thiết và cấp bách, không chỉ đối với các nhà văn trẻ, mà với tất cả các nhà văn mỗi khi họ ngồi xuống cầm bút viết.
“Chưa bao giờ, các giá trị về đạo đức, tinh thần, văn hóa, nhân tính có nguy cơ bị đe dọa và phá vỡ nhiều như bây giờ và con đường duy nhất mà nhà văn cầm bút là phải dựa trên nền tảng của chủ nghĩa nhân văn. Trong hội nghị lần này, các nhà văn trẻ sẽ trả lời câu hỏi đó. Văn học phải bảo vệ con người, thiên nhiên, nền văn hóa, là sự chia sẻ với con người khổ đau và tạo những giấc mơ đẹp đẽ…”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam kỳ vọng, trong Hội nghị Viết văn trẻ lần này, các nhà văn trẻ sẽ trả lời câu hỏi về sự hiển lộ lương tri nhà văn trước cuộc đời và trang viết.
Sự kỳ vọng của người đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam là đúng đắn. Song cũng có ý kiến cho rằng, nó hơi “vượt tầm” với đa số cây bút trẻ nằm trong danh sách đại biểu dự Hội nghị lần này. Bởi lẽ, quan sát sự chuyển động của văn học trẻ, đọc nhiều tác phẩm của các cây bút trẻ (cả trên không gian mạng lẫn các tác phẩm đã công bố trên sách, báo thời gian gần đây) thì thấy số lượng nhiều, nhưng chất lượng chưa được như kỳ vọng. Đề tài các tác phẩm của các tác giả trẻ đề cập rộng mở, không giới hạn, song để chạm tới những vấn đề như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đề cập là chưa nhiều. Một số cây bút trẻ hoặc quá tự tin khi sẵn sàng công bố tác phẩm… xoàng xoàng. Một số khác xa rời thực tế, viết văn kiểu salon. Cũng có một số cây bút đã “lập kỷ lục” khi có những tựa sách bán chạy, in tới vài ba chục ngàn bản in, song có chạm được tới “chủ nghĩa nhân đạo nhân văn” hay không và có đọng lại sau một thời gian xuất bản hay không, là câu chuyện cần thảo luận, trao đổi. Bên cạnh đó, thời gian Hội nghị chỉ vẻn vẹn trong 2 ngày, e là khó đủ thời gian để bàn bạc thấu đáo, phân tích cặn kẽ để trả lời thuyết phục những câu hỏi, giải đáp những băn khoăn, hay định hướng cho các cây bút tiếp tục dấn bước trong “trường văn trận bút”.
Lại có ý kiến cho rằng, Hội nghị lần này cần có hội thảo chỉ rõ những cái được, cái còn hạn chế của giới viết trẻ thông qua những tác phẩm đã được công bố trong thời gian gần đây. Chỉ khi phân tích thấu đáo những cái hay, cái dở của văn trẻ đương đại, thì may ra mới tạo thêm những cú hích để những cá tính văn chương mới xuất hiện. Ngoài ra, cũng cần làm rõ ý kiến, có hay không có sự “cản đường” của các nhà văn lớp trước. Bởi trước thềm Hội nghị, có ý kiến phát biểu trên báo chí đại ý các bậc tiền bối đừng là trở lực đối với các nhà văn trẻ. Đây là ý kiến của một nhà phê bình đồng thời là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy nhiên, bằng quan sát thực tế, thì hiện nay các nhà văn trẻ đang đi trên “đại lộ” thênh thang, không hề có bất cứ trở lực nào. Đó là chưa kể, ngày nay các nhà văn trẻ có thể viết và công bố trên mạng, thu hút độc giả của riêng mình từ mạng. Vấn đề hiện tại chỉ là có hay không những cá tính sáng tạo? Nói cách khác, có hay không những tài năng văn học?
Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, hiện nay các tác giả trẻ thuận lợi hơn nhiều thế hệ cha anh. Họ có thể bước một bước ra thế giới rộng lớn, song cùng với đó, họ cũng đối mặt với những khó khăn, vì để đạt được sự đồng thuận khen - chê như thế hệ trước là điều không đơn giản.
Chính vì vậy, rất cần sự bứt phá mạnh mẽ của các tác giả trẻ. Chỉ có tác phẩm thật sự xuất sắc, gây ra những cơn “địa chấn” mạnh mẽ, thậm chí gây tranh luận trong cộng đồng đọc sách tinh hoa thì mới có thể khẳng định được tên tuổi và khiến người ta nhớ, người ta tìm mua sách. Mà con đường để trở thành một nhà văn chân chính nhất định phải có tác phẩm để lại dấu ấn, phải có độc giả của riêng mình.
Nhân dịp này, Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu 2 tập sách tuyển chọn từ nhiều sáng tác của các tác giả là đại biểu chính thức. Đó là tập truyện ngắn “Mắt lửa”; tập thơ và tiểu luận phê bình “Mạch rồng”. Mỗi cuốn dày hơn 500 trang, phác thảo chân dung văn học kèm lý lịch văn học của đa số cây bút trẻ sung sức trên văn đàn hiện nay. |
Thanh Xuân