CPI chưa phản ánh hết sự gia tăng giá cả trên thị trường
Chị Bùi Thu Thuỷ (quận 7, TP. HCM) cho biết, nếu trước đây gia đình 3 người của chị chỉ cần 200 ngàn đồng đã có một bữa cơm tươm tất, thì nay phải mất từ 250-300 ngàn đồng. Giá hàng hóa, dịch vụ tăng chóng mặt. “Hôm vừa rồi gia đình tôi đi từ sân bay Tân Sơn Nhất về nhà, giá cước taxi mất 390 ngàn đồng tăng 70 ngàn đồng so với trước Tết Nguyên đán Nhâm dần”, chị Thủy liệt kê.
Theo Tổng cục Thống kê (GSO), bình quân 4 tháng đầu năm 2022 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2021. Yếu tố giữ CPI ở mức thấp do nhóm hàng thực phẩm giảm 0,94% so với cùng kỳ (chủ yếu do giá thịt lợn giảm), trong bối cảnh giá xăng dầu cùng nhiều loại hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu xây dựng đều tăng ở mức cao.
![]() |
Các khoản thu từ đất đai, chứng khoán cao nhưng không bền |
Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế cho rằng, CPI nhóm hàng thực phẩm chưa phản ánh đúng giá cả thực tế đến tay người tiêu dùng, khi nhiều mặt hàng tiêu dùng siêu thị niêm yết đã tăng khoảng 20-30% so với cùng kỳ do chính sách của nhà sản xuất, nhà cung cấp. Bên cạnh đó, sức mua chưa phục hồi như kỳ vọng, khiến các siêu thị, hệ thống bán lẻ phải áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi luân phiên nhằm hỗ trợ người tiêu dùng, chống “sốc” cho người tiêu dùng trước mặt bằng giá mới. Vị chuyên gia này dự báo, áp lực lạm phát có thể sẽ gia tăng từ cuối quý II năm nay nếu diễn biến giá các loại nguyên, vật liệu thế giới tiếp tục tăng cao. Đặc biệt là giá xăng dầu, sẽ làm cả nhà sản xuất và phân phối đều không thể kìm giữ giá thêm nữa.
Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giá xăng có thể tác động làm tăng chỉ số CPI từ 1-2% trong năm 2022. TS. Trần Toàn Thắng - Trưởng Ban dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp thuộc NCIF dự báo, thời điểm giá xăng tác động mạnh vào mặt bằng giá cả chung sẽ vào những tháng giữa năm và cuối năm 2022. Vì vậy sức ép từ nay đến cuối năm cực kỳ lớn và giữ được mục tiêu 4% là một thách thức rất lớn.
Thu ngân sách không nên chỉ dựa vào người giàu
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Trường Chính sách công và quản lý Fulbright đánh giá, giá cả tăng có thể do chịu ảnh hưởng từ các tài sản tài chính như chứng khoán, bất động sản. Diễn biến thực tế trong các tháng đầu năm 2022 cho thấy tình trạng phát triển nóng ở các thị trường này đã giúp gia tăng đáng kể thu nhập của một bộ phận người dân. Tuy nhiên sự phát triển nóng ở các thị trường này lại không đi vào nền kinh tế thực, trái lại còn tạo thêm lực đẩy lên mặt bằng giá cả.
Trong kinh tế học có hiện tượng “hiệu ứng của cải”. “Khi một người thắng chứng khoán hay nhà đất, họ nghĩ rằng mình giàu lên, từ đó họ chi tiêu nhiều hơn. Chính sức ép chi tiêu của một nhóm người đó tạo ra bong bóng lên lực cầu. Vì vậy từ bong bóng giá tài sản đã dịch chuyển lên bong bóng giá hàng hoá thông thường, khiến giá cả hàng hoá thiết lập mặt bằng mới”, ông Tuấn giải thích.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, thu ngân sách trong 4 tháng đầu năm tăng 13,3% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên theo Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, cơ cấu nguồn thu thiếu bền vững, thể hiện ở các khoản thu chứng khoán, bất động sản tăng khá mạnh. Trong đó thu thuế thu nhập cá nhân từ chứng khoán tăng 21%, thu từ sử dụng đất tăng 27% so với cùng kỳ.
TS. Bùi Trinh - Chuyên gia kinh tế bổ sung, diễn biến của CPI từ nay đến cuối năm còn phụ thuộc rất lớn vào hiệu quả đầu tư công trong quá trình kích cầu đầu tư. Nếu hiệu quả đầu tư công kém, thất thoát lớn, lạm phát sẽ tăng vọt. Ông Trinh lo ngại, lạm phát tăng cao sẽ tác động trực tiếp tới túi tiền người dân. Với doanh nghiệp, lạm phát tăng cao cũng tác động trực tiếp giá cả đầu vào, làm giảm giá trị gia tăng của sản xuất, giảm thu nhập lao động, khiến GDP của nền kinh tế sụt giảm. Nói cách khác, lạm phát tăng cao sẽ tạo ra tác động kép, thu nhập người dân giảm đi trong khi họ phải bỏ nhiều tiền hơn để mua hàng hóa.
Việc kiểm soát lạm phát, phục hồi thu nhập cho đại bộ phận người dân, đi cùng với kích thích tiêu dùng trong nước, có vai trò rất lớn đối với kích thích tăng trưởng kinh tế trong các tháng còn lại của năm 2022 và cả những năm tiếp theo. Vì vậy, các chuyên gia lưu ý không nên chỉ nhìn vào tình hình thu ngân sách đang tăng cao mà đánh giá sức khoẻ của nền kinh tế đang ổn định, từ đó buông lỏng các biện pháp hỗ trợ.
TS. Trần Toàn Thắng khuyến nghị, việc giảm giá xăng và giữ lạm phát thấp để kích thích nền kinh tế có thể kéo theo các nguồn thu khác ngoài thu từ xăng dầu, đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu thu ngân sách của nhà nước.
TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng nhận định, các giải pháp giảm thuế, phí thuế phải được coi là một khoản đầu tư của Chính phủ cho nền kinh tế và các doanh nghiệp. Ông Lâm chia sẻ, vừa qua có một số ý kiến cho rằng nếu tiếp tục giảm các nguồn thu vào ngân sách thì sẽ hụt thu ngân sách, chi tiêu khó khăn hơn, nên cần cân nhắc các biện pháp hỗ trợ. Tuy nhiên ở đây cần coi các khoản hỗ trợ này là một khoản đầu tư để kích thích nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hơn và trong tương lai sẽ kéo theo phục hồi cả ngân sách quốc gia bằng các nguồn thu bền vững, thay vì dựa vào nguồn thu từ túi người giàu như diễn biến trong 4 tháng đầu năm nay.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/khoang-cach-giau-ngheo-dang-noi-rong-127519.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.