Hạ giá sách giáo khoa: Niềm mong mỏi của nhiều phụ huynh

Học sinh trên cả nước vừa bước vào kỳ nghỉ hè năm 2022, đây cũng là thời điểm nhiều phụ huynh chuẩn bị hành trang cho con mình bước vào năm học mới trong những tháng tới. Bên cạnh học phí, thì giá sách giáo khoa tăng cao đã khiến không ít phụ huynh lo lắng.

Tăng giá, tăng áp lực

Năm nay, gia đình chị Nguyễn Thanh Hương (quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) chuẩn bị cho hai con bước vào lớp 6 và lớp 10, xen lẫn niềm vui là nỗi lo lắng về giá sách giáo khoa. Chị Hương so sánh, giá bộ sách giáo khoa lớp 6 trước đây chỉ khoảng 210.000 đồng/bộ thì nay đã tăng lên 290.000 đồng/bộ, bộ sách giáo khoa lớp 10 cũng tăng lên mức 250.000-300.000 đồng/bộ, tuỳ tổ hợp môn học. Cả hai bộ sách đều chưa bao gồm sách tiếng Anh, sách tham khảo và đồ dùng học tập.

Cùng chung nỗi lo kinh tế khi giá sách giáo khoa tăng cao, anh Đỗ Huy Thường (quận Đống Đa, TP. Hà Nội) chia sẻ, ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nguồn thu chính của hai vợ chồng hàng tháng chỉ vỏn vẹn 15.000.000 đồng, số tiền này phải trang trải mọi chi phí sinh hoạt của gia đình và học tập cho 3 con. Mấy năm trước, anh còn tiết kiệm được tiền bằng việc xin lại sách giáo khoa cũ nhưng hai năm trở lại đây anh quyết định mua sách mới cho các con yên tâm học tập. Giờ giá 1 bộ sách giáo khoa đã tăng 2-3 lần đã tạo áp lực không nhỏ đến ngân sách gia đình.

ha gia sach giao khoa niem mong moi cua nhieu phu huynh
Cần nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả để hạ giá sách giáo khoa

Trong phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước vừa qua, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) cho biết, cử tri đang rất quan tâm đến vấn đề giá bán sách giáo khoa tăng cao trong lúc cuộc sống của người dân chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Việc tăng giá sách vào thời điểm này sẽ tạo thêm gánh nặng cho các gia đình có con em đến trường, nhất là gia đình thuộc hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, số lượng đầu sách giáo khoa cho học sinh, kể cả học sinh tiểu học quá nhiều, có nhiều cuốn chỉ mang tính tham khảo.

Lý giải nguyên nhân có sự tăng giá sách giáo khoa so với trước, ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, cơ chế về tài chính của bộ sách giáo khoa mới so với bộ sách giáo khoa cũ khác nhau. Theo đó, bộ sách giáo khoa cũ từ năm 2006 được nhà nước bao cấp hoàn toàn kinh phí từ biên soạn, trả tiền tác giả, tập huấn, in ấn và phát hành. Còn bộ sách giáo khoa mới thì các nhà xuất bản, doanh nghiệp đầu tư để thực hiện tất cả các khâu từ biên soạn, mua vật liệu đầu vào, trả tiền nhuận bút, góp phần khiến chi phí tăng lên.

Đưa giá sách vào danh mục quản lý giá

Trước những phản ánh của người dân, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đơn vị đã nhiều lần yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục tiết kiệm tối đa, cắt giảm chi phí trung gian, đảm bảo giá sách giáo khoa thấp nhất; cung cấp sách giáo khoa cho học sinh thuộc vùng khó khăn; cấp bản sách PDF miễn phí để học sinh có thể tiếp cận ngay từ khi phát hành. Đồng thời, Bộ đã có công văn gửi Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, Quốc hội bổ sung sách giáo khoa vào danh mục được nhà nước định giá và có chính sách trợ giá.

Đánh giá cao giải pháp này, một chuyên gia kinh tế khẳng định, việc nhanh chóng đưa sách giáo khoa vào danh mục quản lý giá - một mặt hàng rất đặc biệt, thiết yếu để có giá trần và giá sàn trong quá trình quản lý của các cơ quan chức năng là việc làm cấp thiết. Đây là biện pháp hữu hiệu để tránh tăng giá sách tùy tiện gây tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân, đảm bảo quyền lợi của học sinh đều có sách học, tất cả học sinh đều tiếp cận được và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay của người dân.

Để giảm chi phí sách giáo khoa cho phụ huynh, ngành giáo dục tại địa phương cũng cần có giải pháp hỗ trợ. Ví dụ, tại Nghệ an ngành giáo dục của tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng mô hình thư viện sách giáo khoa theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, tỉnh sẽ dành một phần kinh phí để trang bị sách giáo khoa cho nhà trường. Bên cạnh đó, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, tương tự câu chuyện đấu giá mua sắm công, Sở Giáo dục và Đào tạo tại các địa phương cần đứng trên lợi ích của học sinh và phụ huynh học sinh để chọn những bộ sách phù hợp nhất.

Bên cạnh đó, một chuyên gia cũng đề xuất kêu gọi nhà trường, phụ huynh và các học sinh khóa trước học xong quyên góp hoặc tặng lại sách để xây dựng thư viện sách giáo khoa cho các em khóa sau. Đặc biệt, quá trình xã hội hóa sách giáo khoa nên có hiệu quả và thực chất hơn.

Còn về giải pháp trước mắt, vị chuyên gia này cho rằng cần truyền thông rộng rãi để phụ huynh, học sinh hiểu về loại sách giáo khoa bắt buộc phải có và loại sách bổ trợ, tham khảo không bắt buộc phải mua mà tuỳ thuộc vào điều kiện, nhu cầu của học sinh, phụ huynh. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thống kê danh mục sách giáo khoa bắt buộc đối với từng cấp học để phụ huynh, học sinh có kế hoạch mua sách giáo khoa cho con em mình phù hợp.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ha-gia-sach-giao-khoa-niem-mong-moi-cua-nhieu-phu-huynh-128005.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.