![]() | Hà Nội có thêm tuyến xe buýt điện thứ 7 |
![]() | TP.HCM dự kiến mở mới thêm nhiều tuyến xe buýt |
Trợ giá nhưng vẫn khó khăn
Đầu tư xe mới, tài xế thân thiện nhưng 5 năm qua, kể từ khi dịch vụ xe buýt trợ giá được đưa vào hoạt động, các tuyến xe buýt nội đô ở Đà Nẵng vẫn trong tình trạng "đói" khách. Sau thời gian dài phải "đắp mền" vì dịch Covid-19, cuối năm 2021, Đà Nẵng đã cho chạy lại các tuyến xe buýt trợ giá. Thế nhưng, gần nửa năm trôi qua, khách vẫn chỉ lác đác vài người mỗi chuyến.
Theo Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng Đà Nẵng (Datramac), hệ thống vận tải buýt công cộng tại thành phố do Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 vận hành với tổng giá trị trợ giá 65 tỷ đồng cho 5 năm. Đến nay, hệ thống này có hơn 100 đầu xe, với 11 tuyến xe buýt trợ giá có tổng chiều dài 222km với gần 1.000 điểm dừng và 202 nhà chờ. Trong 5 năm qua, hệ thống xe buýt trợ giá đã vận chuyển hơn 13 triệu lượt hành khách lưu thông trong nội đô thành phố. Mặc dù đều đi qua các tuyến đường trung tâm ở Đà Nẵng, nhưng hoạt động của các tuyến xe buýt trợ giá gặp không ít khó khăn do lượng khách giảm, thu không đủ bù chi.
![]() |
Xe buýt trợ giá đang nằm chờ ở bãi đỗ của Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 |
Báo cáo của Datramac cho thấy, trong năm 2021, trung bình có 8,9 hành khách/lượt xe, giảm so với cùng kỳ năm trước. 4 tháng đầu năm 2022 tình hình cũng không khả quan. Nhu cầu đi lại của người dân bằng xe buýt đã giảm nhiều từ sau khi Covid-19 bùng phát, có những lượt xe chỉ có 1-2 khách. Mặc dù trên thực tế, xe buýt đã giảm tần suất hoặc ngưng hoạt động nhưng doanh nghiệp vận tải vẫn phải duy trì chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, đóng phí bảo trì đường bộ, bảo dưỡng sửa chữa, đăng kiểm đầy đủ cho phương tiện theo quy định. Cộng thêm chi phí phát sinh cho hoạt động phục vụ phòng, chống dịch khiến doanh nghiệp vận tải buýt gặp nhiều khó khăn.
Được biết đã ít nhất 2 lần, các phụ xe, tài xế xe buýt của Công ty CP Công nghiệp Quảng An 1 đã đình công do bị nợ lương, bảo hiểm và các khoản phụ cấp khác. Việc hàng loạt phụ xe, tài xế tạm ngưng làm việc khiến hệ thống xe buýt nội thành Đà Nẵng bị đình trệ, nhiều học sinh, sinh viên đến trường bằng phương tiện này bị ảnh hưởng, buộc lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải Đà Nẵng phải can thiệp tháo gỡ vướng mắc, động viên lái xe, phụ xe đi làm lại.
Hiện Đà Nẵng có 11 tuyến buýt trợ giá. Trong đó, có 5 tuyến hoạt động từ đầu năm 2017, đến năm 2019 đưa vào hoạt động thêm 6 tuyến. Đối tượng khách chủ yếu của các tuyến xe buýt trợ giá là học sinh, sinh viên và người cao tuổi có thói quen đi xe buýt, đây cũng là sự lựa chọn của nhiều khách du lịch.
Giải pháp tháo gỡ
Ông Hồ Nguyễn Quốc Cường - Phó Giám đốc phụ trách Datramac cho biết: Mặc dù hệ thống vận tải hành khách công cộng có trợ giá tại thành phố hoạt động 5 năm nay và có nhiều chuyển biến tích cực, song hoạt động của các tuyến xe buýt trợ giá vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa có thói quen tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải công cộng... Bên cạnh, dịch Covid-19 xảy ra khiến hoạt động vận tải hành khách công cộng nói chung và xe buýt nói riêng gặp khó. Ngoài ra, một số vấn đề còn hạn chế về lộ trình tuyến, về thời gian tiếp cận, về chế độ thông tin thông báo chưa được phổ biến, về điểm kết nối, việc thanh toán vé...
Để gỡ khó cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xe buýt, cũng như người lao động trong lĩnh vực này, Sở Giao thông - Vận tải đã tham mưu UBND thành phố bổ sung nhóm đối tượng “lái xe, phụ xe của các tuyến xe buýt trợ giá của thành phố” được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19; xem xét hỗ trợ một phần doanh thu hoạt động xe buýt (doanh thu vé và quảng cáo) cho doanh nghiệp... Nghiên cứu tham mưu điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt cho phù hợp, tăng hoặc giảm số điểm dừng, giám sát biểu đồ xe chạy; tổ chức các tuyến xe buýt kết nối với trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu dân cư, khu hành chính và khu đô thị mới vào mạng lưới xe buýt chung của thành phố. Thành phố cũng cho triển khai đấu thầu lại 5 tuyến xe buýt đã hết hạn; có cơ chế hỗ trợ các khoản kinh phí phát sinh phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; xem xét hỗ trợ các khoản vay, phí bảo lãnh ngân hàng, thuế, phí đăng kiểm, bảo trì đường bộ, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Trong năm 2022, Datramac đặt ra các giải pháp về cải thiện hạ tầng, công nghệ. Trong đó, sắp xếp lại lộ trình thuận lợi và bố trí hợp lý các điểm dừng, nhà chờ. Datramac sẽ tiếp tục vận động cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên sử dụng xe buýt để thay dần xe cá nhân. Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ thí điểm việc cho thuê xe đạp và bố trí một số điểm cho thuê gần các bến, điểm dừng xe buýt để hoàn thiện hệ thống vận tải công cộng.
Chủ tịch Hiệp hội taxi Đà Nẵng Trần Thanh Tâm kiến nghị: Để hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải nói chung, doanh nghiệp vận tải buýt trợ giá nói riêng, thành phố cần ưu tiên bố trí vốn đầu tư hệ thống vận tải hành khách công cộng như: bến bãi, điểm trung chuyển, lối đi bộ trên vỉa hè, ứng dụng công nghệ trong việc quản lý vé, doanh thu...
Một phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Đà Nẵng bày tỏ, trước khi đưa các tuyến xe trợ giá vào hoạt động, Sở đã thực hiện nhiều hình thức truyền thông đến người dân. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều người dân chưa quan tâm sử dụng dịch vụ. Sắp tới, Sở sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội và các công sở, trường học để khuyến khích người dân sử dụng xe buýt. Bên cạnh, sau thời gian vận hành, Sở sẽ điều tra, khảo sát, tham vấn người dân đi xe buýt, đánh giá tình hình hoạt động nhằm đề xuất thành phố nhiều giải pháp như: Điều chỉnh lộ trình cho phù hợp, tăng hoặc giảm số điểm dừng, giám sát biểu đồ xe chạy.
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/xe-buyt-tro-gia-kho-chong-kho-127139.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.