Xây dựng mã số vùng trồng là xu hướng tất yếu

Ngành nông nghiệp Gia Lai đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, hợp tác xã, DN đăng ký cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để nông sản Gia Lai có điều kiện thuận lợi vươn ra thị trường quốc tế.

Cục Bảo vệ thực vật vừa có văn bản số 255/BVTV-HTQT về việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt mã số các vùng trồng và cơ sở đóng gói quả tươi đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch.

Trong đó, Gia Lai có thêm 10 mã số vùng trồng chuối gồm: Nông trường Diên Phú (xã Diên Phú, TP. Pleiku); Nông trường Ia Phìn (xã Ia Phìn), Công ty cổ phần Gia súc Lơ Pang (xã Ia Băng, huyện Chư Prông); Nông trường chuối (xã Hneng), Nông trường chuối Kon Gang 1, Kon Gang 2 (xã Kon Gang), Nông trường chuối Hải Yang (xã Hải Yang, huyện Đak Đoa); Nông trường chuối Lơ Pang (xã Lơ Pang), Nông trường chuối Đak Yă (xã Đak Yă), Nông trường chuối Kon Thụp (xã Kon Thụp, huyện Mang Yang) và 13 cơ sở đóng gói quả tươi đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch.

xay dung ma so vung trong la xu huong tat yeu
Ảnh minh họa

Như vậy, đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 51 mã số vùng trồng cho cây ăn quả và 21 cơ sở đóng gói trái cây của tỉnh Gia Lai để phục vụ xuất khẩu. Có thể nói, đây là lợi thế lớn đối với hoạt động sản xuất sản phẩm nông nghiệp địa phương này. Ngành nông nghiệp Gia Lai đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, hợp tác xã, DN đăng ký cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để nông sản Gia Lai có điều kiện thuận lợi vươn ra thị trường quốc tế.

Theo các DN, để xuất khẩu nông sản theo đường chính ngạch, nhiều nước yêu cầu các mặt hàng nhập khẩu phải có truy xuất được vùng trồng, cơ sở đóng gói, quy trình sản xuất. Việc xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói là xu hướng tất yếu để sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Do đó, nếu không có mã số vùng trồng, sản phẩm chỉ bán ở thị trường nội địa hoặc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Khi được cấp mã số vùng trồng, sản phẩm xuất khẩu theo đường chính ngạch và giá trị nâng lên 20-30%. Mã vùng trồng có ý nghĩa rất quan trong cho xuất khẩu trái cây của Việt Nam ra thị trường thế giới cũng như tạo chỗ đứng ổn định sản phẩm của đơn vị.

Để tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, UBND tỉnh Gia Lai vừa có công văn bản giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, tham mưu việc xây dựng, bổ sung các chỉ tiêu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vào các chương trình, đề án, kế hoạch hành động phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan hướng dẫn, tổ chức thực hiện tốt công tác thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu trên địa bàn theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; nghiên cứu tham mưu, đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh để khuyến khích, hỗ trợ phát triển các vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy mô sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của nước xuất khẩu...

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/xay-dung-ma-so-vung-trong-la-xu-huong-tat-yeu-127386.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.