Ngân hàng nâng cao tín nhiệm

Cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới là Moody's, Standard & Poor's và Fitch Ratings đều đánh giá Việt Nam có triển vọng “tích cực” sau một thời gian chứng kiến sự cải thiện môi trường vĩ mô và ổn định tài chính của Việt Nam...
ngan hang nang cao tin nhiem Moody’s xếp hạng tín nhiệm Ngân hàng Bản Việt với triển vọng ổn định
ngan hang nang cao tin nhiem Moody’s nâng mức xếp hạng tín nhiệm SHB từ ổn định thành tích cực
ngan hang nang cao tin nhiem Xếp hạng tín nhiệm để nâng cao chất lượng trái phiếu doanh nghiệp

Uy tín ngân hàng đi lên theo tín nhiệm quốc gia

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s Investors Service (Moody’s) vừa công bố mức xếp hạng B3 dành cho Ngân hàng Bản Việt, ghi nhận triển vọng của ngân hàng này qua đánh giá năng lực tài chính những năm trở lại đây. SHB cũng được Moody’s nâng mức xếp hạng tín nhiệm từ ổn định thành tích cực. Cụ thể Moody’s đã nâng mức xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi dài hạn của SHB từ B2 lên B1, nâng hạng Đánh giá tín dụng cơ bản (BCA) của SHB từ B3 lên B2. Tổ chức xếp hạng này cũng công bố nâng đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) SeABank từ B2 lên B1, tiếp tục giữ xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi dài hạn của SeABank ở mức B1 năm thứ 4 liên tiếp với triển vọng phát triển tích cực. HDBank ngay trong đại dịch Covid-19 cũng được Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm B1 từ ổn định lên tích cực…

ngan hang nang cao tin nhiem
Ảnh minh họa

Trao đổi với một chuyên gia tài chính - ngân hàng, vị này chia sẻ, nhìn vào những ngân hàng được các tổ chức quốc tế nâng xếp hạng tín nhiệm thì mẫu số chung đều phản ánh chất lượng tài sản của ngân hàng đó đã có sự cải thiện rõ rệt, năng lực tài chính cải thiện được nâng cao. Như trường hợp SHB, ngân hàng này trong năm 2021 đã thu hồi nợ và tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC, Vinashin trước thời hạn, cơ quan xếp hạng có sự kỳ vọng về cải thiện hơn hồ sơ tín dụng, nhờ vào sự cải thiện vốn của ngân hàng. Hay SeABank có tổng thu thuần ngoài lãi năm 2021 chiếm tỷ lệ 26,3%/tổng doanh thu; ROA và ROE lần lượt là 1,33% và 16,12%; tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,65%. Ngân hàng Bản Việt có tổng quy mô tổng tài sản 5 năm trở lại đây tăng trưởng trung bình hơn 17%/năm, riêng năm 2021 tổng tài sản tăng 25% so với năm 2020. Năm 2020 cũng đánh dấu việc ngân hàng này hoàn tất việc mua lại toàn bộ trái phiếu VAMC trước thời hạn và là một trong những ngân hàng sạch nợ xấu tại VAMC.

Năm 2021 là một năm khó khăn chưa từng có của kinh tế toàn cầu cũng như trong nước, lĩnh vực tài chính - ngân hàng cũng đã chịu những ảnh hưởng mạnh mẽ, song hệ thống ngân hàng vẫn ghi nhận những điểm sáng nhờ vào những giải pháp thiết thực, hiệu quả và kịp thời để vượt qua khủng hoảng, tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính cho rằng, việc có một nền kinh tế vĩ mô ổn định, duy trì nhịp tăng trưởng, môi trường kinh doanh thuận lợi… đã giúp cho Việt Nam có được cái nhìn ngày càng thiện cảm trong mắt các tổ chức xếp hạng, và điều này ảnh hưởng rất tích cực và sâu sắc đến tín nhiệm của ngân hàng.

