Khoảng mươi năm nay, cứ thi thoảng lại thấy có thêm một vài cuốn sách về Sài Gòn. Cũng giống như mảng sách về Hà Nội, hai chữ Sài Gòn được chọn để xuất hiện trên các tựa sách là phổ biến: “Sài Gòn một thuở: Dân Ông Tạ đó!” (Cù Mai Công), “Sài Gòn của tôi” (Quốc Bảo), “Sài Gòn tình yêu trong tôi” (Nguyễn Ngọc Hà), “Sài Gòn có một thời như thế” (Nguyễn Hữu Thái), “Sài Gòn một sợi tơ lòng” (Lê Hoàng Hựu), “Sài Gòn những biểu tượng” (Nhiều tác giả), “Sài Gòn bao nhớ” (Đàm Hà Phú), “Sài Gòn thương còn hổng hết” (Hoàng My), “Sài Gòn chuyện đời của phố” (Phạm Công Luận), “Sài Gòn đất lành chim đậu” (Phan Hoàng), “Sài Gòn đất và người” (Nguyễn Thanh Lợi), “Sài Gòn còn thương thì về” (Tống Phước Bảo)…
![]() |
Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong trong buổi ra mắt cuốn sách ảnh “Sài Gòn Covid-19” |
Ngay cả những cuốn sách mới nhất, được xuất bản trong thời gian dịch Covid-19 này, cũng có tựa đề gắn với chữ Sài Gòn: “Sài Gòn chọn nhớ những điều thương” (Nhiều tác giả), “Sài Gòn Covid-19” (Trần Thế Phong), “Sài Gòn ngoan cường” (Nguyễn Á)…
Có lúc không tránh khỏi cảm giác “bội thực” khi bước vào hiệu sách thấy ràn rạt những tựa sách về Sài Gòn. Nhưng qua đi cảm giác ấy, nếu dừng lại, để tâm hồn mình bước vào thế giới sách ấy, là một sự khám phá thú vị. Bởi mỗi tác giả có một cách nhìn về Sài Gòn, một trải nghiệm khác nhau và theo đó, cho người đọc bước vào những “căn phòng” thú vị.
Chẳng hạn, nếu lật mở cuốn sách ảnh “Sài Gòn Covid-19” của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong mới ra mắt gần đây, sẽ gặp 155 bức ảnh được lựa chọn từ hơn 6.000 bức đã chụp từ tháng 6 đến tháng 11/2021. Đó là những khoảnh khắc khó quên đối với người dân thành phố này, khi dịch bệnh hoành hành khiến cuộc sống đảo lộn và cả những mất mát khó lấp đầy. Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong đã kể lại những câu chuyện bằng ảnh, rất sinh động. Và để có những bức ảnh ấy, anh đã lao vào những điểm nóng của dịch bệnh, đối diện với nhiều hiểm nguy, thậm chí chấp nhận đánh đổi mạng sống… Có thể nói, đó là những khoảnh khắc quý giá, mà sau này có thể trở thành những tư liệu giá trị, có sức nặng của ký ức.
Còn nếu dừng lại ở bộ sách “Sài Gòn chuyện đời của phố”, ta sẽ được tác giả Phạm Công Luận đi ngang dọc mảnh đất này, khám phá những ngõ phố, những đời người. Sinh năm 1961, là thị dân gốc Sài Gòn, cộng thêm công việc của một nhà báo chuyên nghiệp, Phạm Công Luận có đầy đủ ký ức, thực tế và tư liệu để viết sách về mảnh đất này. Anh đã khảo sát được nhiều tư liệu quý ẩn tàng trong những xấp báo phủ bụi thời gian. Nhưng không chỉ có vậy, phẩm chất của nhà báo cũng khiến cho anh có thêm những thao tác khác, như khảo sát thực tế, đối chiếu giữa ký ức cá nhân đặt trong ký ức cộng đồng để giúp những trang sách sống động hơn, hấp dẫn hơn.
