Nông dân thấp thỏm vì phân bón không rõ nguồn gốc

Hiệp hội Phân bón Việt Nam khuyến cáo, bà con nông dân cần nâng cao nhận thức, thay đổi chính thói quen của mình để tránh mua phải phân bón giả, kém chất lượng. Để tránh rủi ro, bà con nông dân nên tìm mua các sản phẩm vật tư nông nghiệp có hóa đơn, chứng từ rõ ràng...

Liên tiếp xử lý nhiều vụ việc

Vừa qua, Tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang phối hợp cùng các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện nhiều hàng hóa phân bón không rõ nguồn gốc tại Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Sản xuất Trang Điền tại thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn. Tại thời điểm kiểm tra, phía doanh nghiệp không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng hoá nhãn mác nước ngoài; hoá đơn, chứng từ nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu đầu vào và chứng nhận hợp quy, thông báo tiếp nhận hợp quy. Trước đó, đơn vị này cũng bị UBND tỉnh An Giang ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi “Kinh doanh hàng hoá trên nhãn có các thông tin khác không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hoá đó và sản xuất hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng”. Riêng quý I/2022, lực lượng chức năng của địa phương bắt giữ hơn 15 vụ buôn bán phân bón giả.

nong dan thap thom vi phan bon khong ro nguon goc
Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy phân bón không đảm bảo chất lượng, giả mạo

Tương tự, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk cũng vừa xử lý vụ việc liên quan đến phân bón không rõ nguồn gốc với số lượng lớn nhất từ trước đến nay. Cụ thể, lực lượng công an đã phát hiện, kiểm tra xe ô tô có chứa 570 thùng sản phẩm phân bón không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Lái xe khai nhận số hàng này được bốc xếp từ kho hàng thuộc Công ty TNHH Tập đoàn CT Tây Nguyên nên lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra kho hàng và phát hiện thêm 3390 thùng sản phẩm phân bón. Tổng khối lượng phân bón trong kho và trên xe phát hiện được là 3960 thùng (ước tính giá trị khoảng 11 tỷ đồng). Ngoài ra, trong khu vực sản xuất còn có 2 máy trộn và nhiều nguyên vật liệu để sản xuất phân bón.

Trước đó, cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án hình sự đối với 3 bị can về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả" là phân bón xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Châu Rhino tại Đồng Nai. Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện 8,5 tấn thành phẩm phân bón 111 HLS Super Lân canxi; 28,5 tấn phân bón hữu cơ trùn quế, khoảng 5 tấn phân hạt đen chưa đóng bao bì, 25m3 nguyên liệu, bột màu dùng để sản xuất phân, 100m3 đá nguyên liệu và 31.700 vỏ bao bì phân bón các loại.

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nói thêm, phân bón giả gây ra thiệt hại rất lớn cho người nông dân do hàm lượng dinh dưỡng không đạt, năng suất kém; ngoài ra, còn gây hại đất, ảnh hưởng môi trường, nguồn nước... Theo đánh giá của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, chỉ riêng ngành nông nghiệp, mỗi năm thiệt hại 2,5 tỷ USD do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy mỗi năm, ngành nông nghiệp tiêu thụ trên 10 triệu tấn phân bón, trong đó có một tỷ lệ đáng báo động là phân bón giả, kém chất lượng. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người nông dân, nhất là ở các vùng sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, vùng sâu, vùng xa, các đối tượng tiêu thụ phân bón giả thường sử dụng các chiêu thức bán hàng giá rẻ, bán thiếu tới cuối vụ, khuyến mãi với nhiều hình thức, tặng quà, du lịch… Thậm chí, lợi dụng cả chủ trương "liên kết 4 nhà", lợi dụng uy tín của chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể để quảng cáo phân bón giả, kém chất lượng. Hơn nữa, khi mua phân bón, người dân thường có thói quen ra cửa hàng nhờ chủ tư vấn, họ đưa loại nào dùng loại đấy hoặc thấy có in hình giống các thương hiệu phân bón lớn là mua mà không xem xét hàng thật hay giả.

Không tiếp tay cho hàng giả, kém chất lượng

Để xử lý dứt điểm tình trạng sản xuất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, mới đây, Cục Bảo vệ thực vật đã công bố danh sách 92 doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhập khẩu, sản xuất, buôn bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng để nông dân kịp thời nắm thông tin để phòng tránh rủi ro. Trong đó, có 44 cơ sở đã bị xử phạt vi phạm mắc lỗi nhập khẩu phân bón không bảo đảm chất lượng; 9 cơ sở sản xuất phân bón không đảm bảo chất lượng; 6 cơ sở buôn bán phân bón không đảm bảo chất lượng; 3 cơ sở kinh doanh phân bón vi phạm nội dung ghi nhãn; 1 cơ sở không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm phân bón.

Đồng thời, Cục Bảo vệ thực vật sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón; vận động người dân chủ động tố giác và không tiếp tay cho các đối tượng vi phạm để góp phần hạn chế các hành vi vi phạm; thường xuyên kiểm tra, rà soát việc thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh, chất lượng, nhãn hàng hóa, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết... Đồng thời, chính quyền địa phương các cấp cần phối hợp với các cơ quan chuyên ngành ở địa phương tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón phải ký cam kết không kinh doanh phân bón giả, hàng nhập lậu, không đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Phân bón Việt Nam khuyến cáo, bà con nông dân cần nâng cao nhận thức, thay đổi chính thói quen của mình để tránh mua phải phân bón giả, kém chất lượng. Để tránh rủi ro, bà con nông dân nên tìm mua các sản phẩm vật tư nông nghiệp có hóa đơn, chứng từ rõ ràng...

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/nong-dan-thap-thom-vi-phan-bon-khong-ro-nguon-goc-127059.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.