Thực tế, cả ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới là Moody's, Standard & Poor's và Fitch Ratings cũng đều đánh giá Việt Nam có triển vọng “tích cực” sau một thời gian chứng kiến sự cải thiện môi trường vĩ mô và ổn định tài chính của Việt Nam. Fitch hiện đang xếp hạng tín nhiệm Việt Nam ở mức “BB” với triển vọng “Tích cực”. Trước đó, S&P giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, nâng triển vọng từ Ổn định lên Tích cực. “Tín nhiệm quốc gia có triển vọng sẽ là cơ sở để cho các ngân hàng có cơ hội thăng điểm xếp hạng thời gian tới...”, TS. Hiếu nhìn nhận.

Phát huy nền tảng

Quay trở lại với hệ thống ngân hàng, câu chuyện “làm thương hiệu”, “tạo dựng brand” nhiều năm trở lại đây đã được các ngân hàng chú trọng hơn rất nhiều. Theo chuyên gia, không nên nhìn nhận đây là việc “đánh bóng”, “tốt khoe xấu che” mà chính việc ý thức để sức khỏe của mình tốt hơn, năng lực tài chính của mình cải thiện hơn, sản phẩm dịch vụ phong phú và hiện đại hơn… đã giúp cho các ngân hàng khẳng định uy tín của mình.

Quý I/2022, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang cho thấy tiếp tục những kết quả kinh doanh ấn tượng, theo đà phục hồi của nền kinh tế quốc dân khi bước vào giai đoạn bình thường mới. Tín dụng ghi nhận tăng trưởng tốt, tới 25/4, tăng trưởng tín dụng là 6,75% so với cuối năm 2021, tương đương mức tăng 16,4% so với cùng kỳ. Đây là một con số đáng mừng cho thấy nhu cầu tín dụng của nền kinh tế đang khá lớn, chứng tỏ hoạt động sản xuất kinh doanh đang có sự phục hồi tích cực. Về phía NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng hiệu quả, an toàn, cân đối dòng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương Chính phủ, cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp… Hệ thống ngân hàng cũng đã có sức bứt phá mạnh mẽ về gia tăng hàm lượng số hóa trong nội bộ cũng như các sản phẩm, dịch vụ của mình, đặc biệt bùng nổ từ trong giai đoạn đại dịch.

Trong một môi trường quốc tế cạnh tranh, cái đích để hướng tới đã không còn đơn thuần chỉ gói gọn trong biên giới Việt Nam, mà hơn hết ngân hàng Việt Nam hiện nay phải tiệm cận và đạt được các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế. Basel II cơ bản, Basel II nâng cao, hay tiến tới Basel III… đều là các tiêu chuẩn mà hệ thống ngân hàng Việt Nam đang nỗ lực để đạt được. Không ít ngân hàng đã và đang hoàn tất việc chuẩn bị các nền tảng để tiến tới chuyển đổi phương pháp tính vốn nâng cao (FIRB), đáp ứng chuẩn mực Basel III về rủi ro thanh khoản sau khi đã hoàn thành trước hạn cả ba trụ cột của Basel II. Đi cùng với đó là kiểm soát chặt chẽ chi phí hoạt động, để đưa tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập thuần (CIR) xuống mức thấp…

“Thách thức còn rất lớn, nhưng nếu duy trì và củng cố được những nền tảng sẵn có, có những chiến lược và kịch bản để ứng phó, linh hoạt trước mọi điều kiện, hoàn cảnh thì hệ thống ngân hàng Việt Nam chắc chắn sẽ có được chỗ đứng trong mắt các nhà đầu tư. Thêm nữa, cần xem xét có thêm những bên thứ ba, hay nói cách khác là các công ty xếp hạng tín nhiệm độc lập, để khẳng định vai trò quan trọng của xếp hạng tín nhiệm, trở thành chỉ số tham khảo cho các nhà đầu tư, so sánh với khẩu vị rủi ro của họ trước khi đưa ra quyết định đầu tư”, chuyên gia chia sẻ.

Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 phê duyệt “Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030” đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 đạt mức xếp hạng tín nhiệm từ Baa3 (đối với Moody’s) hoặc BBB- (đối với S&P và Fitch) trở lên. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân cả giai đoạn khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD; tổng đầu tư xã hội bình quân đạt 33-35% GDP.

Đường dẫn bài viết: https://tbnhnew.mastercms.vn/ngan-hang-nang-cao-tin-nhiem-127046.htmlIn bài viết

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Copyright © 2025 https://tbnhnew.mastercms.vn/ All right reserved.