Trong những tên tuổi viết sách về Sài Gòn, khó có thể bỏ qua nhà văn Lê Văn Nghĩa. Ông sinh năm 1953, vốn là cây bút của những tiểu phẩm cười, song mấy năm nay đã liên tục viết lại những câu chuyện đời sống thị dân, văn hóa sinh hoạt... với các tập sách như “Sài Gòn - Dòng sông tuổi thơ”, “Mùa hè năm Petrus”, “Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy”, “Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ”, “Sài Gòn - Khâu lại mảnh thời gian” và gần đây là “Sài Gòn - Chuyện xưa mà chưa cũ”. Với các tác phẩm này, Lê Văn Nghĩa rong ruổi khắp nơi từ hang cùng ngõ hẻm đến quán xá chợ búa, anh nhìn ngắm mọi thứ từ mỗi vật dụng hàng ngày đến từng công trình xưa cũ và đâu đâu ông cũng thấy kỷ niệm, cũng có ký ức, cũng bật ra nỗi niềm… Điều đặc biệt, đọc những trang viết của ông thấy hiện ra không gian Sài Gòn, ký ức Sài Gòn và ngôn ngữ Sài Gòn.
Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh là mảnh đất bao dung, là nơi thu hút và luôn chấp nhận mọi hoàn cảnh, chia sẻ cơ hội cho mọi người. Mảnh đất này cũng chấp nhận nhiều phong cách của mọi cây bút. Người mới đến sẽ có cái nhìn của người mới đến, người sống lâu hay gốc Sài Gòn sẽ có những trang viết của người sống lâu, nhà nghiên cứu sẽ có những trang viết chuyên khảo, chuyên sâu… Mỗi cuốn sách giống như một căn phòng. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nhiều tác giả đang có những cái nhìn “ve vuốt”. Những cảm xúc, hay cách khai thác na ná nhau về những hẻm phố, những cảnh sắc phố phường xuất hiện trong nhiều tập sách đã khiến độc giả cảm thấy trùng lặp. Nhiều cuốn sách chỉ đơn giản là sự tập hợp những bài báo của nhiều người, hay một người, đã xuất hiện trên báo chí thời gian qua. Là sách từ các chuyên mục trên báo chí hay từ nhiều bài báo của nhiều tác giả cũng là một cách. Song, khi tập hợp lại trong một cuốn sách thì cần có sự chăm chút, đầu tư về minh họa, hoặc những bức ảnh để cuốn sách trở nên có sức nặng hơn.
Nhà nghiên cứu Phạm Công Luận có lý khi cho rằng, “duy trì dòng sách viết về Sài Gòn là sự đóng góp có ý nghĩa cho Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh, nhằm tăng cường hiểu biết mọi mặt cho độc giả, về quá khứ và hiện tại cũng như những viễn kiến về tương lai, nhất là đối với những người trẻ”.
Trong khi đó, theo nhà thơ Lê Minh Quốc, thời gian qua đã có nhiều sách về Sài Gòn khá toàn diện, từ địa danh, cảnh cũ người xưa, tới tiếng lóng, ẩm thực... “Tuy nhiên, phần lớn chúng mới đạt được ở tầm cảm xúc, mới chạm vào bề nổi văn hóa Sài Gòn. Hiếm có những cuốn như “Ve vãn Sài Gòn” (Chị Đẹp), “Sài Gòn - Chuyện đời của phố” (Phạm Công Luận), “Mùa hè năm Petrus” (Lê Văn Nghĩa)... nhấn mạnh được về chiều sâu Sài Gòn, có đối chiếu giữa Sài Gòn xưa và nay. Sách về Sài Gòn cần lắng đọng và đi vào chiều sâu hơn nữa sẽ càng thu hút được bạn đọc”- nhà thơ Lê Minh Quốc nhấn mạnh.
Với lịch sử thăng trầm của vùng đất này, những tùy bút, tản văn có thể sẽ là chưa đủ để cho độc giả thấy được sự vạm vỡ, lắng sâu. Vì thế, cần có thêm những công trình khảo cứu ở nhiều lĩnh vực, từ văn chương cho tới mỹ thuật, nhiếp ảnh, hội họa, kiến trúc… Thêm nữa, cũng cần cả những trang viết chỉ ra những khuyết thiếu, những điều cần căn chỉnh để gương mặt một vùng đất, của những sắc dân như Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh được khắc họa một cách đủ đầy, chân thật mà vẫn ấm áp, bao dung...
Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/yeu-sai-gon-qua-tung-trang-sach-127058.htmlIn bài viết
Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.