Malaysia còn dư địa để tăng thêm lãi suất

Bộ trưởng Tài chính Malaysia Zafrul cho rằng, kinh tế Malaysia đang tăng trưởng mạnh mẽ nhờ giá hàng hóa tăng và NHTW nước này vẫn còn dư địa để thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa nếu cần để đối phó với lạm phát gia tăng.

Kinh tế Malaysia đã tăng tốc trong quý I vừa qua khi quốc gia này đã loại bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế liên quan đến dịch Covid-19. Điều đó cho phép NHTW vào ngày 11/5 đã tăng lãi suất cơ bản 0,25% lên mức 2% (lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ tháng 7/2020) để chủ động đối phó với áp lực lạm phát, mặc dù giá tiêu dùng đang tăng với tốc độ thấp nhất ở khu vực Đông Nam Á.

malaysia con du dia de tang them lai suat
Ảnh minh họa

Trả lời phỏng vấn của Bloomberg Television khi đang tham dự Diễn đàn WEF ở Davos, Thụy Sỹ, Bộ trưởng Tài chính Malaysia Zafrul khẳng định nước này đang “đi đúng hướng”. Theo đó, tăng lãi suất 0,25% vừa qua không có nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế và 2% vẫn là mức lãi suất phù hợp. Thậm chí nếu áp lực lạm phát gia tăng trong thời gian tới thì lãi suất còn dư địa để tăng thêm. Theo khảo sát của Bloomberg, NHTW Malaysia có thể tiếp tục tăng lãi suất chính sách một lần nữa trong quý III tới.

Tỷ lệ tiêm chủng cao cùng với xu hướng toàn cầu hướng tới việc sống chung với Covid-19 đã thúc đẩy Chính phủ Malaysia mở lại biên giới vào tháng 4. Điều đó làm tăng thêm sự lạc quan rằng sự phục hồi có được trong quý I sẽ càng vững chắc hơn. NHTW Malaysia ước tính, nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh trong khoảng từ 5,3% đến 6,3% vào năm nay.

Tuy nhiên, các rủi ro đối với triển vọng trên vẫn tồn tại trong bối cảnh căng thẳng toàn cầu hiện nay và đặc biệt là áp lực lạm phát đến từ giá thực phẩm. Malaysia là một quốc gia nhập khẩu thực phẩm ròng và đang thực hiện các bước để đảm bảo nguồn cung của mình trong bối cảnh giá lương thực, thực phẩm tăng lên mức cao nhất mọi thời đại.

Dù chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng nhẹ ở mức 2,3% trong tháng 4 nhưng lo ngại về áp lực giá tăng khiến trong tuần này, Chính phủ của Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob đã quyết định tạm dừng xuất khẩu thịt gà từ 1/6 tới để ngăn đà tăng giá thịt gà trong nước. Chính phủ cũng loại bỏ các yêu cầu giấy phép đã được phê duyệt đối với nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm bao gồm lúa mì, thịt gia cầm và sữa, để tăng thêm nguồn cung cho trong nước. Theo nhận định của các nhà phân tích tại TA Securities, chi phí lương thực, thực phẩm tăng cao sẽ tiếp tục là yếu tố chi phối đến lạm phát tại Malaysia trong những tháng tới trong bối cảnh giá hàng hóa toàn cầu tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong nước.

Bộ trưởng Tài chính Zafrul cho biết, Chính phủ đã chi ngân sách nhiều hơn vào việc trợ giá so với năm ngoái để hỗ trợ những người dân Malaysia dễ bị tổn thương nhất. Tuy nhiên, tác động tiêu cực của hoạt động này đến ngân sách không đáng kể do được bù đắp bởi sự giá hàng hóa cơ bản tăng.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/malaysia-con-du-dia-de-tang-them-lai-suat-127702.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.