![]() | Nhiều hình thức khuyến khích thanh toán không tiền mặt |
![]() | Mobile Money: Đòn bẩy để thanh toán số bứt phá |
![]() | Thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu |
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) - một trong hai ngân hàng đầu tiên vừa áp dụng thành công tính năng thanh toán bằng nhận diện khuôn mặt (Facepay), không cần dùng thẻ, không cần dùng điện thoại. Theo đó, người đang sử dụng dịch vụ ngân hàng OCB hoặc đăng ký mới phương thức xác thực giao dịch FaceOTP tải ứng dụng ngân hàng số OMNI, nhìn vào màn hình LCB gắn trên các quầy thu ngân tại các điểm chấp nhận thanh toán qua tài khoản như cửa hàng tiện ích của G25… trong vòng 5 giây sẽ hoàn tất một thanh toán không tiền mặt.
Theo đại diện OCB, tới đây ngân hàng này sẽ tiếp tục phủ rộng mô hình thanh toán không dùng tiền mặt chỉ qua nhận diện khuôn mặt trên các cửa hàng tiện lợi, siêu thị và trung tâm thương mại trên toàn quốc.
![]() |
Ảnh minh họa |
TPBank cũng đã triển khai phương thức thanh toán bằng nhận diện khuôn mặt được phát triển trên nền tảng thuật toán nhận dạng khuôn mặt hệ thống có khả năng phân tích cùng một lúc hơn 50 triệu khuôn mặt, với độ chính xác được ngân hàng xác nhận là 99,97%. Hệ thống có thể đáp ứng cùng một lúc hàng triệu giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, đạt chuẩn bảo mật thông tin dữ liệu PCI DSS quốc tế.
Thực tế, xác thực khuôn mặt đã được nhiều ngân hàng áp dụng trong các giao dịch thanh toán, chuyển tiền trên điện thoại di động, các máy ngân hàng tự phục vụ (live bank). Tuy nhiên ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank cho biết, việc đầu tư công nghệ trong một thế giới số luôn thay đổi rất tốn kém. Chẳng hạn TPBank mỗi năm đầu tư từ 500 - 800 tỷ đồng cho công nghệ và ngân hàng số. “Dù xác định đây là cuộc chơi tốn kém, TPbank vẫn không ngừng đầu tư cho sáng tạo, đổi mới, cập nhật công nghệ. Từ đó tạo ra các sản phẩm đột phá dựa trên nền tảng am hiểu khách hàng, cá nhân hóa tính năng cũng như tăng cường tính bảo mật, an toàn, mục tiêu là mang lại sự trải nghiệm hài lòng và thuận tiện nhất cho khách hàng”, ông Hưng nói thêm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB cho biết, ngân hàng xác định đầu tư cho ngân hàng số là hoạt động đầu tư dài hạn và trước mắt cần tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội.
Phương thức xác thực điện tử (eKYC) được các TCTD triển khai tháng 3/2021, sau khi NHNN ban hành Thông tư 16/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Theo đó, cho phép ngân hàng và các trung gian thanh toán áp dụng xác thực khách hàng từ xa mà không cần đến quầy giao dịch. Quy định này của NHNN đã mở ra cơ hội phát triển nhanh chóng dịch vụ tài chính số của các TCTD và hoạt động thương mại điện tử trên thị trường. Theo số liệu của Vụ Thanh toán, NHNN, tính đến cuối tháng 4/2022 các TCTD đã mở mới khoảng 3,4 triệu tài khoản và 1,3 triệu thẻ thông qua phương thức eKYC.
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, các NHTM cho biết, đang hợp tác với các đối tác là nhà bán lẻ hàng hóa, dịch vụ thực hiện thanh toán nhận diện khuôn mặt không cần thẻ ngân hàng. Như vậy, sau khi các ngân hàng áp dụng thanh toán một chạm bằng điện thoại thông minh, thanh toán quét mã QR Code… hiện nay người dùng dịch vụ thanh toán qua tài khoản bằng nhận diện khuôn mặt không cần phải mang theo thẻ, tiền mặt, điện thoại vẫn có thể thanh toán tại các cửa hàng chấp nhận thanh toán Facepay hoặc chuyển tiền, rút tiền, nộp tiền vào tài khoản…
Các chuyên gia công nghệ ngân hàng cho rằng, hình thức thanh toán qua tài khoản ngân hàng bằng nhận diện khuôn mặt mang tính bảo mật cao do mỗi người được gắn một dữ liệu nhận dạng sinh trắc học duy nhất là khuôn mặt. Theo đó, mỗi bước giao dịch đều được mã hóa và bảo vệ theo tiêu chuẩn bảo mật thông tin dữ liệu.
Tuy nhiên theo bà Genie Gan của Công ty Kaspersky, tấn công vào hệ thống thanh toán cũng như thiết bị di động được dự báo gia tăng trong thời gian tới. Nhất là khi các chuỗi cung ứng công nghệ thông tin ngày càng phát triển đi liền với đó là các lỗ hổng bảo mật có thể xuất hiện ở bất kỳ giai đoạn nào của vòng đời sản phẩm ICT từ khâu thiết kế phát triển sản phẩm, sản xuất, phân phối, mua lại, sử dụng đến bảo trì. Tội phạm mạng đang không ngừng phát triển chiến thuật tấn công và các cuộc tấn công mạng nhắm vào chuỗi cung ứng công nghệ thông tin được dự báo sẽ gia tăng nhanh chóng trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Do đó các chuyên gia cũng khuyến cáo các tổ chức tín dụng cần đầu tư thiết bị theo chuẩn quốc tế để bảo vệ khách hàng và ngân hàng trong các phương thức giao dịch mới.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/thanh-toan-khong-can-the-no-ro-127614.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.