Nâng hạng xếp hạng tín nhiệm quốc gia: Muốn thành công, phải quyết liệt
17:08 | 23/05/2022
Nhìn nhận giữa các mục tiêu cần đạt được đến 2030 với những gì Việt Nam đang có ở hiện tại, chuyên gia Jason Ving tin rằng việc đạt được mức “Đầu tư” là khả thi nếu các giải pháp được thực hiện quyết liệt, đồng bộ để đạt được những bước tiến theo lộ trình các mục tiêu đưa ra...
![]() | Việt Nam được đánh giá xếp hạng tín nhiệm ở triển vọng Tích cực |
![]() | Chung tay, nỗ lực phấn đấu nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên hạng Đầu tư |
![]() |
Chuyên gia Jason Ving |
Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm (XHTN) quốc gia tới năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 31/3/2022, trong đó một trong những mục tiêu quan trọng nhất là phấn đấu tới năm 2030 nâng XHTN của Việt Nam lên hạng Đầu tư. Chuyên gia Jason Ving - Giám đốc Khu vực công ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered tin tưởng, mục tiêu này hoàn toàn khả thi nếu các giải pháp được thực hiện quyết liệt, đồng bộ.
Nhìn lại bức tranh toàn cảnh XHTN quốc gia trên toàn cầu trong giai đoạn hứng chịu đại dịch Covid vừa qua theo các tổ chức XHTN quốc tế (CRAs), ông thấy có những biến chuyển (thay đổi) đáng chú ý gì và triển vọng năm nay thế nào?
Dịch Covid-19 đã tạo ra những tiền lệ chưa từng có đối với XHTN quốc gia khi đã có hơn 350 hành động điều chỉnh (hạ bậc hoặc thay đổi triển vọng) được thực hiện trong bối cảnh các chính phủ trên thế giới phải nhanh chóng điều chỉnh để đối phó với các tác động của đại dịch. Khi các nền kinh tế bắt đầu đi vào ổn định từ cuối năm 2021 nhờ tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin gia tăng và nhu cầu phục hồi, XHTN quốc gia cũng bắt đầu có sự phân hóa giữa những quốc gia ứng phó tốt hơn với đại dịch với các quốc gia mà nguồn thu ngân sách bị thu hẹp và có tỷ lệ nợ gia tăng.
Bên cạnh đó, các sự kiện địa chính trị gần đây cũng gây ra những tác động lên việc XHTN trên toàn cầu khi giá cả hàng hóa và chi phí đi vay tăng cao ảnh hưởng tới bảng cân đối của các chính phủ. Tại châu Á, các hành động để củng cố tài khóa sẽ tiếp tục được thực hiện, với ít nhất một trong ba XHTN quốc gia sẽ được nâng lên triển vọng tích cực và sáu XHTN quốc gia có thể bị hạ xuống mức triển vọng tiêu cực. Nhìn chung, nguy cơ có thể bị hạ bậc XHTN vẫn hiện hữu.
XHTN quốc gia có tầm quan trọng thế nào với những nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, thưa ông?
XHTN là vấn đề đầu tiên mà các nhà đầu tư (NĐT) quan tâm khi đánh giá về một quốc gia, từ các NĐT trực tiếp nước ngoài cho đến các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính. Một mức XHTN tốt là một thước đo từ bên thứ ba cho các khía cạnh trọng yếu và triển vọng của một quốc gia xét trong bối cảnh chung của toàn cầu.
XHTN cũng là một công cụ cung cấp tiêu chí đánh giá cho các DN trong nước khi tiếp cận với thị trường tài chính toàn cầu. Chúng ta có thể thấy rằng chi phí đi vay có sự liên kết chặt chẽ với mức XHTN.
Cùng với các mức XHTN quốc gia hiện tại, cả ba CRAs đều đánh giá Việt Nam ở triển vọng Tích cực. Theo ông, những yếu tố có thể giúp Việt Nam tiếp tục được nâng hạng thời gian tới là gì, và ngược lại?
