Hội thảo phân tích tổng quan thị trường bất động sản hiện nay và tác động của chính sách thuế đối với thị trường bất động sản, cũng như làm rõ những khó khăn trong việc xác định giá đất khi cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước và các giao dịch về đất.
Đặc biệt, các chuyên gia trong lĩnh vực này đã đưa ra một số giải pháp phát triển thị trường bất động sản, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện "siết" thuế bất động sản...
![]() |
Theo thông tin tại Hội thảo, hiện nhiều nước trên thế giới có nguồn thu từ thuế đất đai và tài sản gắn liền với đất luôn chiếm 50-90% tổng thu ngân sách. Nguồn thu này là nguồn lực chính cho phát triển địa phương, nhất là các đô thị.
Mặt khác, thuế có liên quan đến đất đai không chỉ có chức năng tạo nguồn thu cho ngân sách mà còn là một công cụ tài chính để điều tiết thị trường bất động sản, giúp phát triển đô thị. Đây là những công cụ hữu hiệu để điều chỉnh trong trường hợp sốt giá đất, chống đầu cơ tích trữ đất đai và kiểm soát dòng người di cư tự phát vào các đô thị.
Để ổn định thị trường, hạn chế đầu cơ, khai thác có hiệu quả bất động sản nhà ở và bảo đảm quyền lợi của Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2161/2021/QĐ-TTg về phê duyệt Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất bổ sung một số loại thuế liên quan đến thị trường bất động sản như thuế tài sản nhà ở.
Theo đó, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và các Cục thuế địa phương đã có văn bản yêu cầu các cơ quan liên quan phối hợp xử lý có hiệu quả hành vi trốn thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Tại Chiến lược Cải cách thuế đến năm 2030 vừa được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành, Bộ Tài chính được đề nghị nghiên cứu “theo hướng tăng mức điều tiết với đất và bổ sung thu thuế với nhà” nhằm khuyến khích sử dụng hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất.
Thực tế, số thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, nhận thừa kế và nhận quà tặng là bất động sản mỗi năm chỉ hơn 10.000 tỷ đồng, chưa tương xứng với giao dịch thực tế. Hiện tượng kê khai giá giao dịch bất động sản thấp hơn so với thực tế nhằm giảm đi số thuế phải nộp khá phổ biến trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước - một hoạt động kinh tế vừa tăng nguồn thu ngân sách, vừa cung cấp lượng “hàng hóa mới” cho thị trường bất động sản - thời gian qua lại chưa đạt kết quả đề ra. Nguyên nhân chính là do phương án định giá, sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn nhiều vướng mắc, tồn tại…
Gần đây nhất, tại Hội nghị Trung ương 5 Khóa 12 tuần qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại một vấn đề nan giải trong hơn 2 thập kỷ gần đây đó là quản lý đất đai. Tổng Bí thư nhấn mạnh về nhu cầu hoàn thiện hệ thống chính sách đất đai hợp lý hơn nhằm giảm khiếu kiện, mâu thuẫn về đất đai; bảo vệ được cán bộ; qua đó phát huy được vai trò đặc biệt quan trọng của nguồn lực đất đai trong tiến trình phát triển đất nước.
Hội thảo “Khai thác nguồn lực tài chính từ đất, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản” còn là diễn đàn đa chiều để các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, các định chế tài chính thảo luận và đưa ra khuyến nghị nhằm giải quyết các vấn đề đang đặt ra, giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/khai-tha-c-nguo-n-lu-c-tu-dat-thuc-day-thi-truo-ng-bat-dong-san-phat-trien-127206.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.