Các yếu tố sẽ hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình cải thiện XHTN quốc gia, bao gồm: Duy trì mức tăng trưởng cao một cách bền vững; tiếp tục cải thiện tình hình tài chính công thông qua củng cố tài khóa và tăng thu ngân sách cũng như giảm rủi ro ở hệ thống ngân hàng… Trong khi đó, những yếu tố chính có thể dẫn đến việc bị hạ triển vọng, hạ XHTN bao gồm: Rủi ro nợ dự phòng tiềm ẩn tăng mạnh hơn dự kiến; hoạt động kinh tế suy giảm kéo dài và tình hình tài khóa suy yếu.
Chúng tôi cho rằng, với việc Việt Nam hiện đang được cả ba tổ chức XHTN quốc tế đánh giá triển vọng ở mức Tích cực nên việc bị hạ XHTN quốc gia sẽ khó xảy ra trong tương lai gần.
![]() |
Nguồn: Ngân hàng Standard Chartered |
Chính phủ Việt Nam mới đây đã có quyết định phê duyệt Đề án Cải thiện XHTN quốc gia tới năm 2030, trong đó một mục tiêu quan trọng đặt ra là phấn đấu tới năm 2030 nâng XHTN của Việt Nam lên hạng “Đầu tư”. Ông nghĩ những thách thức chính để đạt được mục tiêu trên là gì?
Những mực tiêu được đưa ra trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bao gồm duy trì tỷ lệ nợ công ở mức thấp, cũng cố lĩnh vực ngân hàng và cải thiện chất lượng thể chế quản trị và các chỉ tiêu nguồn nhân lực. Đây là những yếu tố quan trọng sẽ hỗ trợ quá trình nâng bậc XHTN của Việt Nam lên mức Đầu tư.
Chúng tôi tin rằng mục tiêu nâng hạng lên mức “Đầu tư” sẽ khả thi nếu đạt được những bước tiến trong các mục tiêu mà Thủ tướng đều ra. Các cơ quan XHTN đã đưa ra những thách thức cần chú ý đến từ sức khỏe của lĩnh vực ngân hàng, sự minh bạch trong dữ liệu và các chỉ số quản trị toàn cầu (World Governance Indicators - WGI).
Vậy Việt Nam nên đặt ra chiến lược và lộ trình cụ thể như thế nào cho mục tiêu lên “hạng Đầu tư”?
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ mang đến một lộ trình rõ ràng mang tính hành động để nâng hạng lên mức “Đầu tư”. Lộ trình cải thiện XHTN này bao gồm sự kết hợp giữa các mục tiêu định lượng và định tính, song song với việc duy trì được mức XHTN hiện tại trong quá trình hiện thực hóa các tiềm năng tăng trưởng và củng cố vị thế tài khóa như các tổ chức XHTN đã ghi nhận.
Chúng tôi tin rằng, việc chuyển hóa triển vọng tín nhiệm hiện tại ở mức Tích cực thành nâng hạng tín nhiệm sẽ là bước đi tiếp theo của Việt Nam trong tiến trình nhằm đạt được mức Đầu tư. Các tổ chức XHTN có thể sẽ tập trung vào nhìn nhận khả năng của Việt Nam trong việc duy trì tăng trưởng ở mức cao, cải thiện tình hình tài chính công và tăng cường sức khỏe của lĩnh vực ngân hàng. Việc giảm nợ Chính phủ và cải thiện chất lượng tài sản và các khoản cho vay của các ngân hàng sẽ hỗ trợ việc nâng XHTN của Việt Nam.
Trong trung và dài hạn, các yếu tố như gia tăng thu ngân sách và cải thiện điểm số trong các chỉ số quản trị toàn cầu (WGI) sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc nâng hạng. Bên cạnh đó, các biện pháp quan trọng mang tính định lượng hỗ trợ việc nâng hạng lên mức Đầu tư của Việt Nam còn bao gồm cải thiện việc chia sẻ thông tin, dữ liệu với các cơ quan XHTN; tiếp tục tăng cường sự hợp tác liên bộ ngành, cải thiện việc công bố thông và sự minh bạch của dữ liệu.
Xin cảm ơn ông!
Đỗ Lê thực hiện